Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Công nghệ giúp “bình dân hóa” dịch vụ tài chính

Chẳng phải ngẫu nhiên mà hầu hết các ngân hàng tham gia triển lãm Singapore Fintech Festival 2018 từ 12 đến 16/11 tại Singapore đều muốn gửi gắm thông điệp đến người tham dự rằng chúng tôi hiện đang áp dụng những công nghệ hiện đại để giúp người sử dụng dịch vụ có một trải nghiệm tài chính thuận tiện và dễ dàng nhất.

Gian hàng của ngân hàng DBS với khẩu hiệu "Live more, Bank less" (tạm dịch "Sống nhiều hơn, đến ngân hàng ít hơn"). Ảnh: TT

Gian hàng của ngân hàng DBS (Singapore) trang trí bởi những khẩu hiệu như “Chúng tôi trở thành một phần trong cuộc sống của bạn bằng cách biến mất khỏi nó”, hay “Hãy sống nhiều hơn, đến ngân hàng ít hơn”… Hay một doanh nghiệp Fintech tên socash quảng cáo mình bằng dòng chữ “Tạm biệt máy ATM, rút tiền từ bất cứ cửa hàng nào”, đây là một ứng dụng cho phép khách hàng có thể rút tiền mặt ở bất cứ cửa hàng nhỏ trên đường.

Ngay đến những tổ chức tài chính trung gian cung cấp dịch vụ thanh toán như Mastercard từ nhiều năm qua cũng đã nghiên cứu ứng dụng những thành tựu công nghệ mới để các sản phẩm, dịch vụ của mình tiếp cận phục vụ cả những người không có tài khoản ngân hàng.

Chưa có tài khoản ngân hàng cũng có thể có thẻ quốc tế

Trao đổi cùng phóng viên có mặt tại triển lãm, ông Ari Sarker, đồng Chủ tịch Mastercard khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cho biết chỉ cách đây vài năm thôi những người không đủ tiêu chuẩn sẽ không mơ đến chuyện được thụ hưởng những sản phẩm tài chính an toàn và tiện lợi như thanh toán qua thẻ. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của những công nghệ mới, ngày nay ai cũng có thể có cơ hội tiếp cận những sản phẩm này.

Đại diện Mastercard đang trình bày về những ý tưởng tương lai mà Mastercard đang nghiên cứu để thực hiện. Ảnh: MC

Cuối tháng 10 vừa qua, Mastercard và Grab đã công bố việc ký kết thỏa thuận hợp tác. Thông qua thỏa thuận này, Grab có thể phát hành thẻ trả trước với thương hiệu Mastercard tại khu vực Đông Nam Á, khu vực 640 triệu dân với tốc độ phát triển nhanh nhưng phần lớn giao dịch vẫn dựa vào tiền mặt. Grab sẽ phát hành cả thẻ ảo lẫn thẻ vật lý thông qua ứng dụng Grab, người dùng có thể nạp tiền vào thẻ bằng tiền mặt và thẻ có thể thanh toán trực tiếp hoặc trực tuyến ở tất cả các điểm chấp nhận thẻ Mastercard trên toàn thế giới.

Sự kết hợp của một nhà phát triển ứng dụng với 110 triệu lượt tải và một trong những tổ chức thẻ có mạng lưới lớn nhất thế giới đã tạo cơ hội cho nhiều người đặc biệt những người chưa có tài khoản ngân hàng có thể có một chiếc thẻ thanh toán quốc tế. Ông Ari nói cứ 4 người dân ở Đông Nam Á thì có 3 người chưa có tài khoản ngân hàng, tức khoảng 400 triệu người ở khu vực chưa từng có một trải nghiệm tài chính hiện đại và an toàn; do vậy, việc hợp tác cùng Grab, đã giúp Mastercard tiếp cận và phục vụ khách hàng ở cả những khu vực xa xôi, nơi mà ngân hàng chưa đặt chân đến. Những người này sắp tới sẽ có thể thực hiện việc giao dịch trực tuyến, trải nghiệm mà họ chưa từng có.

Người sử dụng Grab tại Đông Nam Á có thể đăng ký để sở hữu thẻ trả trước từ ứng dụng Grab và nhận được thẻ ảo trên ví điện tử GrabPay. Grab cũng sẽ phát hành thẻ trả trước vật lý có tích hợp cả công nghệ NFC và chip EMV. Việc nạp tiền mặt vào thẻ sẽ dễ dàng thông qua 8 triệu nhà khởi nghiệp siêu nhỏ, đó là tài xế Grab, đại lý hoặc các cửa hàng đối tác trên nền tảng GrabPay. Grab và Mastercard dự kiến sẽ cung cấp thẻ này ra thị trường vào nửa đầu năm 2019, bắt đầu từ Singapore và Philippines, đại diện cho hai thái cực, một thị trường nơi có tỷ lệ người sử dụng dịch vụ ngân hàng cao nhất với 98% và nơi có tỷ lệ dùng dịch vụ ngân hàng thấp nhất với 34%.

Người tham gia triển lãm đang tìm hiểu các công nghệ của Mastercard. Ảnh: MC

Không dừng lại ở đó, việc ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (machine learning), hay dữ liệu lớn (Big Data) sẽ khiến việc giao dịch tài chính và kể cả mua sắm của con người trong tương lai còn dễ hơn bao giờ hết.

Ông Steve Flinter, Trưởng dự án nghiên cứu và ứng dụng AI và Machine Learning của Mastercard, cho biết hãy cứ tưởng tượng bạn muốn mua một bộ đồ mà đang băn khoăn chưa biết chọn gì, Mastercard có thể tư vấn một số mẫu từ thiết kế đến kích cỡ hoàn toàn phù hợp với gu của bạn. Địa chỉ cửa hàng gần bạn nhất cũng được đề xuất và nếu có thể bạn hoàn toàn có thể mua trên mạng và ngay hôm sau có thể nhận được hàng. Đó là sức mạnh của những công nghệ tiên tiến mà các tổ chức tài chính như Mastercard đang nghiên cứu và ứng dụng với mục tiêu thỏa mãn tường tận tất cả nhu cầu của từng khách hàng. Những công nghệ tiên tiến này cũng vô cùng có ích cho các tổ chức tài chính. Chỉ cần một khách hàng bước vào ngân hàng, người nhân viên đã có thể biết được về lịch sử giao dịch, tình trạng tài chính và tư vấn một sản phẩm phù hợp nhất cho khách hàng. Mỗi hành vi của một khách hàng như chi tiêu nhiều cho mặt hàng nào, hay ăn uống ở đâu, kể cả cách lướt màn hình điện thoại không có ý nghĩa gì khi đứng riêng lẻ nhưng khi được tập hợp và hệ thống hóa chúng sẽ là những dữ liệu để định hình một cá nhân cụ thể. Và khi đã định dạng được cụ thể từng người thì việc cung cấp sản phẩm hữu ích và bảo vệ an toàn cho tài khoản của người dùng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Đó chính tương lai không xa của các dịch vụ tài chính.

Nhiều thách thức đặt ra

Tuy nhiên, việc công nghệ phát triển mạnh mẽ dẫn đến việc hình thành những dạng thức dịch vụ tài chính mới cũng là một thách thức lớn cho vấn đề bảo mật dữ liệu người dùng và những người làm chính sách.

Phát biểu trong một phiên thảo luận về thời đại công nghệ và dữ liệu trong khuôn khổ triển lãm Singapore Fintech 2018, ông Ari của Mastercard cho rằng thế giới trải qua 150 năm đi từ cách mạng công nghiệp cho đến cách mạng thông tin, và khoảng thời gian này đủ dài để Chính phủ các nước có đủ thời gian chuẩn bị và cho ra đời những bộ luật, quy định phù hợp. Ngày nay, thời gian để một doanh nghiệp mới thành lập có vài trăm khách hàng có thể chỉ mất 12 – 18 tháng; nhưng ở thời đại công nghiệp trước đây để đạt được số lượng khách hàng đó, doanh nghiệp có thể phải mất đến 12 – 15 năm. “Thời đại kỹ thuật số phát triển quá nhanh, tôi rất quan ngại với việc Chính phủ các nước sẽ thích nghi và ứng phó với những thay đổi nhanh này như thế nào để quản lý một cách có hiệu quả nhất, không lỏng lẻo nhưng cũng không kiềm hãm sự phát triển của những loại hình tài chính mới”, vị này nói.

Ông Ari Sarker, đồng Chủ tịch Mastercard Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: MC

Quan ngại thứ hai được đại diện Mastercard chia sẻ đó là khả năng lẫn ý thức tự bảo vệ an toàn thông tin của cá nhân người dùng còn rất yếu; phổ cập tài chính căn bản chính là một trong những trở ngại lớn nhất mà các tổ chức phải đương đầu ở hầu hết các thị trường. “Không chỉ ở những vùng quê xa xôi mà ngay cả ở những thành phố lớn, tôi cũng có thể nói có những người không biết những điều cơ bản như không nên để lộ mật khẩu, hay trả lời những cuộc điện thoại cố gắng khai thác thông tin cá nhân của mình”, ông Ari nói. Mastercard cùng các tổ chức khác cũng đã có một quỹ về an toàn và an ninh trong nền kinh tế kỹ thuật số và đã tổ chức nhiều chương trình phổ cập kiến thức tài chính đến người dân ở các quốc gia. Về vấn đề an toàn dữ liệu người dùng, công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng sẽ giúp nâng cao an toàn dữ liệu người dùng khi Mastercard có khả năng cảnh báo sớm về những đợt tấn công vào hệ thống của các khách hàng tổ chức, ông Ari nói.

Quan ngại thứ ba được đặt ra nhưng không phải là mối e ngại quá lớn đó chính là khả năng kết nối Internet ở các khu vực không đồng đều, gây trở ngại cho việc phát triển các sản phẩn tài chính trên nền tảng kỹ thuật số. Ông Ari cho rằng vấn đề này không quá quan ngại vì các nhà cung cấp kỹ thuật và dịch vụ 4G đang tìm đến phục vụ mọi khu vực, và một khi kết nối tốc độc cao được triển khai đến đâu chắc chắn sẽ ghi nhận sự tốc độ phát triển có thể nói là chóng mặt. Chẳng hạn Ấn Độ chỉ sau hai năm đường cung cấp đường truyền băng thông rộng, từ một nước thuộc nhóm 5 nước ít trao đổi dữ liệu qua Internet nhất đã vươn lên thành một trong những nước trao đổi, truyền tải dữ liệu hàng đầu thế giới. Ngoài ra, giá cả các thiết bị thông minh ngày cảng giảm sẽ khiến việc kết nối không còng là trở lại lớn trong những năm tới.

Singapore Fintech Festival lần thứ ba (từ 12 đến 16/11) được tổ chức tại Singapore là một trong những sự kiện về Fintech lớn nhất trên thế giới. Sự kiện năm nay có sự tham dự của hơn 250 diễn giả, 450 nhà triển lãm, 16 gian hàng quốc tế và gần 40,000 người tham gia.

Thủy Triều

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM thử nghiệm thu phí đậu xe qua tài khoản ETC

0
(SGTT) - Đường Hai Bà Trưng, Lê Lai (quận 1) và Phạm Hữu Chí (quận 5) sẽ chuyển sang hình thức thu phí đậu...

Việt Nam tiếp tục được bình chọn là ‘Điểm đến Golf...

0
Việt Nam vừa được Tổ chức Giải thưởng Golf thế giới (World Golf Awards) bình chọn là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á...

Chủ các vựa mai ở TPHCM tính toán hạ giá để...

0
(SGTT) - Các nhà vườn tại làng mai Bình Lợi (huyện Bình Chánh), làng mai thành phố Thủ Đức, thời điểm này, họ đã...

Gợi ý 7 điểm check-in khi đến Busan, Hàn Quốc

0
(SGTT) – Busan - thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc, từ lâu đã trở thành điểm đến yêu thích của du khách....

Giày Ballet Flats: món đồ thời trang dễ dùng các cô...

0
(SGTT) - Từ đôi giày mang tính biểu tượng của các vũ công ballet đến phụ kiện thời trang được yêu thích toàn cầu,...

WB đề xuất lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông...

0
(SGTT) - Ngân hàng Thế giới (WB) đã có báo cáo đề xuất lộ trình và kế hoạch hành động quốc gia về chuyển...

Kết nối