Nguyễn Hoàng Duy (Quận 5, TPHCM) -
Cách đây một tuần chị tôi ở quê lên Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM (quận 5) để khám sức khỏe tổng quát. Từ 3 giờ sáng, tôi phải dậy sớm để đi xếp hàng vì nếu đi muộn thì có thể đến chiều tối mới khám xong.
Trong lúc xếp hàng có vài gã đàn ông hỏi tôi có muốn khám sớm không. Nếu muốn thì mua sổ có số thứ tự thấp với giá 80.000 đồng, khỏi phải xếp hàng. Nhìn trong dãy hàng thì tôi đứng vị trí khoảng gần 20 nên tôi không mua.
Điều làm tôi ngạc nhiên là dù xếp phía trước tôi có chừng chục người nhưng số thẻ khám bệnh lên đến hơn 100. Trong khi không phải ai cũng khám trùng khoa với nhau. Chắc hẳn trong đó đã có nhiều số thứ tự được sang tay cho “cò”. Trong suốt buổi sáng khám bệnh, tôi phát hiện nhiều người chào bán số thứ tự cho các bệnh nhân khác. Trong lúc chờ đợi trước cửa khoa, tôi hỏi thăm một người đàn ông đưa vợ đi khám bệnh. Anh ta cho hay là nhờ bỏ ra 200.000 đồng mua số thứ tự của “cò” nên anh được khám sớm.
Vậy là cho dù ở bệnh viện đã có bảng cảnh báo về những người môi giới này, nhưng lực lượng “cò” vẫn hoạt động trong nhiều năm qua. Nói bác sĩ, y tá nhân viên trong bệnh viện vô can là không thuyết phục. Bởi nếu không có sự móc nối, tiếp tay thì “cò” không thể đơn phương lộng hành.
Theo tôi, trong các vấn đề ngành y tế cần xử lý như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng phục vụ người bệnh, thì vấn đề xử lý những hoạt động môi giới phi pháp này là cần thiết, để tạo công bằng đối với người bệnh.