Số người dùng trực tuyến tại Việt Nam tăng mạnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong đó riêng năm 2021 số người tiêu dùng trực tuyến tại Việt Nam đã tăng hơn 8 triệu người, theo thông tin từ Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2021 được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức vào ngày 15-12.
- Sàn thương mại điện tử đang trở thành kênh tiêu thụ mới cho nông sản
- Người tiêu dùng ở nông thôn mua sắm trực tuyến ngày càng nhiều hơn
- Ra mắt Trung tâm Bản quyền nội dung số Việt Nam
Phát biểu tại diễn đàn trên, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, theo báo cáo Google và Temasek, từ đầu dịch tới giữa năm 2021, số người tiêu dùng trực tuyến tại Việt Nam đã tăng hơn 8 triệu người. Con số cho thấy sự chuyển biến về hành vi tiêu dùng của người dân, kéo theo đây là cơ hội và cũng là thách thức cho các doanh nghiệp cần mau chóng chuyển đổi mô hình kinh doanh trên môi trường trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Thuật ngữ về thương mại điện tử, tiếp thị trực tuyến trở nên rất phổ biến và trở thành nhu cầu cấp thiết mà các doanh nghiệp cần mau chóng chuyển mình.
Còn ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cho hay, thương mại điện tử được nhắc đến rất nhiều trong đại dịch Covid-19. Vecom cũng đã phải tương tác với rất nhiều hội ngành nhằm đẩy mạnh phát triển các hoạt động về thương mại điện tử. Do đó hiệp hội muốn đẩy mạnh tổ chức Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2021 để cập nhật những xu hướng mới trong lĩnh vực này đến các doanh nghiệp.
Theo Vecom, cuộc sống “bình thường mới” sau Covid-19 đòi hỏi các doanh nghiệp áp dụng những chiến lược mới để tồn tại và phát triển. Hơn bất kỳ lúc nào hết, giờ là thời điểm doanh nghiệp cần khai thác tối đa những lợi ích tuyệt vời từ tiếp thị trực tuyến để tăng khách hàng, tăng doanh thu trong thời gian ngắn nhất. Vì vậy, để cập nhật các xu hướng, công nghệ, giải pháp marketing giúp các doanh nghiệp ngược dòng ngoạn mục trong dòng “lũ quét” của đại dịch Covid, Vecom đã tổ chức Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2021 để thúc đẩy hoạt động này tới các doanh nghiệp.
Trong một diễn biến khác, chia sẻ tại một sự kiện được tổ chức gần đây, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, Tổng giám đốc công ty aKa Furniture nói: “Covid-19 kéo dài hai năm qua nhưng ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp sản xuất nhất là trong 3 tháng vừa qua. Trong năm Covid-19 đầu tiên các doanh nghiệp phải đối mặt với sự đứt gãy thị trường. Thực sự chỉ có gián đoạn ngắn trong tháng 3 và 4 của năm 2020. Lúc đó các doanh nghiệp Việt cũng thích ứng nhanh đối với đứt gãy chuỗi liên lac với khách hàng".
Song ông Phương cho rằng, chúng ta may mắn là thế giới đang chuyển dịch qua thương mại điện tử. Trải nghiệm về mua sắm đồ gỗ của khách hàng châu âu là mua qua thương mại điện tử. Điều này gián tiếp tạo ra các đơn hàng cho Việt Nam. Bởi doanh nghiệp đồ gỗ Việt vẫn giữ được liên lạc với các bạn hàng thông qua công nghệ, các phòng trưng bày ảo trực tuyến và hạ tầng công nghệ thông tin sẵn có.
“Sự thành công của Việt Nam đã giữ được an toàn trong năm 2020 và nửa đầu 2021. Do đó có những thời điểm ngành gỗ Việt Nam tăng trưởng 60% doanh số. Tất nhiên gỗ là một mặt hàng đặc thù, là mặt hàng nội thất cho gia đình. Nghĩa là khi càng ở nhà thì người ta càng thay đổi đồ nổi thất”, ông Phương giải thích.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp.HCM cho hay, cùng với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, bên cạnh sức mua vẫn đang rất tốt, với sự tăng trưởng về nhu cầu của 1 số thị trường như Hàn Quốc… Trong suốt đợt dịch cao điểm Covid-19 lần thứ tư có 50% các nhà máy gỗ vẫn duy trì được sản xuất 3 tại chỗ, giúp thích ứng nhanh.
“Vượt qua Covid-19 lần này ngành gỗ có đóng góp rất lớn của công nghệ, thương mại điện tử…", ông Phương nhấn mạnh.
Vân Ly
Theo KTSG Online