Thứ tư, Tháng tư 2, 2025

Có nên cho trẻ sử dụng thẻ ngân hàng?

T.Thu

Hiện tại trẻ từ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi mới được sử dụng thẻ ngân hàng (theo hình thức chủ thẻ phụ), nhưng trong dự thảo thông tư mới đây của Ngân hàng Nhà nước, độ tuổi này đã được hạ xuống còn 11 tuổi.

Vào khoảng giữa tháng 12-2014, Ngân hàng Nhà nước đưa ra dự thảo thông tư quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. Theo đó, trẻ đủ từ 11 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, được trở thành chủ thẻ phụ (tức được sử dụng hầu hết các loại thẻ ngân hàng, nhưng phải được thẻ chính cho phép sử dụng thẻ theo thỏa thuận giữa chủ thẻ chính và tổ chức phát hành thẻ).

Điều kiện là, trẻ phải được người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của trẻ chấp thuận bằng văn bản về việc sử dụng thẻ. Các trường hợp phát hành thẻ phụ cho người từ đủ 11 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét cụ thể và chấp thuận cho tổ chức phát hành thẻ (ngân hàng – PV) trước khi thực hiện.

Người dân rút tiền tại một quầy ATM ở TPHCM.
Người dân rút tiền tại một quầy ATM ở TPHCM.

Ngoài ra, chủ thẻ chính phải cam kết bằng văn bản thực hiện toàn bộ nghĩa vụ phát sinh liên quan đến việc sử dụng thẻ của chủ thẻ phụ, cũng như đảm bảo các điều kiện khác của tổ chức phát hành thẻ.

Theo ông Lê Huỳnh Hà, Trưởng phòng dịch vụ thẻ ATM của Ngân hàng Vietcombank TPHCM, việc mở rộng đối tượng được sử dụng thẻ phụ không những đem lại lợi ích cho ngân hàng mà còn đưa thêm lựa chọn cho người tiêu dùng, đặc biệt những gia đình có con đi du học.

Cụ thể, trước đây, độ tuổi đi du học của trẻ thường là 15 tuổi trở lên, nhưng hiện trẻ được đi du học từ sớm hơn. Do đó, việc được phép mở thẻ phụ cho trẻ từ 11 tuổi, theo ông Hà, được xem là phù hợp vì thẻ phụ là phương tiện khá thuận tiện để phụ huynh có thể phần nào biết được các khoản chi tiêu của con cái.

Chẳng hạn, ngân hàng có thể cấp một hạn mức tín dụng cho chủ thẻ chính; và chủ thẻ phụ có thể dùng số tiền này để thanh toán ở nước ngoài. Hàng tháng ngân hàng sẽ gửi thông báo cho chủ thẻ chính về các khoản chi tiêu được thanh toán bằng thẻ phụ.

Theo ông Hà, thẻ phụ, về tính năng, không khác gì so với thẻ chính, nhưng hoàn toàn bị ràng buộc từ thẻ chính. Cụ thể, chủ thẻ chính có quyền ra hạn mức hay điều kiện cho thẻ phụ. Chẳng hạn, chủ thẻ chính có thể yêu cầu ngân hàng chỉ cho phép thẻ phụ rút một số tiền nhất định cho mỗi lần rút, hay trong một tháng, hoặc không cho rút tiền mặt... Do đó, khi thẻ phụ bị đánh mất, hay mất cắp, không có nghĩa là các chủ thẻ chính chắc chắn sẽ bị mất tiền.

Liên quan đến thẻ phụ, một người khác làm trong ngành ngân hàng cũng cho biết, ông từng biết nhiều phụ huynh lúc đầu cũng cho con cái sử dụng thẻ phụ như thẻ chính. Tuy nhiên, sau đó họ không còn tin tưởng để con cái thoải mái sử dụng thẻ nữa, nên quyết định dừng thẻ phụ.

Nhìn chung, dự thảo thông tư mở thêm đối tượng được sử dụng thẻ, còn trên thực tế, nếu áp dụng, việc có sử dụng khoản mở này hay không còn tùy nhu cầu của mỗi người. Ông Nguyễn Văn Thanh, ngụ ở quận 2 (TPHCM) cho biết nếu quy định trên được áp dụng thì ông sẽ không mở thẻ phụ cho cậu con trai út 11 tuổi của mình.

Lý do được ông Thanh đưa ra là, vì chỉ mới 11 tuổi, nên cậu con trai của ông vẫn chưa đủ chín chắn, nên dễ khoe với bạn bè về việc mình có thẻ ngân hàng, và dễ làm lộ mã số PIN. Do đó, việc thẻ bị lấy cắp và được người khác sử dụng để rút tiền vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, ông Thanh cho biết ông dự kiến mở thẻ ngân hàng cho cậu con trai lớn 16 tuổi của ông, và hiện việc sử dụng thẻ đang được trường học khuyến khích.

Tại TPHCM, dự kiến từ năm học 2014-2015, việc sử dụng thẻ để thanh toán tiền học phí sẽ được thí điểm tại 150 trường học. Đây là đề án Thẻ học đường (SSC – School Smart Card) do Sở Giáo dục TPHCM phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, Công ty Văn hóa Ngôi Nhà Xanh và Ngân hàng Vietcombank, BIDV triển khai.

SSC là thẻ dành cho học sinh, có tên và mã số học sinh. Phụ huynh sẽ đứng tên chủ tài khoản và mở thẻ SSC cho con. Vào kỳ đóng khoản phí và học phí, trung tâm thông tin SSC sẽ thông báo đến phụ huynh. Phụ huynh có thể chuyển khoản vào thẻ SSC qua tin nhắn – SMS baking, điện thoại – mbaking, qua Internet – ebanking, hoặc thu tận nhà, đóng tại các ngân hàng, đóng tại trường, hoặc thanh toán qua máy mPOS (thiết bị cà thẻ trên điện thoại thông minh), thu qua máy POS (máy cà thẻ cố định) tại trường. Số tiền này sẽ được chuyển về tài khoản của nhà trường. Thông tin đóng tiền được chuyển về trung tâm dữ liệu SSC để đối soát, báo cáo và thông báo cho phụ huynh đã hoàn tất quá trình thanh toán.

Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể chuyển tiền tiêu vặt (ăn trưa, mua sách, dụng cụ học tập...) cho con vào thẻ SSC. Thẻ này chỉ được chấp nhận mua hàng qua máy POS tại các điểm quy định trong trường học, và không rút được tiền mặt. Các khoản mua sắm sẽ được thông báo vào tài khoản thẻ giúp phụ huynh biết được chi tiêu của con.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 10-2014, trên thị trường đã có 50 tổ chức phát hành thẻ với số lượng trên 77,3 triệu thẻ đã được phát hành, gần 15.900 máy ATM và trên 164.000 POS/EDC đã được lắp đặt và sử dụng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Techcombank ra mắt thẻ giúp người dùng theo dõi lượng khí...

0
(SGTT) - Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa ra mắt thẻ thanh toán Visa Eco, chiếc thẻ giúp người dùng theo...

Cho thuê, mượn tài khoản thanh toán có thể bị phạt...

0
(SGTT) - Theo Ngân hàng Nhà nước, nếu cho thuê, cho mượn, mua bán từ 1 đến dưới 10 tài khoản thanh toán thì...

Thanh toán không tiền mặt ‘phủ sóng’ ngày càng mạnh

0
Thanh toán không tiền mặt tiếp tục tăng trưởng mạnh sau đại dịch Covid-19, nhờ hệ thống văn bản pháp lý dần hoàn thiện...

Mua bán, cho thuê số tài khoản ngân hàng là vi...

0
Lợi dụng tình hình kinh tế nhiều khó khăn, nhiều người dân thiếu hiểu biết về pháp luật, không nhận diện được thủ đoạn...

66% người trưởng thành có tài khoản thanh toán

0
Hiện tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66%, với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% trong...

Các ngân hàng tốn hàng trăm tỉ đồng để chuyển đổi...

0
(SGTT) – Với con số hơn 100 triệu thẻ ATM đang lưu hành tại Việt Nam, các ngân hàng thương mại phải bỏ ra...

Kết nối