(SGTT) - Vừa qua, Lễ hội Songkran 2022 với chủ đề “Bình thường mới - vui chơi rộn ràng, an toàn với Covid” đã diễn ra tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM.
- Người Việt phân vân khi quyết định du lịch Thái Lan
- 20 hãng lữ hành Thái Lan đến Việt Nam khảo sát tour cho du khách Thái
Chương trình được phối hợp thực hiện bởi Khoa Đông phương học - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, Trung tâm nghiên cứu Thái Lan và Lãnh sự quán Thái Lan.
Lễ hội mang đến nhiều hoạt động giao lưu, tìm hiểu về ngày Songkran cũng như văn hóa Thái Lan dành cho sinh viên trường cùng đông đảo người dân, người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TPHCM quan tâm, yêu thích văn hóa Thái Lan.
Phát biểu khai mạc chương trình, tiến sĩ Lê Hoàng Dũng, phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM cho biết lễ hội diễn ra mang lại nhiều ý nghĩa lớn. Sự kiện được tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 đã phần nào được kiểm soát. Đây sẽ là dịp để sinh viên, giảng viên trường cùng các đơn vị đối tác có cơ hội được tìm hiểu thêm về nền văn hóa dân tộc thú vị của đất nước chùa vàng.
Bà Wiraka Mudhitaporn, đại diện Tổng lãnh sự quán Vương quốc Thái Lan tại TPHCM, cũng dành lời cảm ơn sâu sắc đến ban tổ chức chương trình đã mang nét đẹp của văn hóa Thái Lan đến Việt Nam.
Đến với lễ hội, anh Nicola (quốc tịch Ý) hiện đang sinh sống và học tập tại TPHCM cảm thấy hào hứng và ấn tượng. Anh cho biết bản thân đã học tiếng Việt trong ba năm. Khi tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, anh dành thời gian tham khảo và biết đến nhiều nền văn hóa khác trong khu vực Đông Nam Á. Thông qua lễ hội, anh đã có cơ hội được tìm hiểu về "xứ sở nụ cười" xinh đẹp.
Nguyễn Phương Nghi (20 tuổi, TPHCM) chia sẻ bạn ấn tượng nhất là gian hàng ẩm thực tại lễ hội, được thưởng thức nhiều món ăn độc đáo mà trước nay bạn chưa từng thử qua như: món bánh “quên nuốt” (leum kleun), gói cuốn kiểu Thái, chè hạt lựu…
Tại lễ hội, khán giả có dịp trải nghiệm nghi thức "Rửa tay cầu phúc", tham quan triển lãm về lễ hội Songkran, tham quan các gian hàng thủ công Thái Lan: San pla tapian (Đan cá chép), Tung sai moo (Làm lồng đèn), gian hàng Soi Dao (Rút thăm trúng thưởng) và chương trình “Đố vui có thưởng”.
Lễ hội Songkran hay còn được biết là ngày Tết năm mới của đất nước Thái Lan, là nét văn hóa đặc trưng của đất nước này và được tổ chức từ ngày 13 đến 15 tháng 4 Dương lịch hàng năm. Đây là dịp để người dân Thái Lan có cơ hội thể hiện lòng hiếu thảo đối với tổ tiên của mình, duy trì, bảo tồn các hoạt động tôn giáo, cũng như tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí với mục đích thắt chặt mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, tiếp tục lưu truyền và phát huy nền văn hóa được xem là di sản của quốc gia.
Bảo Trâm - Thy Thơ
Nhiều hoạt động thú vị thế ạ!
Lễ hội thật thú vị và bổ ích!