Ngọc Hùng -
(SGTT Online) - Với 2315 vận động viên đăng ký tham gia giải Dalat Ultra Trail 2018, con số này cho thấy sự thành công của giải marathon lớn nhất khu vực phía Nam, đồng thời cũng nói lên được nhu cầu của người dân cho các hoạt động thể thao ngoài trời và đằng sau các con số từ ban tổ chức cũng có nhiều chuyện thú vị.
Về thời gian, nhìn chung, Ban tổ chức quy định một khoảng thời gian khá dài để cho các vận động viên có thể kết thúc cuộc chơi của mình. Cụ thể, với cự ly 70km là 18 tiếng, người tham gia chỉ cần chạy với vận tốc bình quân 4km/giờ, bạn sẽ kết thúc đúng quy định để nhận được chứng nhận. Với cự ly 42km, thời gian chạy là 16,5 tiếng, tương đương vận tốc trung bình là 2,6km/giờ là hoàn thành, cự ly 21km có thời gian là 13,5 tiếng, nghĩa là 1,6km/giờ, còn cự ly 10km, các vận động viên chạy với tốc độ 2km/giờ là nhận được chứng nhận.
Như vậy, với thời gian để chạy cho các cự ly mà ban tổ chức đưa ra các vận động viên đều có thể về đích an toàn. Chính cách quy định này, đã giúp người chơi cảm thấy tự tin tham gia dù có nhiều vận động viên, gần như chưa tập chạy đường trail lần nào. Và đa số các vận động viên đều coi việc chạy đường trail lần này như một cuộc dạo chơi trong rừng, vậy tại sao không đăng ký, một cơ hội đi chơi trong rừng có tổ chức.
Thực tế đã cho thấy, ở cự ly 10km, hầu như các vận động viên tham gia chạy đều về đến đích an toàn, người về đầu tiên ở cự ly này chỉ có 47 phút chạy, và người cuối cùng về đích với tổng thời gian 4 giờ 18 phút chạy. Song, đây là cự ly mà tỷ lệ người tham gia không tham dự nhiều nhất. Theo số liệu công bố trên trang 123go.vn, cự ly này có 665 người đăng ký tham gia chạy nhưng 114 người không tham gia chạy. Tính ra, tỷ lệ bỏ cuộc là hơn 17%.
Cự ly 21km, cũng tương tự khi vận động viên cuối cùng cán đích sau gần 8 giờ 40 phút chạy, sớm hơn thời gian quy định của ban tổ chức gần 5 tiếng. Tỷ lệ bỏ cuộc, không tham gia ở cực ly này là 4,5%. Đây cũng là cự ly có số người chạy nhiều nhất với 956 người.
Cự ly 42km, số người đăng ký tham gia chạy là 529 người và có 485 người về đích an toàn, trong đó, người về nhất là vận động viên Lê Tấn Hi, với tổng thời gian chạy là 3 giờ 58 phút 32 giây, tương đương vận tốc trung bình là 10,5km/giờ. Còn thời gian của người cuối cùng cán đích ở cự ly này là 15 giờ 20, sớm hơn thời gian quy định của ban tổ chức 1 giờ 10 phút, tương đương vận tốc trung bình là 3,5km/giờ. Số người đã không hoàn thành vì bỏ cuộc nửa chừng và không tham gia chạy dù đăng ký là 43 người, tương đương 8%. Tuy nhiên, phần nhiều trong số này không tham gia ngay từ đầu, chỉ có 11 chạy nhưng đã bỏ nửa chừng.
Cự 70km, được xem là một cự ly thách thức nhiều vận động viên và những ai tham gia ở cự ly này đều đã từng tham gia một số giải marathon ở cự ly 42km hoặc 70km trước đó. Người về nhất ở chặng này là Trần Duy Quang với tổng thời gian chạy là 7 giờ 32 phút, tương đương vận tốc 10km/ giờ. Vận động viên kết thúc sau 18 giờ chạy là Lê Thanh Bình, đúng thời gian mà ban tổ chức quy định. Cự ly này có 168 người đăng ký tham gia và số người về đích đúng quy định là 136 người, tương đương 81%, còn 19% là không tham gia ngay từ đầu hoặc bỏ cuộc chơi nửa chừng.
Nhìn vào số liệu thống kê cho thấy, cự ly 70km có tỷ lệ bỏ cuộc nhiều nhất với 19%, tiếp đến là cự ly 42km với 8%, còn 21km là 4,5%. Khá bất ngờ ở cự ly dễ 10km nhưng tỷ lệ này lên đến 17%, đa phần là không tham gia chạy từ đầu.
Đây là giải nằm trong hệ thống Asia Trail Master nên có nhiều vận động viên đến từ các quốc gia như Nhật, Pháp, Ấn Độ, Ba lan, New Zealand, Singapore, Malaysia… tham dự nhưng các vị trí quán quân tại các cự ly đều về tay các vận động viên Việt Nam.
Chứng tỏ, người Việt Nam có tố chất để có thể thắng cuộc trong các giải marathon quốc tế. Một điều dễ nhận ra trong các cự ly này đó là những người đạt các vị trí nhất, nhì và ba ở các cự ly đều là những người có thân hình thon gọn.