Khác với thị trường xe máy chạy xăng, nơi được xem là sân chơi của các doanh nghiệp nước ngoài, thì thị trường xe máy điện lại có sự tham gia của khá nhiều nhà sản xuất trong nước. Bên cạnh tiềm năng phát triển đi theo xu hướng năng lượng xanh thì đây cũng là phân khúc thị trường mà những “người khổng lồ” Honda, Yamaha… chưa thể hiện sự quan tâm ở Việt Nam.
Xe máy điện tìm cơ hội từ xu hướng năng lượng xanh
Trên đường phố hiện nay, không khó để bắt gặp những chiếc xe máy điện mang thương hiệu Việt Nam như VinFast, Pega, Dat Bike, Detech, DKBike… Tuy nhiên, cách đây hơn 5 năm, đây không phải là điều phổ biến vì khi đó, thị trường xe máy điện tại Việt Nam chủ yếu là sân chơi của một vài hãng xe giá rẻ có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trước năm 2018, thị trường xe máy, xe đạp điện Việt Nam đã có thương hiệu xe đạp điện PEGA (trước đây là HKbike ), Detech, và DKBike cùng cạnh tranh với các sản phẩm xe Trung Quốc.
Các nhà sản xuất xe máy điện nói trên đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng để xây dựng nhà máy với tổng công suất ước tính khoảng 1 triệu xe/năm. Các thương hiệu nội địa này lạc quan với tiềm năng tăng trưởng của thị trường. Nếu như năm 2013, lượng tiêu thụ vào khoảng 150.000 xe/năm thì tới 2015 đã lên tới 500.000 xe/năm và chủ yếu là các dòng xe đến từ Trung Quốc.
Đánh giá cơ hội từ thị trường xe điện, cuối năm 2018, VinFast (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã tham gia vào sản xuất xe máy điện và đưa ra thị trường những sản phẩm đầu tiên. Có lợi thế là sản phẩm xe máy điện được sản xuất bởi một tập đoàn lớn, có thương hiệu, uy tín nên sản phẩm xe máy điện VinFast đã được nhiều người mua và sử dụng.
Cũng trong năm 2018, một startup xe điện Việt khác ra đời là Selex Motors. Hãng xe này được thành lập bởi ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, người có bằng tiến sĩ tại Đại học Michigan (Mỹ). Sau 4 năm làm việc tại Tập đoàn Viettel, ông Nguyên quyết định khởi nghiệp với Selex Motors vì tin tưởng vào tiềm năng phát triển của xe máy điện tại Việt Nam. Ông xem đây là cơ hội để xây dựng doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Vào tháng 3 vừa qua, các quỹ đầu tư ngoại đã rót vốn 3 triệu đô la Mỹ vào Selex Motors. Việc nhận vốn đầu tư sẽ giúp Selex Motors được tiếp sức để chinh chiến tại thị trường này.
Có một câu chuyện khác với Selex Motor, thế nhưng Dat Bike cũng được sáng lập bởi một người làm việc trong ngành công nghệ. Dat Bike được thành lập vào năm 2019 bởi ông Nguyễn Bá Cảnh Sơn, một du học sinh trở về từ Mỹ và cũng là một kỹ sư phần mềm từng làm việc tại Thung lũng Silicon (Mỹ).
Sản phẩm đầu tiên hãng xe điện này cung cấp ra thị trường là Dat Bike Weaver với hình thức nam tính, cá tính và thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ.
Mới đây, Dat Bike đã gọi vốn thành công 2,6 triệu đô la Mỹ từ một số quỹ đầu tư mạo hiểm. Điều này cho phép Dat Bike tiếp tục nghiên cứu và cải tiến công nghệ cho những dòng xe điện mới, trong đó có dòng xe dành cho nữ giới.
Ngoài những thương hiệu kể trên, cuối năm 2020, Tập đoàn Sơn Hà (nhà sản xuất bồn nước inox) cũng nhìn thấy cơ hội nên đã đầu tư nhà máy sản xuất xe điện EVgo.
Khi cung cấp thông tin cho báo chí, đại diện Sơn Hà dẫn chứng số liệu nghiên cứu và thống kê về thị trường xe điện 2 bánh Việt Nam những năm gần đây, cho thấy có sản lượng khá ổn định, khoảng 400.000 xe/năm. Tuy nhiên, con số này vẫn chiếm tỷ lệ khá nhỏ so với sản lượng tiêu thụ xe gắn máy 2 bánh sử dụng động cơ xăng, ở mức từ 3 đến 3,4 triệu xe/năm. Trong khi đó, xu hướng sử dụng xe điện để giảm phát thải, bảo vệ môi trường sẽ tạo ra ưu thế cạnh tranh cho xe máy điện với xe máy xăng, và đây cũng là cơ hội cho các nhà sản xuất trong nước.
Tìm cơ hội từ những điểm trũng của thị trường
Hiện chưa có số liệu nào được công bố cho thấy tỷ lệ xe điện 2 bánh của các doanh nghiệp nội sản xuất được người dân mua sử dụng chiếm bao nhiêu phần trăm trên thị trường xe điện Việt. Tuy nhiên, số lượng xe 2 bánh điện Việt được mọi người đều nhìn thấy khi tham gia giao thông khá nhiều.
Trên thực tế, để thuyết phục khách hàng mua và sử dụng, các doanh nghiệp sản xuất xe máy điện trong nước đã phải tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc tìm kiếm, hợp tác với những nhà sản xuất động cơ, linh phụ kiện tốt, có tiếng của thế giới. Bên cạnh đó là việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng dịch vụ như lập nhiều trạm sạc pin, đổi pin xe để tạo thuận lợi cho khách hàng, từ đó giảm thiểu bất cập của xe máy điện so với xe xăng.
Gần đây, các hãng đã tăng cường hợp tác với các đơn vị vận chuyển để sử dụng xe máy điện trong giao hàng, chở khách. Đơn cử, Vingroup đã thành lập Công ty cổ phần Di chuyển xanh và thông minh (GSM), cung cấp nhiều dịch vụ di chuyển bằng xe điện VinFast. Thời gian đầu, GSM cung cấp dịch vụ taxi xanh, gần đây đã cung cấp thêm dịch vụ xe ôm xanh.
Ngoài VinFast, nhiều hãng xe máy điện nội địa khác cũng tìm cách hợp tác với các đơn vị để sản phẩm của mình được xuất hiện trên đường nhiều hơn.
Cuối tháng 5 vừa qua, Dat Bike đã hợp tác với Gojek để nền tảng gọi xe công nghệ này sử dụng xe điện để phục vụ các nhu cầu đi lại, giao hàng, giao đồ ăn. Trong khuôn khổ hợp tác, Dat Bike cung cấp cho các đối tác tài xế Gojek dòng xe Dat Bike Weaver++ để thực hiện các dịch vụ chở khách, giao đồ ăn và giao hàng.
Cũng trong tháng 5, Selex Motor cũng hợp tác với Grab để thử nghiệm sử dụng xe máy điện để giao hàng tại TPHCM. Trong đợt triển khai thử nghiệm này, một nhóm đối tác tài xế GrabExpress sử dụng xe điện Selex Camel và dịch vụ đổi pin của Selex để giao hàng trên khắp địa bàn thành phố. Trước đó, Selex Motors cũng hợp tác với GrabExpress triển khai thử nghiệm dịch vụ giao hàng bằng xe máy điện đối với một nhóm đối tác tài xế tại Hà Nội.
Trước đó, vào tháng 9-2022, VinFast đã hợp tác cùng Ahamove để ra mắt dịch vụ vận chuyển bằng xe máy điện AhaFast. Theo đó, 100 xe VinFast Feliz S được chuyển giao cho Ahamove để triển khai dịch vụ AhaFast tại Đà Nẵng. Ngoài 200 xe đã mua từ VinFast, Ahamove đang xúc tiến hợp đồng thuê 1.000 xe máy điện từ Công ty GSM để mở rộng hoạt động kinh doanh sang các tỉnh thành khác. Mục tiêu của Ahamove là đưa 10.000 xe máy điện vào hoạt động từ năm 2025.
Ngoài ra, VinFast cũng bắt tay với Ahamove cho ra mắt dịch vụ cho thuê xe máy điện, hướng tới khách du lịch. Từ tháng 4-2023, khách du lịch, người dân Đà Nẵng có thể đặt thuê xe máy điện tại website hay ứng dụng (app).
Cũng nằm trong những nỗ lực đưa xe máy điện Selex ra thị trường, ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên cho biết hãng đã hợp tác với Lazada Logistics để đưa lô xe máy điện giao hàng Selex Camel khoảng 100 chiếc vào dịch vụ giao hàng.
Để tiện dụng cho khách dùng xe điện Selex, hàng này đã lắp đặt 30 trạm đổi pin và dự kiến sắp tới nâng con số này lên 200 tại TPHCM và Hà Nội.
Các chuyên gia cho rằng, để cho xe máy điện trở nên phổ dụng hơn nữa tại các đô thị, các nhà sản xuất cần nghiên cứu phát triển, đưa ra những sản phẩm có thời gian sạc nhanh hơn. Bên cạnh đó, phát triển mạng lưới đổi pin nhiều hơn, rộng hơn để tăng sự tiện lợi. Tất nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ đối với các nhà sản xuất, vì để giải quyết được hai yêu cầu này cần nguồn tài chính khá lớn.
Vân Ly
Theo Kinh tế Sài Gòn Online