Ứng dụng công nghệ vào hoạt động khám chữa bệnh đang trở thành xu hướng toàn cầu. Theo đó, lĩnh vực y tế của Việt Nam cũng đã có những bước thay đổi để thích nghi với yêu cầu mới, nhằm phục vụ bệnh nhân tốt hơn.
Theo xu hướng chung của toàn cầu, việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực y tế ở Việt Nam đã xuất hiện ngày càng nhiều trong công tác khám chữa bệnh hàng ngày. Hình ảnh các bác sĩ cập nhật thông tin sức khoẻ của bệnh nhân vào bệnh án điện tử, đơn thuốc được in thay vì viết tay… dần phổ biến hơn tại các bệnh viện, hay việc sử dụng thiết bị thông minh, hệ thống lưu trữ thông tin, mạng Internet... dần trở nên quen thuộc với những người làm công tác ngành y.
Trên thực tế, cả bệnh nhân và bác sĩ đều được hưởng lợi từ những ứng dụng công nghệ hữu ích này. Giờ đây, bệnh nhân sẽ không còn cần mang theo bên mình hàng xấp bản kết quả xét nghiệm, phiếu chẩn đoán y khoa như ngày xưa bởi tất cả đã được hệ thống bệnh án điện tử lưu trữ, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thăm khám cũng như tương tác giữa y bác sĩ và bệnh nhân. Thử hình dung, ở thời kỳ chưa có bệnh án điện tử, nếu bệnh nhân quên hoặc làm mất tài liệu thì bắt buộc bác sĩ phải cho làm lai các xét nghiệm, chụp phim… Việc này không chỉ tốn kém thời gian và tiền bạc mà còn làm cho bệnh nhân thêm mệt mỏi, bất tiện.
Bên cạnh đó, một số đơn vị y tế trong nước đã triển khai các phần mềm cho phép bệnh nhân đặt lịch hẹn với bác sĩ. Việc này giúp bệnh nhân chủ động về mặt thời gian, bác sĩ chủ động lên kế hoạch thăm, khám. Thay vì trước đây, bác sĩ gần như bị động khi không biết ca làm việc đó sẽ có bao nhiêu bệnh nhân, họ là những ai, tiền sử khám bệnh như thế nào.
Một yếu tố tích cực nữa mà ứng dụng công nghệ mang lại là giúp minh bạch và hạn chế sai sót trong y khoa. Nhiều trường hợp bệnh nhân không thể đọc được đơn thuốc của mình hay nhà thuốc có thể ra thuốc sai vì hệ quả của “chữ bác sĩ”.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì việc ứng dụng công nghệ vào y tế ở Việt Nam còn nhiều điều cần khắc phục. Đầu tiên là hệ thống phần mềm cần được cải thiện, hướng tới việc tạo điều kiện dễ dàng hơn cho đội ngũ y bác sĩ, chuyên gia trong ngành. Hiện các y bác sĩ đang chẩn đoán bệnh nhân theo mã được quy định, việc này gây khó khăn ít nhiều trong công tác ghi chú y khoa. Cùng với đó là những yêu cầu về việc nâng cấp tốc độ xử lý dữ liệu, đường truyền. Đặc biệt là hiện nay dữ liệu bệnh án điện tử chưa được liên thông giữa các bệnh viện.
Qua ghi nhận thực tế ở một số quốc gia đã thực hiện chương trình bệnh án điện tử, tôi nhận thấy ở một số nước, dữ liệu bệnh án điện tử của từng tổ chức, đơn vị trong ngành đã được kết nối với nhau nhưng quá trình này khá phức tạp. Với Việt Nam, sự ra đời của Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế, quy định từ 1/3/2019, các cơ sở y tế sẽ bắt đầu áp dụng quy định hồ sơ bệnh án điện tử, là một tín hiệu tích cực cho toàn ngành. Quy định này được đưa ra nhằm phục vụ công việc chăm sóc sức khỏe cho người dân được tốt hơn, và tôi, cũng như những y bác sĩ khác, kỳ vọng rằng những mục tiêu mà ngành y tế đặt ra sẽ sớm được hiện thực hóa.
Một trong những điều cản trở bác sĩ và người bệnh tiếp cận công nghệ trong công tác khám chữa bệnh, đó chính là yếu tố tâm lý, bởi sử dụng thiết bị công nghệ phải có kỹ năng cho nên sẽ có người thích và không thích. Có những bác sĩ viết nhanh nhưng thao tác nhập dữ liệu vào máy tính chưa nhanh nên có thể họ không muốn thay đổi thói quen. Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ đóng góp không nhỏ vào quá trình thay đổi này. Nếu người bệnh chưa có thói quen sử dụng bệnh án điện tử, người bác sĩ sẽ thiếu động lực thúc đẩy họ thay đổi.
Tuy nhiên, công nghệ hóa dịch vụ y tế là xu hướng tất yếu, đặc biệt là tại những nền kinh tế đông dân như Việt Nam. Nên cả bệnh nhân và bác sĩ đều cần tập thích nghi với những thay đổi tất yếu của thời đại. Thích nghi không khó, khó là do bản thân có muốn hay không. Bác sĩ đánh máy chậm thì có thể áp dụng giải pháp mà một số bệnh viện tại Pháp đã làm, bác sĩ ghi âm lời chẩn đoán rồi chuyển cho thư ký nhập liệu. Quá trình thích nghi không thể một sớm một chiều mà cần có thời gian. Nhưng chắc chắn y bác sĩ phải thay đổi để tránh những hệ luỵ hay sai sót y khoa gây ra do sự yếu kém về công nghệ.
Bác sĩ Dương Nguyễn Việt Hương
Cố vấn chuyên môn của Jio Health, giảng viên bộ môn Mắt của trường Đại học Y Dược TPHCM