- Đà Nẵng: đánh giá sát sao những trụ đỡ và nút thắt kinh tế
- Đà Nẵng quy hoạch khu danh thắng Ngũ Hành Sơn
Ngày 1-3, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là di sản đầu tiên của thành phố Đà Nẵng được vinh danh ở tầm khu vực, nằm trong Danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn.
Liên quan đến công tác bảo tồn, từ trước khi Ma nhai được ghi danh là di sản tư liệu thế giới, ngành văn hóa Đà Nẵng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế tác động của con người trực tiếp trên Ma nhai.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã dịch toàn bộ nội dung Ma nhai bằng cách dập văn bia bằng giấy chuyên dụng trong bảo tồn di sản. Đồng thời, số hóa toàn bộ nội dung văn tự ma nhai để lưu giữ giá trị di sản đến các thế hệ sau. Đây là giải pháp khoa học tối ưu để bảo tồn nguồn tài liệu quý giá, độc nhất trước nguy cơ hư hại bởi thời tiết và thời gian.
“Để bảo tồn Ma nhai, có rất nhiều công việc cần phải làm, trong đó, một trong những cách tốt nhất là giữ nguyên hiện trạng, hạn chế tối đa việc dùng hóa chất, vật cứng can thiệp. Đặc biệt, phải có cách tránh sự tác động của thiên nhiên cũng như con người tiếp xúc trực tiếp với ma nhai. Bên cạnh đó, sử dụng ánh sáng dành riêng cho bảo tồn các hiện vật để chiếu sáng ma nhai, bảo đảm không làm hư hại di sản. Đồng thời, thực hiện công tác vệ sinh đúng với “phác đồ” bảo quản chuyên dành cho ma nhai”, ông Thiện nói.
Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban quản lý Danh thắng Ngũ Hành Sơn, việc Ma nhai Ngũ Hành Sơn được công nhận cũng là động lực, cơ sở cho thành phố phát triển du lịch bền vững. Không chỉ giúp nâng tầm di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn mà còn hứa hẹn thu hút khách du lịch đến với danh thắng.
Thời gian tới, Ban quản lý Danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện truyền thông về di sản ma nhai. Đồng thời, kết nối với các đơn vị lữ hành, du lịch để hình thành các tour tham quan, góp phần lan tỏa và phát huy giá trị di sản quý giá này đến người dân, du khách trong và ngoài nước”.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho biết, địa phương sẽ tiếp tục bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn cũng như bảo tồn, phát huy các giá trị di sản tư liệu Ma nhai với sự hỗ trợ từ các bên, đặc biệt là UNESCO.
Lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng đã yêu cầu Sở Văn hóa thể thao Đà Nẵng, UBND quận Ngũ Hành Sơn và các đơn vị có liên quan thực hiện các giải pháp và phương án quản lý ma nhai theo định hướng bền vững, lâu dài và hiệu quả.
Trong đó, các bên liên quan thực hiện có hiệu quả quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh thắng Ngũ Hành Sơn sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Song song đó, thành phố tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn, bảo tàng. Tổ chức, kiểm tra, giám sát và bảo vệ nghiêm ngặt các Ma nhai cũng như ăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản tư liệu Ma nhai một cách thường xuyên và rộng rãi thông qua nhiều hoạt động, phương thức đa dạng nhằm nâng cao ý thức của người dân và du khách.
Ma nhai là một hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm được khắc trên vách đá và hang động của danh thắng Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), nội dung đa dạng, hình thức độc đáo cùng nhiều thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ 17 đến thế kỷ 20. Nguồn di sản tư liệu này có giá trị trên nhiều phương diện, phản ánh tất cả các mặt của địa phương và đất nước Việt Nam dưới thời phong kiến như: lịch sử, địa lý, văn học, nghệ thuật, tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa – giáo dục. Mỗi bia ma nhai tuy có sự khác nhau về hình thức, nội dung nhưng tựu chung đều là tác phẩm nghệ thuật có giá trị, hàm chứa những nội dung lịch sử, nhân văn quý báu.