(SGTT) - Họ, đôi lúc cũng trầm ngâm trong tiếng xình xịch của nhịp tàu, thảng thốt khi bất chợt tiếng còi tàu cất lên. Nhưng họ vẫn chấp nhận gắn bó, dù công việc của ngành đang ngày càng nhiều những khó khăn chồng chất.
Những khoảnh khắc
Trên những chuyến tàu, nơi mỗi người bắt đầu cuộc hành trình của mình trong sự mới mẻ, lạ lẫm. Ở đó, mọi người thường thấy những nhân viên đường sắt chào hành khách bằng nụ cười, bằng cái gật đầu hay giản đơn là nhường lối đi cho nhau trên hành lang chật hẹp của con tàu.
Và thế giới xa lạ ấy bỗng gần gũi vô cùng khi nhân viên đường sắt xách giúp hành khách chiếc vali cho vào khoang hành lý, hỏi han đôi câu khi con tàu đang bắt đầu tăng tốc tiến về phía trước, hay những lần khách bỏ quên hành lý, tiền bạc trên tàu được nhân viên trả lại. Hay hy hữu hơn, những nhân viên đường sắt trở thành bà đỡ cho sản phụ sinh con ngay trên tàu, như trường hợp mới đây của đoàn tiếp viên trên tàu chất lượng cao Bắc - Nam SE6, trưởng tàu Nguyễn Đình Tài đã cùng đoàn tiếp viên thực hiện ca đỡ đẻ thành công cho hành khách Trương Thị Oanh (SN 1989, trú tại Thanh Hương, Thanh Chương, Nghệ an)…
Trên những sân ga của cuộc hành trình, những nhân viên của đoàn tàu tiễn những hành khách xuống ga, và lại đón thêm những người khách mới. Họ có thể là những bà mẹ đến thăm con ở thành phố xa, là đôi trai gái đi du lịch, là những người cựu chiến binh vào thăm chiến trường xưa, là những người muốn tìm cho mình những cảm giác mới.
Tàu đến, những ánh mắt hành khách sáng bừng, tươi vui. Thời gian gần đây, những sân ga đã không còn chật kín người như cách đây hàng chục năm về trước. Nhưng những hình ảnh những anh nhân viên SE trẻ cõng cụ già, vác những bao hành lý giúp người dân dường như đã quá quen thuộc trong mỗi chuyến tàu.
Khi những hành khách chầm chậm bước lên tàu và cánh cửa sắt nặng trịch của từng boong tàu đóng lại, con tàu trở nên náo nhiệt lạ thường. Tiếng cười, nói, trêu ghẹo, tiếng trẻ khóc, tiếng dỗ dành... mọi hỉ, nộ, ái, ố của thế giới thu nhỏ xuất hiện đủ cả trên chuyến tàu dọc theo dải đất xinh đẹp chữ S. “Đi tàu giờ khác rồi! Sạch sẽ, ngăn nắp. Chẳng phải chen chúc gì cả. Cứ lâu lâu lại có nhân viên đẩy xe qua lại bán thức ăn, đồ uống. Nhân viên cũng rất lịch sự, hướng dẫn hành khách rất chu đáo, và ai cũng cười!", một hành khách tâm sự như thế.
Đến với nghề là một cái duyên
Trên những chuyến tàu, chỉ có những nhân viên đường sắt còn ở lại và trải qua biết bao nỗi niềm. Trên những chuyến tàu chạy dài suốt dọc miền đất nước. Những nhân viên đường sắt trên tàu như một gia đình vậy. Lắc lư theo nhịp ray sắt. Các anh các chị chia phiên nhau, người này trực thì người kia ăn và ngược lại. Những bữa cơm đạm bạc mà ấm áp tình người, tình đồng nghiệp. Khi một thành viên nào đó gặp khó khăn, dù chẳng phải là khá giả những những thành viên trên tàu, các đoàn tiếp viên đều cùng nhau góp chút tiền, gửi lời thăm để động viên nhau vượt qua khốn khó. Khi đi qua những gác chắn, người lái tàu lại kéo một hồi còi, vừa để cảnh báo, nhưng trong thâm tâm của tất cả những người làm trong ngành, thì đó là tiếng chào nhau của những người trên tàu và ở những gác chắn, những cái vẫy tay vụt qua nhau nhưng cũng đủ ấm lòng người.
Trong suy nghĩ của nhiều người, nghề tiếp viên tàu được biết đến là một nghề mang lại thu nhập cao, ổn định, được đi nhiều nơi… Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau công việc có vẻ nhẹ nhàng đó là những nỗi gian nan, nhọc nhằn. Bởi trên tàu, họ vừa phải điều phối hành khách, vừa phải xử lý các tình huống, sự cố nguy hiểm không may xảy ra.
Chị Thảo chia sẻ, trên các chuyến tàu, người tiếp viên ngoài việc hướng dẫn vị trí cho khách, họ còn phải làm công việc soát vé. Việc kiểm soát này vô cùng vất vả bởi có những thời điểm như nghỉ lễ, dịp Tết, lượng khách đi tàu rất đông. Nếu tiếp viên lơ là, không chú ý theo dõi thì vẫn có những trường hợp trốn vé xảy ra. "Làm trong những trường đông đúc, tiếp viên thường xuyên tiếp xúc với nhiều khách hàng khác nhau. Không ít lần, họ bị khách hăng gây sự, mắng mỏ khi đang thực hiện nhiệm vụ", chị nói.
Một người khác, chị Lê Thị Tuyết Hạnh (SN 1978, tiếp viên đường sắt Vinh - Nghệ An) vào nghề đã được 15 năm. Chị kể, đã có những duyên nợ vô tình do con tàu hóa "ông Tơ bà Nguyệt" mà se duyên thành. Nhiều hành khách vô tình chung toa, sát ghế đã mến nhau, hòa hợp mà kết đôi. Nhưng thi vị hơn nữa là không ít cô gái đôi mươi đã phải lòng những chàng lái tàu. Hay nữa, là những khách nam mê tít nụ cười cô tiếp viên đường sắt xinh đẹp, mạnh mẽ. Để rồi khi thành đôi thành lứa, họ chọn cho mình những bộ ảnh cưới trên những sân ga, đợi tàu...
Với chị Hạnh, chị Bích Thảo, trưởng tàu Nguyễn Đình Tài… hay rất nhiều những nhân viên khác, chừng ấy năm qua đi khi họ vào ngành, đã không biết có bao nhiêu đổi thay, nhưng những con tàu vẫn thế, tình cảm của họ giành cho ngành vẫn thế.
Và những nỗi niềm
Khi đoàn tàu kéo còi tạm biệt sân ga, có những thế giới riêng bé nhỏ ắp đầy bao cảm xúc bắt đầu mở ra trên con tàu. "Thế giới tách biệt" kéo dài năm, bảy tiếng đồng hồ hay qua cả đêm dài và đến bình minh, ở đó có những nỗi niềm không chỉ riêng của hành khách, mà còn của những nhân viên trên tàu.
Vừa hướng dẫn cho khách lên chuyến tàu hướng về phương Nam, cũng như khuyến cáo tới hành khách về những vấn đề phòng chống dịch bệnh trên chuyến tàu, chị Nguyễn Thị Bích Thảo (SN 1979) nhân viên tàu SE, chi nhánh đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội trong đôi mắt vẫn thi thoảng ánh lên nét buồn. Chị, cũng nhưng hàng ngàn công nhân đường sắt thực sự đang trải qua những ngày tháng vô cùng khó khăn với ngành.
Trong nét buồn của chị, cũng là nét buồn của ngành. Bởi trải qua 140 năm hình thành và phát triển, giờ đây khi sự phát triển của đường bộ và đường hàng không khá mạnh, thì dẫu có buồn có lo nhưng một thực tế vẫn hiển hiện, đó là hệ thống đường sắt vẫn trong tình trạng “giậm chân tại chỗ”. Những toa tàu cũ, những đường ray trăm năm, những cơ sở vật chất tưởng chừng chỉ có trên phim... vẫn đang hiện diện.
Rồi dịch Covid-19 bùng phát, kéo dài việc vận tải hành khách và hàng hóa của đường sắt vốn đã đìu hiu, nay lại sụt giảm mạnh. Lương thưởng sụt giảm, thậm chí là bị cắt nhân sự khiến nhân viên ngành đường sắt đang lâm vào tình thế chật vật để tồn tại.
Thế nhưng, những nhân viên của ngành đều có niềm tin rằng đường sắt sẽ đứng vững, đường sắt sẽ phát triển và tất cả mọi người sẽ gặt hái được thành quả của sự đóng góp công sức của mình cho ngành đường sắt. Họ vẫn cần mẫn với công việc của mình, nụ cười nở cùng tiếng còi tàu đi khắp muôn nơi.
Tiêu Dao