Thứ sáu, Tháng hai 7, 2025

Có một nơi để trở về

TRƯƠNG HUỲNH NHƯ TRÂN -

Nghe ba mẹ nói định bán mảnh vườn ở quê để lên thành phố ở gần anh em chúng tôi cho vui, tôi lặng lòng đi.
Bao nhiêu năm rồi tôi ở phố, quên mất mình có một mảnh vườn quê, cho tới khi nó sắp sửa không còn thì mới quay đầu hồi cố.

Thật lạ, như một cuốn phim chất lượng tốt, dù đã lưu kho bao năm, bao nhiêu thời gian bụi phủ, khi mở lại, cuốn phim vẫn từ từ hiển hiện một cách rành mạch, rõ nét… Những ký ức tươi nguyên.

Như còn đó “giàn nước” của mẹ, có cây xoài thanh ca làm chỗ tựa. Gọi là giàn nước vì đó là nơi con bé thấp tũn như tôi thường đứng kiễng chân ở đó để vo gạo, rửa chén, lúc nào cũng nghịch nước bắn tung tóe. Mỗi buổi trưa ra đứng vo gạo bắc nồi cơm, tôi tranh thủ leo lên cây xoài thanh ca tìm trái nào “ương ương” mà cạp, nghe vị ngọt thanh thấm thía như tên gọi của nó. Giàn nước đó có dây mướp bò leo vấn vít, gặp sáng nắng đẹp, ửng màu tươi rực trên những bông mướp vừa bung cánh.

Như còn đó cánh đồng khô cỏ cháy, nơi tôi dang nắng những trưa trốn ngủ, để thẩn thơ với đám cào cào châu chấu, hay chỉ để ngồi im dưới lùm cây nào đó mà nghe tiếng chim cu gáy gù ở xa xa.

Còn nguyên ruộng lúa trước nhà, đang bắt đầu làm đòng, rồi sẽ ngậm sữa, đưa hương. Buổi sáng sớm còn ướt sương, ba mẹ tôi ra ngồi cạnh nhau trước ruộng, rì rầm bàn bạc chuyện tương lai.

Còn nguyên cả ở đấy bao năm, mà chúng tôi có bao giờ nhớ đến. Bao năm cũng chỉ có bóng dáng hai người là ba mẹ đó quanh quẩn trong mảnh vườn, đám ruộng, ngày ngày ngóng những đứa con xa chưa về.

Ừ thì mảnh vườn đó là nơi mấy anh em chúng tôi lớn lên, nơi anh tôi trèo lên cây mít bắt ổ chim ri và té trặc chân. Nơi tôi đứng ở đầu ngõ chờ ba mẹ về mỗi chiều. Nơi thằng Út chơi trốn tìm rồi ngủ quên trong bồ lúa. Nơi mấy anh em tôi trải chiếu nằm ngắm sao trời, nghe ba đàn và mẹ hát những bài tình ca xưa cũ…

Nhưng khoảnh khắc tuổi thơ trôi qua nhanh quá. Thời gian chúng tôi sống ở phố nhiều hơn ở quê, thời gian sống xa nhà nhiều hơn thời gian thơ bé quẩn quanh chân mẹ. Nếu so mảnh vườn nhiều kỷ niệm và anh em chúng tôi thì ba mẹ vẫn muốn sống gần con cái hơn là quanh đi quẩn lại trong khu vườn chỉ còn lại ký ức thơ ấu của mấy đứa con.
Vì vậy mà quyết định bán vườn.

Vì vậy mà cả nhà ai cũng nao nao.

Nếu lên thành phố, chắc ba mẹ sẽ buồn vì nhà phố chỉ có khoảnh sân bé tí, sải vài bước chân đã hết, lấy đâu chỗ cho ba trồng cây, cho mẹ tưới đám rau mỗi chiều.

Nếu lên thành phố, đâu có cảnh chú Chín chạy qua mượn đỡ cái rìu, cô Tư mang qua cho dĩa bánh xèo nóng hổi mới vừa đổ. Hàng xóm ở phố nhà nào đóng cửa im ỉm nhà nấy, những gương mặt phẳng lặng dè chừng của “người ở phố”, lấy đâu ra một chút quê kiểng để mà thương nhớ.

Vậy nên ba mẹ dùng dằng. Vậy nên mấy anh em thơ thẩn bâng khuâng. Cái thơ thẩn bâng khuâng lâu nay chìm khuất trong phố phường bận rộn, giờ có dịp ùa về.

Bán vườn rồi, làm sao có dịp để “về quê”. Làm sao có một nơi nào đó để trở về. Lâu nay dù mải mê công việc, một năm đôi ba bận về nhà, nhưng vẫn còn đó góc vườn, khoảnh sân, giàn hoa trước ngõ, cả đám cào cào châu chấu ngoài đồng, tất cả thuộc-về-chúng-tôi, luôn chờ chúng tôi ở đó.

Bán vườn là đứt đoạn, là chia cắt, là không còn thuộc về mình nữa.

Nghĩ tới đó đã nghe rưng rưng.

Không hẹn mà gặp, mấy anh em tôi cùng về nhà một lượt, sau cái tin bán vườn mà đứa nào cũng nghe giật mình từ trong sâu thẳm.

Giật mình không phải vì quyết định đột ngột của ba mẹ. Giật mình vì lâu nay chúng tôi dường như đã quên lãng ngõ về nhà mình. Giật mình vì nhận ra quá lâu chúng tôi không nghe thấy tiếng thở dài của ba mẹ mỗi cuối tuần quạnh vắng. Giật mình vì chúng tôi quên mất ngọn ngành tao nôi của mình, cho tới khi nó có nguy cơ vụt mất đi.

Chúng tôi về, dù chỉ để quẩn chân mẹ, dù chỉ để nghe lại một bài tình tang xưa cũ từ tiếng đàn của ba. Chỉ vậy thôi, để cảm biết được căn nhà xưa, mảnh vườn xưa vẫn còn nguyên vẹn cái quây quần êm đềm thuở trước.

Rồi buổi chiều ngồi bên mảnh vườn đó, sống chậm lại một nhịp thời gian, chúng tôi biết điều mình luôn luôn có là gì.
Và buổi sớm còn mờ sương, khi ba mẹ tựa nhau ngồi trước đám lúa đang làm đòng, hẳn sẽ không còn thấy quạnh vắng mà muốn bỏ quê về phố nữa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Trung Quốc sáng tạo thuật ngữ mới cho xe điện

0
(SGTT) - Các nhà sản xuất xe điện ở Trung Quốc đã từ bỏ thuật ngữ "EV" truyền thống và chuyển sang "EIV" (xe điện...

Lạ miệng món bánh canh khô ở quận 10

0
(SGTT) - Tại TPHCM, thực khách dễ dàng tìm thưởng thức bánh canh kiểu món nước truyền thống, nhưng để chế biến thành bánh...

Về làng Sình xem hội vật đầu xuân

0
(SGTT) - Mỗi năm, vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch, lễ hội vật truyền thống làng Sình diễn ra tại đình làng Lại...

Ghé thăm đền Trần – di tích quốc gia đặc biệt...

0
(SGTT) - Đền Trần là quần thể di tích gồm Khu lăng mộ và đền thờ các vua Trần, tọa lạc tại huyện Hưng...

Cầu Đại Ngãi 1 chậm tiến độ do vướng mắc kỹ...

0
(SGTT) - Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), công trình cầu Đại Ngãi 1 chậm tiến độ, phải lùi lịch hoàn thành 2...

Sắp diễn ra lễ hội Tết Nguyên tiêu 2025 tại TPHCM

0
(SGTT) - TPHCM sẽ tổ chức lễ hội Tết Nguyên tiêu từ ngày 10 đến 12-2, nhằm ngày 13 đến 15 tháng Giêng năm...

Kết nối