(SGTT) - Đại diện của hơn 190 nước tại hội nghị khí hậu COP28 của Liên hợp quốc ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) lần đầu tiên nhất trí một thỏa thuận kêu gọi thế giới “chuyển tiếp khỏi” các nhiên liệu hóa thạch nhằm ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu.
- Đến năm 2050, năng lượng tái tạo sẽ chiếm hơn 70% trong cơ cấu nguồn điện Việt Nam
- Cuộc đối đầu giữa ngành du lịch và sản xuất trong tham vọng năng lượng tái tạo ở châu Âu
Hội nghị COP28 đã bế mạc hôm 13-12 sau khi các nước nhất trí thỏa thuận dự thảo mới nhất do Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber công bố sau cuộc đàm phán thâu đêm. Theo thỏa thuận, các nước nhất trí kêu gọi đóng góp cho các nỗ lực toàn cầu để chuyển tiếp khỏi nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách “hợp lý, trật tự, cân bằng”. Thỏa thuận lặp lại ngôn ngữ của các hội nghị thượng đỉnh khí hậu trước đây, kêu gọi các nước tăng tốc nỗ lực hướng đến việc giảm dần sử dụng điện than không sử dụng công nghệ thu giữ carbon.
Tuy nhiên, thỏa thuận không bao gồm cam kết rõ ràng và ràng buộc về việc dần loại bỏ hoàn toàn (phase out) hoặc giảm dần (phase down) sử dụng nhiên nhiên liệu hóa thạch, như nhiều nước, nhóm bảo vệ môi trường và các nhà khoa học thúc giục. Hơn 100 nước từ Mỹ và Liên minh châu (EU) đến các đảo quốc nhỏ như Samoa đã thúc đẩy ngôn ngữ này nhưng vấp phải sự phản đối từ các thành viên của Tổ chức các nước sản xuất dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh.
Thỏa thuận trên phản ánh sự thỏa hiệp để thu hẹp bất đồng giữa nhóm các nước sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn và nhóm các nước muốn loại bỏ sử dụng hoàn toàn than, dầu và khí đốt tự nhiên. Một văn bản dự thảo trước đó vấp phải làn sóng chỉ trích của nhiều nước vì không bao gồm ngôn ngữ đề cập đến việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Hoạt động đốt than, dầu và khí tự nhiên là nguyên nhân lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu, chiếm hơn 3/4 lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.
Thỏa thuận dự thảo cũng kêu gọi phát triển một danh sách các công nghệ không phát thải và phát thải thấp, gồm công nghệ năng lượng tái tạo, hạt nhân, thu giữ carbon, trữ năng lượng. Thỏa thuận nhấn mạnh rằng nền kinh tế toàn cầu cần tăng tốc chuyển sang sử dụng năng lượng sạch trong thập niên này nhằm đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng khí carbon về zero vào năm 2050.
Theo các nhà khoa học, mục tiêu đó rất quan trọng để thực hiện Thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015, trong đó kêu gọi các chính phủ cố gắng hạn chế nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C so với nhiệt độ của thời tiền công nghiệp.
Thỏa thuận nói trên đánh dấu lần đầu tiên các nước tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) nhất trí kêu gọi thế giới cắt giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Lâu nay, các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn dẫn đầu là Saudi Arabia và các nước đang phát triển nhanh như Trung Quốc và Ấn Độ bác bỏ các lời kêu gọi đốt nhiên liệu hóa thạch ít hơn.
“Chúng ta nên tự hào về thành tích lịch sử này. Chúng ta đã đưa ra một kế hoạch hành động mạnh mẽ để duy trì mục tiêu hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C trong tầm tay”, Chủ tịch COP 28 Sultan Al Jaber, cũng là CEO của Công ty dầu khí quốc gia UAE, nói.
“Tin tốt cho toàn thế giới là chúng ta hiện đã có một thỏa thuận đa phương nhằm đẩy nhanh mục tiêu giảm phát thải ròng về mức zero vào năm 2050, với hành động khẩn cấp trong thập niên quan trọng này”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen cho biết.
“Tôi rất trân trọng tinh thần hợp tác đã gắn kết mọi người lại với nhau”, John Kerry, đặc phái viên khí hậu của Tổng thống Mỹ bình luận về thỏa thuận mới đạt được.
“Thỏa thuận là một sự thỏa hiệp. Chúng tôi không vui nhưng đồng ý”, đại diện của Nga tại COP28, Mikhail Gitarskiy, nói. Trước đó, Nga đã phản đối việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trong suốt các cuộc đàm phán.
Bộ trưởng Khí hậu và môi trường Na Uy, Espen Barth Eide, ca ngợi dự thảo trên là lần đầu tiên thế giới thống nhất xung quanh “một văn bản rõ ràng như vậy về sự cần thiết phải chuyển tiếp khỏi nhiên liệu hóa thạch”.
“Vấn đề rõ ràng như ‘con voi trong phòng’, và cuối cùng chúng ta cũng đã giải quyết được”, ông nói.
Liên minh các đảo quốc nhỏ (Aosis), một nhóm gồm 39 nước, ghi nhận thỏa thuận là một sự cải tiến và phản ánh một số nội dung đệ trình của họ, nhưng vẫn chứa “nhiều lỗ hổng”.
“Cánh cửa để bảo đảm nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C đang nhanh chóng đóng lại. Và chúng tôi cảm thấy văn bản này không cung cấp sự cân bằng cần thiết để tăng cường hành động toàn cầu nhằm điều chỉnh lộ trình chống biến đổi khí hậu”, Aosis cho biết trong một tuyên bố.
Aosis bày tỏ thất vọng vì thỏa thuận không đề cập cụ thể đến cam kết dần loại bỏ hay giảm dần sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Mohamed Adow, người sáng lập Power Shift Africa, một tổ chức tư vấn và vận động chuyển đổi sang năng lượng sạch ở châu Phi, nhận xét đây là lần đầu tiên trong ba thập niên đàm phán về khí hậu, cụm từ “nhiên liệu hóa thạch” đã được đưa vào kết quả đàm phán của COP.
Tuy nhiên, ông lưu ý, vẫn còn quá nhiều lỗ hổng liên quan đến các công nghệ đắt tiền và chưa được chứng minh như thu và lưu trữ carbon. Ông cũng cho rằng thỏa thuận không đề cập đến tài chính khí hậu để giúp các nước đang phát triển khử carbon.
“Một số người có thể đã đặt kỳ vọng quá cao nhưng cách đây hai năm không ai nghĩ thỏa thuận này sẽ sớm đạt được, đặc biệt là tại một hội nghị diễn ra ở một nước sản xuất dầu mỏ lớn. Điều này cho thấy, ngay cả các nhà sản xuất dầu khí cũng có thể nhận ra rằng chúng ta đang hướng tới một thế giới không có nhiên thạch hóa thạch”, ông nói.
Rachel Cleetus, giám đốc chính sách chương trình khí hậu và năng lượng của Liên minh các nhà khoa học quan tâm (UCS) bình luận, thỏa thuận trên gửi một tín hiệu mạnh mẽ rằng các nhà lãnh đạo thế giới nhận ra sự cần thiết phải chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch trong thập niên này.
Tuy nhiên, theo bà, thỏa thuận còn thiếu các điều khoản về tài chính khí hậu và cần được cải thiện trong thời gian tới để đảm bảo các nước có thu nhập thấp và trung bình có thể chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Trong khi đó, Wopke Hoekstra, Cao ủy của EU về hành động khí hậu, nói với các phóng viên rằng thỏa thuận này là “khởi đầu cho sự kết thúc của nhiên liệu hóa thạch”.
Lê Linh