Thứ ba, Tháng mười một 5, 2024

Đã là phong tục mới?

(SGTT) - Cuối năm vừa qua, lúc kinh tế khó khăn, nhiều chủ doanh nghiệp đã chật vật xoay xở tiền thưởng Tết tượng trưng cho nhân viên kèm theo một, hai cuốn sách mang thông điệp nuôi dưỡng cảm hứng và vun bồi nghị lực tích cực cho một năm mới. Cũng có những công ty chọn sách làm món quà lì xì nhân viên đầu năm thay cho tiền.

Tại đường sách TPHCM, một số công ty sách, nhà phát hành nghĩ ra chương trình truyền thông (và cũng làm sự kiện văn hóa) bằng cách phát hành các phiếu mua sách, mini game với phần thưởng là voucher tặng sách đầu năm, lì xì sách cho khách đến tham quan, mua sách trong dịp Tết…

“Phong tục mới”?

Ngày nay, một khi cái phong bao lì xì màu đỏ được hiểu là tiền, thì người ta sẽ ít nhiều phải cân nhắc số tiền đó là bao nhiêu. Người nhận món lì xì trong xã hội tiêu dùng cũng khó tránh khỏi những suy nghĩ về giá trị của số tiền nhận được. Nhưng nếu đó là một cuốn sách hay món quà tinh thần được chọn lọc phù hợp và bổ ích với người nhận, thì chính thông điệp giá trị mới là thứ quan trọng nhất. Người trao “lộc” đầu năm cũng thoải mái. Người nhận lộc cảm thấy dễ chịu vì được trân trọng.

Lễ hội đường sách Tết Giáp Thìn 2024 – điểm nhấn của du lịch TPHCM. Ảnh: N.A.N

Nhận một cuốn sách, người ta tạm quên đi giá trị thị trường của nó, con số tiêu dùng không có mặt, thay vào đó là sự nối kết của tình cảm, sự quan tâm, của ước vọng được trao gửi qua năng lượng tri thức mà cuốn sách lan tỏa.

Từ góc độ văn hóa, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng có lý khi cho rằng: “Ngày xưa người ta lì xì tiền làm vốn thì ngày nay người ta lì xì sách với ý nghĩa là tặng một vốn tri thức đầu năm, lấy hên vậy. Ngày xưa, vốn vật chất được xem trọng, nhưng ngày nay chúng ta phải công nhận vốn tri thức rất quan trọng”, (theo VnExpress.net, 10-2-2024).

“Vốn tri thức” có thể được gói gọn, biểu trưng qua cuốn sách mà chủ doanh nghiệp tặng nhân viên, cha mẹ tặng con cái, bạn bè tặng nhau, doanh nghiệp tặng đối tác… vào dịp đầu năm. Sự chuyển hóa món tiền “lì xì” trong truyền thống trở thành món quà phù hợp với văn hóa của nền kinh tế tri thức vừa là một nét mới, có thể tạo nên một “phong tục mới” thay thế cho một phong tục cũ đang nhuốm màu trao đổi, thực dụng, thậm chí là nơi núp bóng của nhiều thứ tiêu cực như lót tay, hối lộ.

Lộc tri thức thông qua việc lì xì sách đầu năm có thể phát triển thành một tập quán mới bổ sung vào sinh hoạt của Tết hiện đại. Thông qua đó, người Việt hôm nay thể hiện được ý hướng xây dựng tương lai bằng giá trị của sự hiểu biết, xây dựng nền tảng thịnh vượng và an khang trên nền tảng tri thức; lấy tri thức làm vốn liếng, thước đo của sự giàu có, phát triển thay vì chỉ cầu tài lộc, thành công theo nghĩa thuần túy vật chất.

Lộc sách sẽ gieo điều lành

Những ngày Tết ở TPHCM bây giờ ngoài đường hoa xuân để khách tham quan, chụp hình trở thành một đặc sản, thì đường sách và hội sách xuân cũng đã trở thành một nét văn hóa mới.

Không chỉ người dân, mà cả du khách khi đến TPHCM vào dịp Tết nhất cũng tìm đến với đường sách, hội sách để mua cho mình những cuốn sách hay và một đôi món hàng lưu niệm. Sách thì có thể đọc đầu năm hoặc tặng bạn bè, gia đình. Cha mẹ cũng chọn không gian đường sách để cho con cái dạo chơi, mua sắm. Từ đây sẽ hình thành thói quen và tạo nên tập quán hiện đại.

Ảnh: N.A.N

Nhìn vào doanh số Lễ hội đường sách Tết Giáp Thìn 2024 vừa qua (hoạt động từ 28 Tết đến mùng 5 Tết tại đường Lê Lợi, quận 1) với hơn 10 tỉ đồng, và cùng lúc, doanh thu Đường sách TPHCM (tại đường Nguyễn Văn Bình) đạt hơn 1 tỉ đồng, có thể nhận ra điều đó. Dù doanh số chỉ phản ánh một phần giá trị mà các sinh hoạt thị trường xuất bản này mang lại. Điều cốt lõi nhất là các không gian sinh hoạt văn hóa – xuất bản này tạo ra một đời sống tinh thần vui vẻ, phản ánh được nội lực của xã hội đô thị.

Ngoài ra, xét ở lĩnh vực du lịch, thì đây là những không gian mang đến sự kết nối của du khách với văn hóa thành phố, những điểm nhấn thú vị của du lịch TPHCM.

Ngày Tết dạo đường sách hay lễ hội đường sách, có thể nhận thấy rất đông du khách ngoại quốc cà phê, tản bộ, mua sắm hàng lưu niệm và chọn sách về văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa TPHCM nói riêng.

Những phong tục văn hóa mới xuất phát từ nội sinh, mong muốn của xã hội như lễ hội đường sách, văn hóa lì xì sách có lẽ là những biểu hiện, chính sách đầu tư để chủ doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách nhìn rõ hơn chìa khóa của phát triển văn hóa nằm ở đâu. Cộng đồng xã hội cũng thông qua đó, gửi gắm những hoài vọng về phát triển, thăng tiến từ nền tảng bền vững vốn liếng tri thức.

Còn quá sớm để đưa cụm từ “phong tục mới” ra khỏi ngoặc kép, nhưng việc lì xì sách và rước lộc tri thức đầu xuân có thể sẽ trở thành một trong những sinh hoạt văn hóa lành mạnh thêm phong vị Tết hôm nay.

Nguyễn An Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Từ Wukong nghĩ về những sản phẩm, dịch vụ mang giá...

0
(SGTT) - Sự thành công của tựa game Black Myth: Wukong (Trung Quốc) đã khẳng định thêm lần nữa rằng các giá trị văn...

Tiến sĩ Lý Quí Trung ra mắt sách ‘Khác biệt để...

0
(SGTT) – “Khác biệt để thành công” là tựa cuốn sách thứ 10 của Tiến sĩ Lý Quí Trung, Viện trưởng Viện Doanh nhân...

Văn hóa khăn rằn cần được quảng bá rộng hơn

0
(SGTT) – Sáng nay, 5-10, tại buổi giao lưu ra mắt sách “Văn hoá khăn rằn” ở nhà sách Phương Nam (thành phố Cần...

Huế tạo không gian khuyến khích đọc sách và trao đổi...

0
(SGTT) – Sáng nay (29-9), Câu lạc bộ (CLB) Sách và Văn hóa Huế đã chính thức ra mắt tại 23-25 Lê Lợi, TP....

Văn hóa đại chúng – Bí mật đằng sau sự thành...

0
(SGTT) - Khi văn hóa không còn nằm trong lãnh thổ vốn có của nó mà bắt đầu du nhập vào một cộng đồng...

Tại sao việc viết giúp phát triển tư duy và tạo...

0
(SGTT) - Ngày 21-6-2024 chúng ta sẽ kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ngày này nhắc cho chúng ta...

Kết nối