(SGTT) - Đã lâu lắm, tính ra cũng gần mười năm tôi mới được thấy cò về làng ở quê nhà Hà Tĩnh nhiều như vậy. Nhìn đàn cò trắng sà xuống đồng, từ dăm bảy con rồi đông dần lên đến cả trăm con, tôi rưng rưng khi được thưởng ngoạn một bức tranh đồng quê xưa thật đẹp, nhẹ nhàng. Bất giác nghĩ đến cảnh chặt cây, bê tông hóa rầm rộ nơi làng quê mình mà lo thắt ruột.
Chị bạn là dân gốc rạ, từ làng ra Hà Nội sinh sống, nay trở về làng đã rất kinh ngạc và vui sướng. “Về quê thấy cò đậu trắng cánh đồng. Cò trắng đậu quanh đàn trâu gặm cỏ trên các ruộng. Bình yên ngỡ ngàng luôn”, chị nói.
Người làng tôi bảo, đất lành chim đậu. Đất làng quê tôi bao năm nay vẫn lành, nhưng suốt một thời gian dài chừng mười năm, đàn cò đông đúc trên đồng đã vắng bóng vì trào lưu săn “thịt chim trời – thịt cò bổ dưỡng”. Người ta dùng súng hơi, bẫy, lưới và vô số cách để săn cò bán cho các quán nhậu, giá cò bán cho các quán nhậu lên cao vút. Không chỉ cò mà cả quạ, diều, én, sẻ, chích chòe… và nhiều loài chim khác cũng chịu chung số phận. Thế hệ trẻ nhỏ sống ở làng sau này không biết gì về cánh đồng xanh, đàn cò trắng và tiếng chim muông rộn ràng lúc bình minh.
Mọi thứ đã thay đổi khi hai năm qua, làng tổ chức thường xuyên các đợt thu gom bẫy cò giả (của thợ săn trộm) và phạt tiền những ai bắn cò. Người dân đã không còn xem cò là món ăn thời thượng. Cứ thế, cò sống đời cò, người sống phận người, yên bình như xưa. Bây giờ cò đã trở lại, và càng mừng hơn khi diều, sáo, chích chòe, chào mào… cũng đã xuất hiện trong khu vườn nhà. Anh đồng nghiệp trong một lần họp online với tôi Tết vừa rồi chợt thốt lên: Đã quá, lâu rồi mới nghe lại tiếng chim!
Còn tôi thì vừa mừng vừa lo! Mừng vì đàn chim trở về, lo vì làng quê sau khi đạt chuẩn nông thôn mới không còn “lành” đúng nghĩa nữa.
Tre chặt, gỗ tạp chặt, những mảng xanh như keo tràm năm năm là chặt. Rồi mít, xoài, vải hoặc bất cứ cây thân gỗ lâu năm nào trong vườn đều được xếp vào dạng: gỗ tạp, vườn tạp, kinh tế thấp, phải chặt! Ngay cả hàng dậu, hàng cây dại làm bờ rào, nơi làm tổ của những chú chim sẻ, chim ri cũng bị phá bỏ – nhường chỗ cho hàng rào bê tông, thép gai.
Chim về, cò về mà không còn chỗ “định cư” như xưa, liệu rằng, đàn cò trắng, đàm chim xanh có ở lại và chọn nơi này để sống lâu dài không?
Tôi nghĩ là không, vì khi trời sẩm tối, những đàn cò, đàn chim bắt đầu bay về tổ ở các khu vực trồng tràm keo – nơi ở tạm, vì cứ năm năm là khai thác gỗ. Sau khoảng thời gian ngắn ngủi đó, đồi sẽ trọc trở lại và cò trắng, chim xanh rất khó tìm nơi cư ngụ như xưa trong các vườn gỗ tạp.
Có một nghịch lý ở quê tôi thế này: Khi làm nông thôn mới người ta đua nhau chặt bỏ những cây mít lâu năm lấy gỗ, thay vào đó họ trồng mít Thái vì được quảng cáo năng suất cao, kinh tế hơn. Nhưng vì nhiều lý do như thổ nhưỡng, khí hậu và cả khẩu vị nữa, sau một thời gian họ quay sang chê mít Thái. Lúc này, các cây mít cổ không còn nữa, và đương nhiên những tổ chim, tổ cò trong khu vườn nhà cũng vì thế mà biến mất.
Rồi quanh đường làng, khi đã đốn bỏ tre, cây xanh thuộc hàng gỗ tạp, người ta tạo những bồn xi măng để trồng hoa hoặc trồng những cây cảnh mà không thể phát triển tốt ở điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Hà Tĩnh.
Cũng có nơi trồng cây cau vua (cây cảnh phổ biến ở đô thị) thay cho cây gỗ lâu năm vốn phát triển rất lâu, khó tạo không gian xanh và không có nhiều cành – yếu tố quan trọng để chim, cò làm tổ và giúp cân bằng sinh thái.
Không thể phủ nhận những tín hiệu tích cực từ chương trình nông thôn mới. Nhưng nhìn đàn cò, nghĩ về không gian xanh và chất “lành” thực sự, tôi nghĩ cần giữ lại một chút “nông thôn xưa” – những bờ tre, những cây gỗ lâu năm và cả hàng rào xanh. Bởi đó là nơi chim, cò cư ngụ, là nét hồn quê và giúp cân bằng hệ sinh thái.
Tôi đang nhẩm tính, những đồi tràm keo chung quanh làng, khoảng 1-2 năm nữa là thu hoạch. Lúc đó, người ta sẽ đốn bỏ hàng loạt để trồng lượt keo tràm mới. Không biết đàn cò trắng, đàn chim xanh ở đó sẽ đi về đâu?