Hoàng Xuân Phương -
Không lâu sau Para Olympics tại Rio (Brazil) kết thúc, một cuộc tranh tài thể thao đặc biệt giữa các vận động viên kỹ thuật sinh học hay Bionic Olympics gọi là Cybathlon đã diễn ra vào trung tuần tháng 10-2016 tại Zurich (Thụy Sĩ) với sự tham dự của 66 đội từ nhiều quốc gia. Các vận động viên tham dự là những người sử dụng chân, tay giả tích hợp công nghệ cao.
Một vận động viên thi đấu tại bộ môn giao diện não -máy tính (BCI).
Trong các năm gần đây, các kỹ thuật sinh học chế tạo chân tay giả hay thậm chí cả trí khôn nhân tạo đã nâng lên thành một ngành công nghệ phục vụ người thương tật, nhờ vào việc lập trình các phần mềm thông minh vào bên trong các bộ phận thay thế.
Đây là lần đầu tiên người ta chứng kiến cuộc thi tài giữa các vận động viên kỹ thuật sinh học để giành 6 bộ huy chương cho 6 bộ môn. Giáo sư Aldo Faisal, Giám đốc phòng nghiên cứu trí não và hành vi thuộc trường Imperial College London (Anh) cho biết, trong khi Paralympics thi đấu tương tự như Olympics để chọn người chạy dài hơn, bơi nhanh hơn, nhảy cao hơn thì Cybathlon lại thi đấu dựa trên sự khéo léo trong khả năng sinh hoạt thường ngày nhờ vào chân tay giả của mỗi vận động viên thương tật.
Trường Imperial gửi đến Zurich một đội thi gồm năm vận động viên kỹ thuật sinh học, cùng với ba nhà khoa học và 20 sinh viên là những người đã lập trình dự án và hỗ trợ vận động viên rèn luyện trong suốt hai năm. Siva Sivakanthan, 23 tuổi, là vận động viên tham gia hạng mục xe lăn điện tử, sử dụng cặp mắt để điều khiển chiếc xe di chuyển. Trong khi đó Kevin Evison, 22 tuổi, người hiện là một chuyên viên máy tính đã phải mang tay giả sau một tai nạn, đã tham gia thi đấu tại hạng mục sử dụng khéo léo bàn tay nhân tạo vào các công việc hàng ngày.
Tại bộ môn tranh tài giao diện não bộ (máy tính dành cho các người hoàn toàn bại liệt), các vận động viên thực hiện việc chơi các video game đơn giản của những năm 1980 nhờ vào những điện cực gắn trên đầu khả dĩ bắt được các làn sóng não mỗi khi họ muốn di chuyển con trỏ trên màn hình. Giáo sư Faisal cho biết, nhóm nghiên cứu đã dùng loại thuật toán deep-learning vốn trước đây chưa bao giờ áp dụng cho giao diện não, đây là máy để đọc ý nghĩ trong đầu vận động viên thi đấu. Deep-Learning là một công cụ để đọc các suy nghĩ người khác và rồi biến những suy nghĩ đó thành hành động.
Cuộc tranh tài được thực hiện tại sân vận động Kloten ở thành phố Zurich. Tổng cộng 4.600 chỗ ngồi đã chật kín, cùng với khoảng 400 người dự thi, bao gồm vận động viên và chuyên viên đi kèm từ các nước. Bộ môn chân giả (Leg) có 12 đội thi đấu; bộ môn xe lăn (Wheel) có 12 đội; bộ môn xe đạp (Fes) và bộ môn giao diện não-máy tính (BCI) cũng có 12 đội; bộ môn tay giả (Arm) có 10 đội và bộ môn khung xương giả (Exo) có 8 đội. Riêng nước chủ nhà Thụy Sĩ cử 7 đội tham dự sự kiện có một không hai này.
Cuộc thi đấu đã thành công hơn dự kiến với việc các đội thi đều đạt được mục đích, và điều này tạo nên nguồn động viên rất lớn cho các nhà đầu tư cũng như những chuyên viên phát triển phần mềm hỗ trợ những người thương tật nói chung và các vận động viên thương tật nói riêng, thậm chí cho cả những người bị bại liệt. Cuộc đọ sức Cybathlon lần thứ hai, theo dự tính sẽ tổ chức vào năm 2020. Vị chủ tịch cuộc thi, ông Lino Guzzella nhấn mạnh “phát triển giải pháp nhằm tạo sự tiến bộ cho cộng đồng là mục tiêu mà cuộc thi nhắm tới”.
Kết quả, huy chương vàng bộ môn Arm thuộc về Robert Radocy đội DIPO Power (Hà Lan); huy chương vàng Fes thuộc về Mark Muhn đội Cleveland (Mỹ); huy chương bộ môn Wheel thuộc về Florian Hauser của đội HSR Enhanced (Thụy Sĩ); dẫn đầu Exo thuộc về Andre Van Rueschen đội ReWalk (Đức); quán quân giải BCI thuộc về Numa Poujouly đội Brain Tweakers (Thụy Sĩ) và huy chương vàng bộ môn Leg thuộc về Helgi Sveinsson đội OssurRheoKnee (Iceland).
Ban tổ chức cho rằng tạo sự quan tâm của cộng đồng đến những người thương tật sẽ giúp cho cuộc sống của họ nhẹ nhàng hơn, và cũng lôi kéo các nhà đầu tư, các tổ chức phi chính phủ cũng như các nhà từ thiện quan tâm hơn đến những hoàn cảnh rất khó khăn của mỗi người. Và hơn hết, Cybathlon tạo nên nguồn cảm hứng cho một ngành thể thao mới, kết hợp giữa tài năng và công nghệ nơi các người thương tật.