(SGTT) - Cục Viễn thông nhận định ứng dụng Telegram có một số kênh, nhóm mang nội dung độc hại, vi phạm pháp luật nên đề nghị các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương thực hiện các biện pháp ngăn chặn Telegram, báo cáo phương án và kết quả thực hiện về Cục trước ngày 2-6-2025.
- Chuyên gia an ninh mạng cảnh báo mục tiêu hấp dẫn hacker năm 2025
- Doanh nghiệp viễn thông phải đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt dịp lễ
Ngày 21-5 vừa qua, Cục Viễn thông (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa có văn bản Số 2312/CVT-CS về việc ngăn chặn hoạt động của dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Cụ thể, Cục Viễn thông nhận được văn bản số 2898/A05-P5 ngày 24-4-2025 của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an về việc phối hợp ngăn chặn hoạt động của Telegram tại Việt Nam.
Theo văn bản, cơ quan công an thông tin về các vi phạm pháp luật liên quan đến ứng dụng Telegram như có tới 68% kênh, nhóm xấu độc trong tổng số 9.600 kênh, nhóm Telegram tại Việt Nam. Nhiều hội, nhóm với hàng chục ngàn đối tượng tham gia, do các đối tượng chống đối, phản động tạo lập, phát tán tài liệu chống phá, xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến lừa đảo, rao bán dữ liệu người dùng, ma túy; có trường hợp nghi vấn liên quan đến khủng bố...
Theo quy định tại Nghị định 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Telegram cung cấp thông tin xuyên biên giới cho người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Chẳng hạn như, có trách nhiệm thông báo thông tin liên hệ cho cơ quan quản lý; kiểm tra giám sát, loại bỏ, ngăn chặn thông tin, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật liên quan khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền liên quan...
Thêm nữa, căn cứ theo pháp luật về viễn thông, từ ngày 1-1-2025 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet phải thực hiện thủ tục thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông.
Tuy nhiên Telegram không chấp hành quy định. Việc cung cấp dịch vụ viễn thông khi chưa được phép là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 4 Điều 9 Luật viễn thông; với các vi phạm Điều 9 Luật Viễn thông, khi đó doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm triển khai các giải pháp, biện pháp để ngăn chặn theo điểm c Khoản 1 Điều 79 Nghị định 163/2024/NĐ-CP.
Chính vì vậy, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao đã đề nghị Cục Viễn thông chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tiến hành các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn hoạt động Telegram tại Việt Nam.
Trên cơ sở này, Cục Viễn thông đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương thực hiện các biện pháp ngăn chặn, báo cáo phương án và kết quả thực hiện về Cục trước ngày 2-6-2025.
Telegram Messenger là một dịch vụ nhắn tin tức thời miễn phí, đa nền tảng, mã hóa. Ứng dụng này cũng cung cấp các cuộc trò chuyện được mã hóa đầu cuối, thường được gọi là trò chuyện bí mật và gọi điện video, VoIP, chia sẻ tệp và một số tính năng khác. Telegram ra mắt lần đầu cho iOS vào ngày 14 tháng 8 năm 2013 và trên Android vào ngày 20 tháng 10 năm 2013. Theo thống kê vào đầu năm 2024, ứng dụng Telegram đã thu hút hơn 900 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, nằm trong top 5 ứng dụng được tải xuống nhiều nhất toàn cầu. Thống kê của Statista cho thấy, Việt Nam nằm trong top 10 thị trường ưa chuộng ứng dụng này, với 12 triệu lượt tải năm 2022. Còn theo thống kê của Digital Report đầu năm 2023, 31,5% người dùng Internet tại Việt Nam ở độ tuổi 16-64 có sử dụng Telegram.
Theo TTXVN