Tại các nhà máy của Acecook Việt Nam, quy trình sản xuất mì ăn liền được triển khai với quy mô lớn, hoạt động liên tục và đảm bảo tính chính xác từng khâu, từ nguyên liệu đến đóng gói.
Năm 1993, Acecook vào thị trường Việt Nam với một dây chuyền sản xuất nhỏ lẻ. Sau hơn 22 năm, “cơ ngơi” của vị đại gia mì gói đến từ đất nước mặt trời mọc là 11 nhà máy quy mô lớn, đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn Nhật Bản, đặt tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, chi phí khoảng 50 triệu đô la Mỹ/nhà máy. Tỷ lệ tự động hóa hơn 80% với gần 6.000 cán bộ công nhân viên làm việc. Các sản phẩm của thương hiệu này được xuất khẩu đi gần 40 quốc gia trên thế giới.
Cứ mỗi phút, một dây chuyền sản xuất tại nhà máy Acecook Việt Nam cho ra đời khoảng 600 gói mì và 420 ly mì. Toàn bộ 12 công đoạn từ khâu trộn bột đến thành phẩm chỉ mất khoảng 20 - 25 phút và hệ thống dây chuyền sản xuất mì ăn liền hiện đại đảm bảo chất lượng, tính an toàn cho từng vắt mì.
Quá trình sản xuất mì ăn liền bắt đầu từ việc lựa chọn nguyên liệu. Nguyên liệu chính dùng để sản xuất mì ăn liền là bột lúa mì được nhập khẩu từ Úc, Canada và dầu thực vật là dầu cọ nhập khẩu chủ yếu từ Malaysia. Gói gia vị được làm từ các nguyên liệu tươi: hành tím, tỏi, ớt, ngò om, ngoài ra còn có các nguyên liệu thật như tôm, thịt, trứng, hải sản.
Theo đó, các nguyên liệu phải được lựa chọn kỹ càng, có nguồn gốc rõ ràng từ các nhà cung cấp có uy tín và đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm theo qui định; đồng thời, trước khi đưa vào sản xuất, phải trải qua quá trình kiểm soát chất lượng, đảm bảo không biến đổi gen, đáp ứng chỉ tiêu hóa lý - vi sinh, dư lượng thuốc trừ sâu… theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nghiêm ngặt. Tiếp theo, nguyên liệu được đưa vào công đoạn trộn bột. Bột lúa mì và dịch nghệ chiết xuất, gia vị được trộn bằng thiết bị tự động, khép kín. Chiết xuất từ củ nghệ để tạo nên màu vàng bắt mắt cho sợi mì
Ở công đoạn tiếp theo, các sợi mì được làm chín với tủ hấp hoàn toàn kín bằng hơi nước và áp suất tiêu chuẩn.
Vắt mì sau khi hấp có hàm lượng nước rất cao (khoảng 50%), vì thế mì phải trải qua công đoạn làm khô để làm mất nước, giảm độ ẩm xuống khoảng dưới 3%. Đây là lý do giúp mì ăn liền có thể bảo quản được ở nhiệt độ thường trong thời gian 5-6 tháng mà không bị nấm mốc. Có 2 công nghệ làm khô khác nhau: chiên dùng để sản xuất mì chiên, và sấy bằng nhiệt gió để sản xuất mì không chiên.
Đối với quy trình chiên, đầu tiên hệ thống bồn trao đổi nhiệt dùng hơi nước làm nóng dầu (tương tự chưng cách thủy) bên ngoài trước khi đưa vào chảo chiên. Tiếp theo, dầu được cấp vào chảo chiên và nhiệt độ tại đây luôn được duy trì ổn định, song song đó, dầu hao hụt bao nhiêu liền được bổ sung dầu mới bấy nhiêu một cách đều đặn, liên tục thông qua hệ thống định lượng tự động. Công nghệ này không những xóa bỏ khái niệm dầu cũ mà còn đảm bảo chỉ số oxy hóa của dầu và sản phẩm mì đạt tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế.
Các gia vị làm từ các nguyên liệu tự nhiên, tươi mới và an toàn như tôm, thịt, trứng, hải sản, các loại rau củ tươi nhằm tạo nên hương vị đặc trưng cho từng sản phẩm. Sau khi cấp gói gia vị đầy đủ theo từng hương vị, sản phẩm sẽ được đóng gói và in hạn sử dụng.
Nhờ hoàn thiện hóa quy trình sản xuất và tự động hóa mà Acecook có thể tiết kiệm chi phí, giúp người tiêu dùng có thể thưởng thức mì ăn liền chất lượng cao với giá hợp lý. Đi cùng sự phát triển của hệ thống máy móc là số nhân lực có trình độ. Toàn bộ công nhân đều được đào tạo chuyên môn theo từng vị trí nhằm đảm bảo khả năng vận hành hệ thống tự động hóa. Mỗi năm, công nhân đều trải qua các kỳ kiểm tra tay nghề nhằm nâng cao năng lực. Họ cũng thường xuyên tham dự các khóa huấn luyện kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm.
P.V