Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Cô gái Thái mê văn hóa Việt Nam

Bảo Hướng -  

Sài Gòn, một buổi chiều xám xịt, mây đen vần vũ, nhiều người vội vã trở về nhà hay tấp vào các cao ốc để tránh cơn mưa nặng hạt. Thế nhưng có một cô gái tóc ngắn, ngược dòng xe cộ đang hối hả, len lỏi về phía đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, tìm nghe nhạc sĩ Trần Tiến trải lòng khi ra mắt sách đầu tiên của ông. Nhìn cô lắc lư theo điệu nhạc, miệng nhoẻn cười, nhịp nhịp tay, quên cả tiếng ầm ào sấm chớp, ai cũng nghĩ chắc là người hâm mộ cuồng nhiệt đây.

Jee-tham-quan-ph_-__n-l_ng

Jee tham quan phố đèn lồng.

Đó là cô gái Thái Lan, đến Việt Nam học tiếng Việt, “bị” đất Sài Gòn níu chân, đâm ra mê mẩn tìm hiểu văn hóa vùng đất mới đến “đội cả trời mưa” theo chân các bạn trẻ đến các sự kiện liên quan văn hóa Việt Nam.

Thường gọi là Jee để dễ nhớ vì cô có cái tên rất dài, Mananya Techalertkamol, có nghĩa là trái tim từ tâm rộng mở trong tiếng Thái, Jee luôn niềm nở với mọi người, nên dễ dàng chiếm được thiện cảm và hòa nhập vào cuộc sống nơi đây rất nhanh. Lém lỉnh, nói năng lưu loát, tự tin, thêm vẻ ngoài không khác gì người Việt Nam, thoạt tiếp xúc, ai cũng ngỡ Jee là một cô gái Việt chính hiệu. Thế nhưng khi làm quen và biết Jee đến Việt Nam gần một năm rưỡi, có người ngạc nhiên thốt lên “Sao nói tiếng Việt giỏi vậy?”.

Giữa lớp học tiếng Việt ngắn hạn của Khoa Việt Nam học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Jee lọt thỏm giữa các bạn cao lớn đến từ các quốc gia và nổi bật giữa các bạn Á Đông đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản với vóc người tròn tròn và luôn toét miệng cười. 24 tuổi, tốt nghiệp xuất sắc ngành Operations Management tại trường Đại học Thammasat Thái Lan, đạt huy chương vàng toàn khóa, Jee nghiễm nhiên có ngay một suất học bổng của Hoàng gia Thái đi du học nước ngoài. Với nhiều người, đây là phần thưởng ghi nhận nỗ lực suốt 4 năm miệt mài học tập và thường sẽ chọn châu Âu hay Mỹ là đích đến. Nhưng người mẹ đã khuyên Jee tạm dừng học bổng, đi đến một trong những nước Đông Nam Á trong một năm để trải nghiệm, trưởng thành và hiểu rõ mình thật sự cần gì, muốn gì trước khi tiếp tục học lên cao. Jee chọn Việt Nam vì 20 năm trước, cậu của Jee là một thanh niên Thái Lan đến đây theo diện chuyên gia được công ty cử đi công tác, đất lành chim đậu, cậu ở lại Việt Nam, lập nghiệp và thành công. Jee chọn Việt Nam vì nơi đây gần nhà, có thể về Thái Lan thăm ba má thường xuyên.

Hành trang đến Việt Nam chỉ có chiếc laptop làm việc, một cái máy ảnh chụp hình cuộc sống nơi đây, xen trong đó là nỗi lo lắng của lần đầu đi xa. Tiếng Anh ngập ngừng vì lâu rồi không dùng, tiếng Việt chỉ biết nói “xin chào”, tiếng Thái thì không ai hiểu, Jee đứng giữa Bến Thành mà muốn ngay lập tức mua vé máy bay trở về nhà. Thời gian đầu, Jee ở với cậu, Jee từng nghĩ sẽ không dám sống một mình trong căn hộ đã thuê, dù căn hộ gần trường học, tiện đi học và vào trung tâm, còn cậu thì xa lắc xa lơ. Tiếng Việt theo chữ hệ Latin, khác hẳn tiếng Thái, chưa kể tiếng Việt hàm ý, ẩn nghĩa nhiều, chỉ duy nhất nét tương đồng giữa hai ngôn ngữ là cùng có thanh điệu (dấu). Đói – không biết gọi đồ ăn thế nào, đi lại – đường phố Sài Gòn như mắc cửi, không dám qua đường, không biết đường, không biết tuyến xe buýt...

Là sinh viên giỏi, đã hứa với gia đình sẽ sống tự lập được, Jee nuốt nỗi nhớ nhà vào lòng, dọn đến căn hộ gần trường, dành nhiều thời gian hơn cho học hành, vào trung tâm và khám phá thành phố. Jee thường xuyên la cà ở căn tin trường, đến các quán cà phê xung quanh, chủ động bắt chuyện với bất kỳ người Việt nào. Nghe hiểu được tiếng Việt đôi chút, Jee bắt đầu vạch ra chương trình khám phá thành phố bằng xe buýt và đi bộ vì vẫn chưa dám đi xe trong giao thông ken cứng của Sài Gòn. Ban đầu là các địa điểm gần trường, ngay khu trung tâm như các bảo tàng, di tích lịch sử, các siêu thị, phố đi bộ, nhà sách… xa hơn là địa đạo Củ Chi. Dạn dĩ hơn, Jee dò hỏi, tự đặt xe đi Đà Lạt, Phan Thiết như một người Việt đi du lịch trên đất Việt Nam. Không chỉ vậy, Jee còn la cà với các bạn người Việt đi ăn những món bình dân, vỉa hè, cũng ngồi “dzô dzô” như ai, cũng cười nói rôm rả, và làm phép so sánh kiểu ăn uống từ nhà ra phố, từ nhà hàng, cửa hàng thức ăn nhanh đến quán cóc, rồi ngạc nhiên khi nhận thấy ngồi trên mấy cái ghế đẩu có cả những người thành đạt, giàu có.

Thích thú Sài Gòn với văn hóa ẩm thực phong phú từ các vùng miền, Jee còn ngạc nhiên và háo hức cùng nhiều sự kiện văn hóa liên tục được tổ chức miễn phí cho giới trẻ trong khi ở Thái phải tốn rất nhiều tiền cho một đêm âm nhạc như thế. Một phiên chợ xanh tử tế mang thực phẩm xanh sạch, có nguồn gốc rõ ràng đến người tiêu dùng, đặc biệt “ông bà chủ” các gian hàng đều rất trẻ, Jee líu lo trả giá để... luyện tiếng Việt, rồi mua các sản phẩm ngon lành gửi về cho gia đình bên Thái, góp ý với “các ông bà chủ” trẻ người Việt, chia sẻ cách thức làm nông nghiệp ở Thái Lan. Rất “dũng cảm”, Jee gọi điện thoại cho một họa sĩ già để xin học vẽ, mở đầu bằng: “Con là người nước ngoài, thầy dạy cho con được không?”. Sáng Chủ nhật nào đó, nếu thấy một cô gái tóc ngắn, mắt một mí, da ngăm ngăm, mặc quần jeans áo thun, ngồi bệt ở góc đường Hàn Thuyên, ngước nhìn Nhà thờ Đức Bà và hý hoáy vẽ, đích thị là Jee.

Hỏi Jee có thương Sài Gòn không, Jee cười, nhưng mỗi lần về Thái thăm nhà, Jee lại ngóng ngày trở lại, vì ở Sài Gòn còn có những người bạn, tuy xa lạ, tuy khác tiếng nói nhưng lo lắng khi Jee bị bệnh, chăm sóc Jee như người nhà. Sài Gòn cho Jee những trải nghiệm mới, giúp Jee trưởng thành, chỉ cho Jee cách thức trao đổi văn hóa. Từ một người hiếm khi chịu vào bếp, Jee đã mời bạn bè những món Thái tự tay mình nấu và bạn bè cũng chia sẻ với Jee về một nền ẩm thực đa dạng của Việt Nam.

Hơn nửa năm trôi qua cũng là hơn nửa chặng đường lời hứa với má, hỏi Jee có ý định quay về Thái không? Jee cười trả lời: “Đã quen với cuộc sống ở đây rồi. Ở đây tốt mà”. Hơn nửa năm xa nhà, được cậu chăm sóc từ buổi ban đầu ngơ ngác, được cậu chỉ dẫn cách xử sự với người Việt và văn hóa Việt, được cậu nấu cho những bữa ăn lấp đầy nỗi nhớ nhà, Jee xem cậu như cha và luôn muốn giống cậu – có một gia đình ở đây và Việt Nam là mái nhà thứ hai. Jee hay về thăm cậu vào cuối tuần. Thế nhưng từ ngày khám phá thành phố, Jee thường bị cậu chọc “sao ít về nhà với cậu vậy?” và nhận ngay câu trả lời lém lỉnh “thanh niên rồi mà, thanh niên cần có bạn”.

Hơn nửa năm qua, không chỉ đam mê văn hóa, ẩm thực Việt Nam, Jee cùng một người bạn Việt Nam là thạc sĩ ngôn ngữ học, ngày đêm miệt mài thu thập thông tin tư liệu, hình ảnh cũng như tìm kiếm nguồn tài chính, hỗ trợ kỹ thuật, trải nghiệm khắp vùng miền để xây dựng một trang web kết nối du lịch, văn hóa, ẩm thực Việt Nam và Thái Lan bằng hai thứ tiếng tại địa chỉ www.jgjourney.com. Trong thời gian ở Việt Nam, nhờ những chuyến đi trải nghiệm văn hóa, du lịch Việt Nam cũng như tìm hiểu văn hóa Việt qua các sự kiện văn hóa nghệ thuật mà Jee đã viết một số bài báo đăng trên báo Việt Nam.

Dường như đam mê văn hóa Việt Nam và mong muốn kết nối văn hóa, giao thương, ẩm thực vẫn còn đang tiếp tục và ngày càng có ý nghĩa hơn với cộng đồng trong Jee.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Kinh nghiệm du học Đài Loan giữa mùa dịch (kỳ 2):...

0
(SGTT) - Tiếp nối bài chia sẻ kinh nghiệm du học Đài Loan giữa mùa dịch, tôi xin gửi đến quý độc giả trải...

Kinh nghiệm du học Đài Loan giữa mùa dịch

0
(SGTT) - Những ngày Sài Gòn oằn mình trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, tôi đọc thấy thông báo tuyển sinh của chương...

Triển lãm “Spraying Board Vietnam” – Khi trượt ván kết hợp...

0
(SGTT) - 40 chiếc ván trượt đã được bốn nghệ sĩ Việt Nam và sáu nghệ sỹ Pháp biến hóa thành các tác phẩm...

Saigon Urban Arts 2021: nhiều không gian công cộng ở quận...

0
(SGTT) - Viện Pháp tại Việt Nam, Viện Goethe tại TPHCM trong khuôn khổ Quỹ văn hóa Pháp-Đức, phối hợp cùng với Hội đồng...

Trải nghiệm ẩm thực người Thái để thấy tương đồng và...

0
(SGTT) - Là món ăn bình dân và phổ biến trong nền ẩm thực Thái Lan, Pad Thai là tên gọi rất đặc biệt...

Du lịch Hà Giang sẽ được số hóa

0
Tổng cục Du lịch, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) và UBND tỉnh Hà Giang chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác...

Kết nối