(SGTT) – Hàng trăm con gấu nuôi nhốt trong môi trường chật hẹp, thiếu ăn toàn ở hộ gia đình cần phải được săn sóc, cứu hộ trước khi các nhà bảo tồn động vật hoang dã có giải pháp thả về rừng, nhưng chủ nuôi gấu, vốn dĩ ít nhiều có nguồn gốc bất hợp pháp tồn tại hàng chục năm qua, lại muốn Nhà nước đền bù công nuôi gấu.
- Mua “giải cứu” động vật hoang dã bày bán vỉa hè để phóng sinh, nên hay không?
- Buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã tăng nguy cơ khởi nguồn đại dịch
- Đắk Lắk sẽ không đưa khách tham quan các điểm nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép
- Hero House Bù Gia Mập: Ngôi nhà của những con người quả cảm vì thiên nhiên hoang dã
Trước năm 2000, trên thị trường bất hợp pháp một “xê xê (tức 1 mililit)” mật gấu có giá cao ngất ngưởng, 120.000 đồng, thậm chí có người khoe gấu rừng chứ không phải gấu nuôi thì hét giá 200.000 đồng/ml.
Trong nhà hàng, quán nhậu, thói chơi sang của người nhiều tiền là uống rượu có pha mật gấu, chai rượu sang trọng, được cô nhân viên nhà hàng cầm ống nhựa xi lanh (dùng để tiêm thuốc trong ngành y), chứa mật gốc, bơm vào chai rượu. Thực khách thích thú nhìn màu vàng của mật gấu tan ra dần, còn nhân viên quán thì cầm chai rượu lắc lắc cho mật gấu cho tan đều. Thú ăn nhậu có mật gấu mới thể hiện đẳng cấp nên hình thành thị trường nuôi gấu, chích hút mật để bán.
Trước sức ép của dư luận lẫn các tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã, cũng như các công ước quốc tế cấm buôn bán các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng mà Việt Nam tham gia, cơ quan kiểm lâm các địa phương đã tìm đủ giải pháp quản lý gấu nuôi nhốt.
Đầu những năm 2000, cơ quan kiểm lâm đã thống kê số lượng gấu nuôi nhốt trái phép cả nước lên tới 3.000 - 4.000 con nhưng nếu thu hồi thả về rừng thì cơ quan kiểm lâm không đủ sức, còn ngăn cản việc mua bán trái phép loài động vật này thì chế tài của luật pháp cũng không đủ mạnh để răn đe. Việc truy xuất nguồn gốc gấu từ đâu lúc đó lại quá rắc rối, bởi nó có tự lúc nào khi mà các quy định của pháp luật chưa chặt chẽ.
Vậy nên giải pháp của cơ quan kiểm lâm là bắt buộc các chủ trại nuôi gấu phải đăng ký số lượng nuôi thực tế, tức Nhà nước không truy cứu nguồn gốc trước đó, để cơ quan kiểm lâm gắn chíp điện tử. Tất nhiên tiền bỏ ra mua chíp điện tử cùng hệ thống máy móc theo dõi đàn gấu sau khi gắn chíp thuộc về Nhà nước.
Nhà nước đã tốn không ít tiền và công sức để gắn chíp điện tử cho gấu nuôi nhốt nhằm phát hiện sự mua bán dịch chuyển gấu bất hợp pháp, bởi thời đó con gấu tốt có thể có giá ngầm hàng trăm triệu đồng, người nuôi gấu đa phần là dân giàu có, chủ trang trại lớn. Vậy là lắm nhà có nuôi gấu nghiễm nhiên nghĩ rằng mình được hợp pháp hóa, được pháp luật công nhận.
Nay, thời thế đã đổi khác, ăn nhậu dùng mật gấu hay sử dụng mật gấu cho chữa bệnh có vẻ đã không còn oai và hiệu nghiệm nữa, cùng với vận động của các cơ quan chức năng thả gấu về rừng, lượng gấu nuôi nhốt giảm dần và hiện nay, theo thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), một tổ chức phi chính phủ, gấu nuôi nhốt còn chừng 370 cá thể.
ENV đã thực hiện các chiến dịch truyền thông ngõ hầu vận động người nuôi nhốt động vật hoang dã nên giao nộp cho cơ quan chức năng để cứu hộ và thả về rừng. Theo tổ chức này thì hầu hết các hộ dân nuôi nhốt gấu hiện nay đều nuôi nhốt gấu từ 10 - 20 năm trước. Trước đây chắc hẳn họ đã từng chích hút mật nhưng hiện nay luật pháp về bảo vệ động vật hoang dã đã chặt chẽ hơn nên hoạt động chích hút mật cũng bị hạn chế. Thực ra, nguyên nhân sâu xa, theo nhiều người am hiểu về động vật hoang dã thì nhu cầu của thị trường đã không còn nhiều, lượng gấu nuôi cũng đã già cỗi, nếu có hút mật cũng còn ít.
Hiện nay các cá thể gấu bị nuôi nhốt đã được Nhà nước kiểm soát. Mỗi cá thể gấu đều được gắn chíp. Hàng tháng, kiểm lâm và một số tổ chức xã hội sẽ đến tận nhà kiểm tra chíp, số lượng gấu và thuyết phục chủ gấu chuyển giao. Bất kỳ hộ dân nào có dấu hiệu chích hút mật, thêm hay bớt gấu hoặc có hành động làm hại đến gấu đều sẽ bị điều tra và xử lý nghiêm, mức phạt tù có thể lên đến 15 năm. Khi gấu chết, chủ gấu phải báo ngay cho kiểm lâm đến tiếp nhận và tiêu hủy.
Trong trường hợp chủ gấu đồng ý chuyển giao gấu cho Nhà nước, chủ gấu chỉ phải làm một số thủ tục giấy tờ, không hề phải chịu trách nhiệm pháp luật do hành vi nuôi nhốt gấu của mình. Cơ quan chức năng và các tổ chức bảo tồn sẽ đến tận nơi tiếp nhận gấu.
Một chuyên gia về bảo tồn động vật hoang dã cho biết lý do chính mà nhiều chủ gấu vẫn cố giữ gấu, không chuyển giao là vì muốn có tiền bồi thường từ Nhà nước. Thực tế thì khi trao đổi với ENV, một số chủ nuôi nhốt gấu cho rằng họ sẵn sàng chuyển giao gấu cho Nhà nước nhưng với điều kiện nhận được tiền bồi thường cho việc chăm sóc các cá thể gấu trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, việc bồi thường cho người nuôi gấu lại không hề có trong các quy định của pháp luật và do vậy, cũng đã có tranh luận trong giới am hiểu về bảo tồn động vật hoang dã, với lý do, nếu bồi thường thì sẽ tạo tiền lệ xấu và sẽ dẫn tới tình trạng săn bắt, mua bán bất hợp pháp động vật hoang dã, nuôi nhốt để sau đó có tiền bồi thường.
Xem kết quả
Hồng Ngọc
Không đưa thì họ không giao, họ dấu hoặc giết để bán thì mò sao ra, với lại nuôi gấu lấy mất có giấy phép của chi cục và sở y tế, chẳng qua họ làm 1 giấy mà nuôi nhiều con thôi.
hiện với vấn đề cứu hộ gấu đang có 2 cái cần quan tâm: 1 là gấu cứu hộ về không thả về rừng được vì nguy cơ chết hoặc mò ngược về nhà dân là 99,99%. 2 là đưa vào các trung tâm thì cũng triệt sản, nuôi nhốt bán hoang dã, mang tính nhân đạo thôi chứ cũng không giải quyết được vấn đề tương lai.
Mình nghĩ nên cưỡng chế thu hồi, cho vào khu bảo tồn. Nhưng quan trọng nhất là phải có cơ chế minh bạch.
Nguyễn Đức Long nói thì hay ,sao không đặt câu hỏi tại sao có 1 số lượng lớn gấu được nuôi, chính quyền đều biết …..người dân muốn nuôi thì phải đi đăng ký ” nuôi động vật hoang dã ” cho phép nuôi thì giờ cấm thì phải có hướng giải quyết hợp lý.
Không nên bồi thường, vì sẽ cổ súy cho hành vi bắt gấu ngoài tự nhiên để bán lại cho Nhà Nước.
Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã ENV sẽ nuôi chúng trông môi trường bán hoang dã cho đến khi chúng phục hồi bản năng thì họ mới thả chúng vào môi trường thiên nhiên ! Cũng có cá thể bị nuôi nhốt quá lâu không thể phục hồi thì họ sẽ chăm sóc chúng !
Tức là nhà nước chơi bài nhây với chủ gấu: không truy cứu hành vi nuôi nhốt động vật quí hiếm nữa, gắn chip và theo dõi hàng tháng. Chủ gấu có hiện tượng ngược đãi, hút mật gấu là bị truy cứu hình sự. Giá mật hạ nhưng gấu vẫn cứ phải ăn uống thuốc men.
Chủ gấu muốn được bồi thường nhưng đã lờ đi trong bao nhiêu năm qua, mật gấu đã mang lại tiền cho người nuôi.
Những con gấu được cứu hộ này không thể thả vào môi trường hoang dã nữa vì nhốt quá lâu, bệnh tật, trầm cảm…nhà nước lại phải chi tiền để nuôi chúng trong các trung tâm bán hoang dã cho đến lúc chúng chết đi.
Hai phía cũng chẳng vui vẻ gì nhưng trong vụ giằng co này chủ gấu chỉ ngày càng thiệt hại thôi.