Thứ năm, Tháng mười một 7, 2024

Cước vận chuyển lên thì lẹ, xuống… từ từ

Chỉ đến khi giá xăng dầu giảm lần thứ chín liên tiếp với tổng mức giảm là 4.250 đồng/lít, cộng với văn bản của Bộ Tài chính đề nghị xem xét, kiểm soát giá cước vận tải, thì các doanh nghiệp mới rục rịch giảm giá cước vận chuyển.

Trong đợt giảm giá xăng dầu lần thứ tám vào ngày 23-10 trước đó, các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa chịu giảm giá cước, khiến người dân và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ vận tải bức xúc. Điều này trái ngược với động thái khi giá xăng dầu tăng thì giá cước vận tải tăng ngay tức thời. Mãi cho đến khi xăng dầu giảm giá lần thứ chín vừa qua, các doanh nghiệp mới bắt đầu giảm giá cước.

Ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh, sau khi họp toàn hệ thống của Mai Linh trên cả nước, hãng đã thống nhất sẽ giảm cước taxi 500-2.000 đồng/km, tùy từng tỉnh thành. Trong đó, TPHCM giảm 500 đồng/km, Hà Nội giảm 500-800 đồng/km, Đà Nẵng, Huế giảm 1.800 đồng/km, ở các tỉnh khác giảm 2.000 đồng/km.

Về thời gian giảm giá cước, ông Huy cho biết, hãng đang làm các thủ tục để báo cáo cơ quan chức năng, kiểm định lại đồng hồ và dự kiến sẽ áp dụng trước ngày 15-11. Một số hãng taxi khác tại TPHCM cũng cho biết đang tính toán để giảm giá cước sau khi giá xăng giảm mạnh hôm 7-11 (lần giảm thứ chín).

Nói về thực trạng này, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, cho rằng vì từ đầu năm đến nay xăng dầu đã tăng giá khá nhiều lần nhưng cước taxi của các hãng vẫn giữ nguyên, do vậy khi giá giảm thì bù lại các hãng chưa thể giảm giá cước. Còn ông Trần Đình Tốn, Tổng giám đốc của hãng taxi Sài Gòn Hoàng Long, cũng nói là giá cước taxi của công ty này hiện nay chưa thể giảm vì các chi phí đầu vào vẫn tăng cao, trong khi chỉ có xăng dầu giảm giá thì chưa đủ để giảm giá cước.

IMG_0374

Ông Tốn nói tiếp, đối với kinh doanh taxi, khâu đầu vào năm qua tăng chóng mặt, không chỉ xăng dầu, giá vật tư như vỏ, lốp, chi phí sửa chữa đều tăng, bảo hiểm xã hội tăng do tăng lương tối thiểu, các chi phí hoa hồng tiếp thị đều tăng. Ví dụ, điểm tiếp thị của Hoàng Long ở bến xe miền Đông mỗi năm đều tăng 10%. Còn ở sân bay Tân Sơn Nhất, hãng phải đóng đủ các loại phí mới được hoạt động, chi phí mỗi năm cho điểm tiếp thị của hãng tại sân bay tăng mấy trăm triệu đồng. Khi được hỏi về khả năng giảm giá cước trước động thái của Mai Linh, ông Tốn cho biết hãng vẫn đang theo dõi sát động thái của thị trường.

Đối với vận tải hành khách các tuyến liên tỉnh, ông Hoàng Duy Kha, Chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải Đông Bắc – đơn vị có các xe từ TPHCM đi các tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên và miền Trung – cho biết trong đợt giảm giá xăng lần này chắc chắn giá vé xe của hợp tác xã sẽ giảm. Tuy nhiên, mức giảm bao nhiêu còn xem xét dựa trên các chi phí đầu vào.

Đại diện của hãng xe Thiên Phú, chuyên vận tải hành khách tuyến TPHCM-Vũng Tàu, cũng cho biết giá vé xe của hãng đã giảm từ ngày 4-11 với mức giảm là 5%. Cụ thể, giá vé tuyến TPHCM-Vũng Tàu giảm từ 100.000 đồng/hành khách xuống còn 95.000 đồng/hành khách.

Giải thích lý do tại sao giá nhiên liệu giảm nhiều mà giá cước vận tải lại giảm ít, vị đại diện này cho biết ở đầu vào đối với vận tải hiện nay, chỉ có nhiên liệu là giảm còn các chi phí khác như vỏ ruột xe, sửa chữa, bảo dưỡng, chi phí nhân công mỗi năm một tăng. Đặc biệt là phí cầu đường tuyến TPHCM-Vũng Tàu với mật độ trạm dày đặc, phí cũng tăng qua từng năm.

Không giống như vận tải hành khách liên tỉnh và taxi, một số doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container đã giảm giá cước từ đợt xăng dầu giảm giá lần thứ tám. Ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc Công ty Vận tải Minh Liên, cho biết doanh nghiệp ông đã giảm cước vận tải tương ứng với mức giảm giá của xăng dầu. Trung bình, một chuyến hàng từ TPHCM đi Vũng Tàu giá cước giảm 10.000 đồng. Ông Phú cho biết thêm, đối với vận tải bằng container, trong hợp đồng ký với khách hàng hầu hết đều có điều khoản thỏa thuận giữa hai bên khi giá xăng dầu tăng, giảm ở mức từ 10% trở lên thì sẽ điều chỉnh tăng, giảm giá cước theo.

[box type="download"] Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng năm lần với tổng mức tăng là 1.430 đồng/lít, trong đó mức tăng cao nhất là vào tháng 7-2014 với mức tăng 410 đồng/lít. Trong khi đó, giá xăng đã giảm chín lần với tổng mức giảm là 4.250 đồng/lít.

Còn đối với dầu diesel, tính từ đầu năm đến nay, giá dầu diesel đã giảm 16 lần với tổng mức giảm là 3.580 đồng/lít. Riêng từ tháng 10 đến nay, giá dầu diesel giảm mạnh, trong đó ngày 13-10 giảm 880 đồng/lít, ngày 23-10, giảm 480 đồng/lít và ngày 7-11, giảm 520 đồng/lít.[/box]

Anh Quân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đề xuất xe hợp đồng phải vào bến đón trả khách

0
(SGTT) - Cục Đường bộ Việt Nam đang đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2020 theo hướng tại các đô thị loại...

Xuống máy bay, đón xe riêng về nhà

0
CHINH PHONG - Với nhiều người, việc đón chiếc taxi để ra khỏi nhà ga quốc tế và nhà ga nội địa ở sân bay...

Kết nối