(SGTT) - Khi văn hóa đọc ngày càng được chú ý, nhiều ý tưởng thư viện cộng đồng đã được hiện thực hóa để trở thành nơi giao lưu của bạn đọc với chi phí “0 đồng”.
Biến kho sách cá nhân thành thư viện, trao đổi sách với bạn đọc khắp nơi bằng niềm tin hay trao tặng cả thư viện cho trường học là một trong những hình thức thư viện miễn phí đang có triển vọng hiện nay.
Mở thư viện tại nhà
Ông Phạm Thế Cường (ngụ tại quận Gò Vấp, TPHCM) đã đem số sách tích góp lập một thư viện tại nhà, mang tên Thư viện gia đình Phạm Thế Cường.
Ông nói: “Tôi lập thư viện này trước hết là tạo niềm vui cho bản thân vì tôi rất yêu sách. Sau đó, tôi cũng muốn chia sẻ niềm vui đọc sách cho bạn bè và những người xung quanh”.
Từ năm 2008, khi lượng sách lên đến hơn 10.000 cuốn, ông Cường quyết định thành lập thư viện, mở cửa miễn phí, đặc biệt ưu tiên phục vụ thiếu nhi.
Nếu ai có nhu cầu mượn sách về tối đa một tuần, chỉ cần đem theo tấm ảnh, dán và điền thông tin vào thẻ thư viện mà ông in sẵn.
Sách ở thư viện của ông Cường hầu hết là các loại sách văn học, lịch sử, khoa học kỹ thuật...
Ông cho biết: “Khi mở thư viện, có nhiều người đến ngỏ ý tặng thêm, tôi vẫn nhận hết rồi phân loại. Kho sách của tôi hiện đạt đến con số 55.000 ngàn cuốn. Tôi cũng hỗ trợ tặng từ 3.000 đến 5.000 cuốn sách mỗi năm cho các thư viện tư nhân có nhu cầu, các trường học vùng sâu vùng xa”.
Ngoài quản lý thư viện, ông Cường cùng những người bạn thành lập câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng để tạo thêm sân chơi cho những người đến thư viện.
Câu lạc bộ thường xuyên tổ chức tọa đàm văn học để chia sẻ kiến thức, niềm đam mê sách và trao đổi những cuốn sách quý.
Đọc sách chuyền tay
Cũng với số sách đã đọc của mình, Huỳnh Quang Dũng và Phạm Ngọc Hoàng Huy lập dự án “Sách chuyền tay” nhằm lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Mô hình Xe buýt sách tại đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TPHCM) là nơi hoạt động chính của dự án.
“Trong một lần dọn nhà, thấy có lượng sách dư tầm 20 cuốn, mình nghĩ nếu bỏ đi thì tiếc. Vậy nên tụi mình nghĩ nếu được thì tạo ra một cộng đồng cùng nhau xây dựng và phát triển văn hóa đọc để sách không bị mai một”, anh Dũng nói.
Dự án bắt đầu từ năm 2016, khi đó, Dũng và Huy chỉ truyền thông qua kênh Facebook, không ngờ dự án nhận được sự đón nhận từ bạn đọc nhiều nơi.
Dũng nhớ lại: “Thời gian đầu, sau giờ làm, mình là người chịu trách nhiệm chuyển sách. Có những hôm sách đến nhà bạn đọc gần nửa đêm, họ bất ngờ và càng có niềm tin vào dự án của tụi mình”.
Từ 20 cuốn sách, thông qua việc bạn đọc gửi sách về, dự án đã có khoảng 20.000 cuốn và có 80 thành viên tham gia.
Sách được phân loại theo các đầu mục: văn hóa xã hội - kinh tế - truyện - văn học… Do hợp tác với Thư viện khoa học tổng hợp TPHCM, kỹ năng chọn lọc sách của các thành viên cũng được nâng cao.
Các hoạt động của dự án được quản lý bằng công cụ Asana trên Facebook do nhóm sáng tạo, gồm các chức năng tặng - cho mượn sách, bán rẻ - cho thuê, đăng ký tìm sách.
Người có nhu cầu mượn sách có thể nhắn tin qua fanpage hoặc đến trực tiếp xe buýt sách ở đường sách Nguyễn Văn Bình để cung cấp tên, số điện thoại và tên sách mượn.
Đối với người muốn tặng sách cho dự án, sẽ có nhóm nhận sách và phân loại. Với các loại sách nghiên cứu, giáo trình, nhóm sẽ có các đợt tặng sách trên fanpage.
Dũng thông tin thêm: “Hiện tại Sách chuyền tay đang là đối tác của Thư viện khoa học tổng hợp, nếu bạn đọc có nhu cầu tìm sách, có thể nhờ tụi mình tìm giúp ở thư viện và cho mượn theo đúng thời gian quy định”. Ngoài ra, những tổ chức có nhu cầu bán sách gây quỹ, dự án sẽ hỗ trợ việc quảng bá.
Trong tương lai gần, nhóm dự án “Sách chuyền tay - Books in the city” sẽ cho ra mắt trang web và ứng dụng điện thoại, kỳ vọng là trang đầu tiên tại Việt Nam định vị được nguồn sách có sẵn trong cộng đồng.
Trao tặng thư viện miễn phí
“Caravan thư viện Hai mươi ba mươi” (Thư viện 2030) là dự án trao tặng thư viện miễn phí cho các trường học vùng sâu, vùng xa được Câu lạc bộ Doanh nhân 2030 trực thuộc Saigon Times Club thực hiện. Mười năm qua, dự án đã trao tặng 11 mô hình thư viện chuẩn quốc gia.
Dự án này được tổ chức định kỳ vào tuần đầu tháng 8 hàng năm tại nhiều tỉnh thành. Thư viện đầu tiên được trao tại đảo Thiềng Liềng, huyện Cần Giờ năm 2009.
Hoạt động của dự án bao gồm việc trang bị thư viện mới theo quy chuẩn thư viện quốc gia, tặng đồ dùng học tập cho học sinh, chuyển giao quy trình quản lý thư viện cho giáo viên, tổ chức hoạt động văn nghệ.
Các thư viện sẽ được trang bị sách theo yêu cầu của Bộ giáo dục về sách giáo dục tiểu học, đèn, bàn ghế, kệ sách, máy tính có kết nối Internet, bộ sách điện tử khoảng 1.500 đầu sách cho học sinh tiểu học.
Toàn bộ sách và vật phẩm trao tặng đều mới hoàn toàn, là sản phẩm của các doanh nghiệp thành viên đóng góp.
Đầu tháng 8 vừa qua, dự án với thông điệp “chắp cánh bay xa” đã trao tặng thư viện thứ 11 chuẩn quốc gia cho trường tiểu học Ma Nới (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) cùng hai mô hình thư viện xanh cho Trường tiểu học Ma Nới và Trường tiểu học Hòa Sơn. Đây là không gian đọc tại sân trường do Bộ giáo dục khuyến khích ở môi trường tiểu học.
Ngoài ra, dự án còn trao tặng cho 1.400 em học sinh tại năm trường tiểu học Ma Nới, Hòa Sơn, Mỹ Sơn B, Mỹ Sơn C và Tà Nôi của huyện Ninh Sơn phần quà gồm dụng cụ học tập, cặp sách, phần thưởng khích lệ 100.000 đồng; 55 suất học bổng trị giá 3 triệu đồng/suất; tặng mỗi trường một chiếc ti vi và đóng góp 100 triệu đồng vào quỹ khuyến học của tỉnh cùng nhiều phần quà dành cho phụ huynh.
“Các trường được chọn để trao tặng thư viện phải có số lượng học sinh từ 300 em trở lên và có không gian trống khoảng 60m2 đúng quy chuẩn thư viện trường học quốc gia. Ngoài ra, chúng tôi cũng chú trọng quan sát cách tổ chức quản lý của cán bộ nhà trường để hợp tác với những cán bộ đứng đầu có tinh thần phù hợp dự án” - Ông Nguyễn Thế Lợi, phó chủ nhiệm CLB Doanh nhân 2030, nói về tiêu chí chọn điểm tặng thư viện.
Các thành viên dự án sẽ trang bị hoàn chỉnh cho thư viện từ việc tu sửa phòng ốc đến phân loại sách, cài đặt phần mềm máy tính và hướng dẫn quy trình sử dụng.
Sau khi trao tặng thư viện, các thành viên câu lạc bộ hàng năm sẽ ghé thăm các điểm trường để hỗ trợ sửa chữa nếu thư viện xuống cấp.
Ông Lợi bày tỏ: “Chúng tôi tin rằng sự đóng góp của mình có thể đem đến cho các em học sinh còn khó khăn điều kiện tiếp cận với thông tin và kiến thức một cách tốt nhất. Nếu như những ngày đầu, dự án chỉ trao tặng được cho khoảng 100 học sinh, giờ đây con số ấy đã lên đến 1.400 em. Chúng tôi có nguyện vọng giữ nguyên mô hình này và đem đến nhiều nơi còn khó khăn hơn nữa”.
Người có nhu cầu đóng góp và tham gia dự án Thư viện 2030 có thể liên lạc qua Facebook “CLB Doanh Nhan 2030/Saigon Times Club” hoặc liên hệ trụ sở chính 35 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TPHCM.
Nhi Vũ
Một số địa chỉ thư viện tại TPHCM
Thư viện American CenterTrực thuộc Trung tâm Hoa Kỳ ở TPHCM, những người muốn rèn tiếng Anh có thể làm thẻ thư viện tại đây để sử dụng miễn phí các dịch vụ đọc sách tiếng Anh, tham dự các buổi hội thảo, chiếu phim, khóa học kỹ năng.Địa chỉ: lầu 8 Diamond Plaza, 34 Lê Duẩn, quận 1. Giờ mở cửa: 8 giờ 30 đến 17 giờ thứ ba đến thứ sáu. Thứ năm mở đến 19 giờ.Thư viện Khoa học Tổng hợpThư viện Khoa học Tổng hợp có không gian rộng thoáng giúp người đến đây có thể mượn sách, đọc sách hoặc học tập. Không gian bên ngoài thư viện nhiều cây xanh, yên tĩnh, có ghế đá ngồi nghỉ và phía sau thư viện có căn tin. Người có nhu cầu có thể đăng ký làm thẻ thư viện với mức phí 30.000 đồng/năm.Ngoài ra, bên trong thư viện này còn có thư viện điện tử S.Hub với các công nghệ đa phương tiện, máy tính, máy chiếu phục vụ người đọc hoặc cho các buổi hội thảo.Địa chỉ: 69 Lý Tự Trọng, quận 1. Giờ mở cửa: 7 giờ 30 đến 19 giờ thứ hai đến thứ sáu, 9 giờ đến 17 giờ thứ bảy và chủ nhật.Thư viện IdecafThư viện Idecaf thuộc Viện trao đổi văn hóa Pháp Idecaf. Người đọc sẽ làm thẻ 200.000 đồng/năm đối với sinh viên và 400.000 đồng/năm đối với người lớn nếu muốn mượn sách về nhà. Thư viện dành cho những người yêu thích tiếng Pháp với không gian hiện đại và yên tĩnh, có cả phòng đọc sách cho thiếu nhi.Địa chỉ: 31 Thái Văn Lung, quận 1. Giờ mở cửa: 13 giờ 30 đến 18 giờ thứ ba đến thứ năm; thứ Sáu và thứ bảy từ 9 giờ 30 đến 17 giờ.