(SGTT) - Hiện nay, Việt Nam có 10 bệnh viện, phòng khám đã áp dụng bệnh án điện tử, được cho là bước tiến vượt bậc của ngành y tế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào khám chữa bệnh.
- Chăm sóc sức khỏe từ xa ở ASEAN tăng trưởng vượt trội trong mùa đại dịch
- Ngành y tế có mạng xã hội riêng
Hiện nay, Việt Nam có 10 bệnh viện, phòng khám đã thực hiện bệnh án điện tử, bỏ hoàn toàn bệnh án giấy gồm Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng, Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Bệnh Viện Đa khoa Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng khám Đa khoa Anh Quất (Bắc Giang - bệnh án ngoại trú), Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh).
Theo TTXVN, bệnh án điện tử đã đồng bộ hồ sơ từ vỏ bệnh án, tờ điều trị, phiếu chăm sóc, tờ xét nghiệm, cho đến phiếu chụp X-Quang. Đây là bước đột phá quan trọng để chuyển đổi số hóa ngành y tế, từng bước ứng dụng và phát triển y tế thông minh, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đối với ngành y tế, việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử giúp ngành có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời.
Với cơ sở dữ liệu này, việc tổng hợp, phân tích thông tin sẽ giúp ngành y tế có những chỉ đạo kịp thời về phòng, chống dịch bệnh và dự báo, hoạch định chính sách về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân một cách khoa học hơn.
Với mục tiêu quan trọng nhất là phục vụ người dân được tiếp cận tất cả các dịch vụ y tế tiện ích hơn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, các giải pháp thông minh đang được Bộ y tế khuyến khích mạnh mẽ, như sử dụng các công nghệ dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây và công nghệ di động để giúp giảm bớt tình trạng quá tải của các bệnh viện và nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh.
Dung Trần tổng hợp