Suốt hai tuần nay, ngày nào đưa con tới trường mầm non, anh cũng gặp cô giáo chủ nhiệm, nài nỉ các cô khoan hãy dạy chữ cho con mình. Chuyện này có vẻ ngược đời, nhưng theo cách lý giải của anh, thì thực tế mà chúng ta đang thấy mới chính là cái ngược đời.
“Bọn trẻ bây giờ mới lớp mẫu giáo đã đọc sách rào rào. Nhìn thấy khớp quá. Nghĩ lại thương cho tụi nó. Tại sao cứ phải chất lên vai tụi nhỏ nhiều áp lực đến vậy? Có cảm giác tụi nó bị nhà trường nhồi nhét bất kể các nguyên tắc tâm lý học sư phạm cơ bản”, người đàn ông nói trên chia sẻ.
Và chấp nhận bị cho là bảo thủ, anh quyết liệt can thiệp vào chuyện nhà trường dạy đọc chữ cho đứa con gái bốn tuổi của mình.
Nhưng anh là một ngoại lệ. Đa số phụ huynh lại có cách hành xử khác. Họ nôn nóng đốc thúc, rèn cặp bọn nhỏ lao vào các bài học và cảm thấy tự hào, hài lòng khi con họ mới ba tuổi biết đánh vần, năm tuổi biết nói tiếng Anh, sáu tuổi biết làm toán lớp 2… Nếu chương trình nhà trường còn nhẹ quá thì họ tranh thủ “bù đắp” bằng cách chở con đến các lớp học thêm, những trung tâm ươm mầm “thần đồng”. Ở đó, rất nhiều phương pháp ngoại nhập được quảng cáo đánh vào tâm lý kỳ vọng của những phụ huynh này. Có người sẵn sàng móc ví trả mức học phí mỗi tháng dăm bảy triệu đồng cho đứa con ba, bốn tuổi được học toán theo kiểu Nhật, kiểu Mỹ…
Chuyện bọn trẻ bị nhồi nhét, phải học trước những chương trình không phù hợp với sự phát triển tâm lý của chúng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho nhà trường, mà có khi, bắt nguồn ngay từ tâm lý giáo dục nhồi nhét, nóng vội của phụ huynh.
Bị nhồi nhét quá sớm, không được vui chơi thoải mái, nhiều đứa trẻ đã có đời sống tinh thần nặng nề, căng thẳng. Đơn giản vì áp lực học hành bài vở luôn đè nặng trong tâm trí chúng. Nhưng chúng không có cách nào để kháng cự. Phản ứng của chúng là về lâu dài, hoặc chủ quan với việc học, hoặc coi việc học như một cực hình, một sự cưỡng bức từ người lớn.
Chuyện đó cũng tương tự như thời gian này, truyền hình đang nở rộ rất nhiều game show ca nhạc dành cho trẻ em, gọi là phát hiện giọng ca nhí. Dư luận đã tốn nhiều giấy mực để tranh luận xem các em đang ở tuổi ăn tuổi học, việc tham gia các cuộc thi tìm kiếm tiếng tăm hào nhoáng, đuổi theo những thắng thua, đối diện những thị phi khi các em chưa thể tự chủ với mọi chuyện.
Tốt hay xấu có lẽ tùy quan niệm mỗi người, mỗi nhà, song, cứ nhìn lên những khuôn mặt non choẹt dập dìu những điệu nhảy gợi cảm, những tư thế gợi tình dành cho người lớn hay đang cố tình “thả hồn” trong các ca khúc từ Một cõi đi về đến những bản Hit táo bạo bốc lửa của những ngôi sao nước ngoài…, thì điều có thể thấy ngay, đó là các em không được sống với tuổi của mình.
Không thể trách những sân chơi khi tiêu chí đưa ra ban đầu rất rõ ràng. Vấn đề còn lại là quyền chọn lựa của người chơi. Người chơi ở đây là các em. Nhưng hẳn người định hướng, khuyến khích, cho phép chính là những phụ huynh. Đa số những thí sinh nhí đến với các cuộc thi này hoàn toàn là sự sắp đặt của cha mẹ. Khi đứng trước sân khấu đông người, trước máy quay, có em đã vừa run vừa khóc, chỉ vì không còn làm chủ được cảm xúc bản thân.
Trong khi đó, sau cánh gà những cuộc thi, có nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ công bỏ việc để “đầu tư” cho con cái mình có cơ hội trở thành người nổi tiếng, hay chí ít, cũng qua được vài vòng, lên sóng được vài lần, có cái để tự hào hãnh diện với thiên hạ.
Tâm lý cha mẹ gửi gắm giấc mơ thành đạt của bản thân lên con trẻ khá phổ biến, đã được nhiều chuyên gia tâm lý phân tích kỹ. Chỉ có thể nói thêm rằng, khi thực hiện điều đó, nhiều phụ huynh quên rằng con cái họ đang bị tước đi những tháng ngày hồn nhiên trong sáng nhất trong cuộc đời. Thời gian vui chơi, nói một cách nào đó, cũng là khoảng thời gian bọn trẻ tiếp nhận thế giới qua những bài học tự nhiên trong đời sống. Những trang bị đó làm nền tảng, vốn sống cho chữ nghĩa, tri thức được nảy nở bền vững hơn.
Vì một chút cảm giác mở mày mở mặt hay sự hãnh tiến theo kiểu “con cái chúng ta giỏi thật!” mà biến bọn trẻ thành những công cụ để gánh chịu áp lực không đáng có.
Nài nỉ cô giáo khoan hãy dạy chữ cho con không phải là sư trì hoãn tiếp nhận kiến thức, mà là ra sức bảo vệ con mình theo cái cách đáng yêu, hồn nhiên nhất mà một người cha tử tế có thể làm được cho đứa con gái của mình.
Anh hiểu điều gì đáng quý nhất trong đời một con người trong những năm tháng tuổi thơ.
Ba Harin