Thứ ba, Tháng mười một 5, 2024

Chuỗi giải chạy tạo đà “chuyên nghiệp hóa” du lịch thể thao

(SGTT) – Đã xuất hiện nhiều đường chạy, thế nhưng sự hình thành nhiều chuỗi giải chạy bộ ở Việt Nam đã khiến cho phong trào “race-cation” (nghỉ dưỡng kết hợp tham gia giải chạy) ngày càng nở rộ. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu du lịch tại địa phương tổ chức giải cũng như khả năng phát triển kinh tế, thu hút đầu tư ở các điểm đến.

Theo thống kê của The Outbox Company, năm 2023, ở Việt Nam có hơn 35 giải chạy bộ quy mô lớn rải đều từ Bắc vào Nam, ước tính khoảng 190.000 người tham dự các giải (từ 8-2022 đến 8-2023), trong đó có hơn 5 giải chạy thu hút trên 10.000 vận động viên.

Cơ hội phát triển du lịch từ giải chạy

Race-cation (viết tắt từ race và vacation) có thể hiểu cuộc đua nghỉ dưỡng hay việc thi đấu có kết hợp du lịch tại địa phương hoặc ở một điểm đến khác. Race-cation travelers là những người trong độ tuổi từ 25-35, được đánh giá là tệp khách khá phổ biến và tiềm năng của những giải chạy. Outbox cũng chỉ ra ước tính khoảng 79% người tham gia các giải chạy đều có công việc toàn thời gian.

Vì nhiều lý do như muốn tận hưởng phong cảnh, trải nghiệm ở nơi khác mình sống; nâng cao thành tích cá nhân; cải thiện tình trạng sức khỏe; giao lưu kết nối với cộng đồng; lan tỏa những năng lượng tích cực đến người khác… đã thúc đẩy họ tham gia các giải chạy bộ hiện nay, giám đốc nghiên cứu The Outbox Company đánh giá.

Một vài phân tích, khảo sát về mức chi tiêu của du khách khi tham gia đường chạy. Ảnh: The Outbox Company

Ông Ngô Mạnh Cường, Phó ban tổ chức hệ thống giải VnExpress Marathon sở hữu khoảng 7 giải chạy ở các tỉnh thành khác nhau, nhận định du lịch phát triển từ giải chạy đã đạt nhiều kết quả cũng như đem lại hiệu ứng tích cực cho địa phương. Tuy vậy, làm thế nào để thu hút được khách quốc tế, giữ chân người tham gia giải chạy có kế hoạch tham quan khám phá, đòi hỏi ở chỗ truyền thông hiệu quả, tạo ra những sản phẩm du lịch mới kết hợp cùng nhau. Theo ông, dù giải đấu có chất lượng cao như thế nào nhưng không có công tác quảng bá mạnh mẽ, hình ảnh thương hiệu uy tín, điểm đến hấp dẫn thì khó “lọt vào mắt” công chúng.

Chính vì thế, ngoài công tác làm giải, ban tổ chức kết hợp với chính quyền địa phương tìm ra điểm đặc biệt để có “mặt hàng” du lịch riêng. Chẳng hạn, ở giải diễn ra tại Huế, tất cả người tham gia sẽ được miễn phí vé vào cổng tham quan di tích. “Chúng tôi tìm và đóng gói những dịch vụ mới, gói tiện ích đi kèm thành sản phẩm riêng để giới thiệu điểm đến cho rộng rãi vận động viên, khiến họ có thêm chi tiêu khác về lưu trú, ẩm thực, ăn uống, bên cạnh góp mặt tại một đường đua”, ông Cường nhấn mạnh.

Việc quảng bá song song giữa giải chạy và điểm đến có sức cộng hưởng cho du lịch. Cụ thể, ngay sau khi giải chạy giữa đêm ở TPHCM diễn ra, chương trình đã có phần điểm lại những khung cảnh nổi bật, nét đặc sắc của thành phố về đêm để giới thiệu với du khách. Ông Cường nói thêm chính nét riêng từ địa phương kết hợp với nỗ lực của các cơ sở ban ngành, liên kết công ty du lịch trong hệ sinh thái, đơn vị đã đóng gói được nhiều tour chuyến, combo đặc biệt dịch vụ lưu trú, hàng không, ăn ở, điểm tham quan… để “chào hàng” loại hình thể thao du lịch.

Giải chạy sôi động thu hút runner khắp mọi miền tham gia. Ảnh: VnExpress Marathon

Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, ông Lê Trương Hiền Hòa cũng đồng tình giải chạy đã giúp thành phố có thêm những ngày hội, sự kiện thể thao bên cạnh sự kiện về văn hóa như lễ hội áo dài, lễ hội sông nước… để khiến TPHCM thành điểm dừng chân hấp dẫn.

Qua khảo sát của Outbox, hiện ngân sách tham gia giải chạy của vận động viên thường phổ biến ở mức 5-10 triệu đồng với độ dài lưu trú 2-3 đêm khi kết hợp với du lịch, trong đó lưu trú là hạng mục được chi tiêu nhiều nhất. Toursim Economics dẫn ra hơn 65% chi phí của du khách tham gia các sự kiện thể thao dành cho dịch vụ ăn uống, giải trí, lưu trú và bán lẻ. Mức chi của khách du lịch thể thao năm 2021 trên thế giới khoảng 40 tỉ đô la Mỹ và khoảng 3,7 tỉ đô từ chi tiêu của đơn vị tổ chức sự kiện.

Thêm chuỗi để “chuyên nghiệp hóa” phong trào

Mới đây, chuỗi giải chạy VNMS (Vietnam Nexus Marathon Series) do công ty Nexus Sport Event vận hành vừa mới ra mắt, với hệ thống 6 giải có khoảng 25.000 – 30.000 người tham gia mỗi năm ở địa bàn khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ. Để thành lập chuỗi, ông Nguyễn Tử Anh, CEO của công ty cho biết một trong những yếu tố thiết yếu là cần đủ số lượng giải cũng như có nguồn lực tạo sự khác biệt. Ở Việt Nam đã có nhà tổ chức mở chuỗi, điều này không mới nhưng sẽ là xu thế của phong trào chạy bộ khi tích hợp tính năng xếp thứ hạng, tính điểm, ghi nhận thành tích của runner trực tuyến trên hệ thống giải.

Ông nói thêm ý nghĩa việc mở chuỗi góp phần tiệm cận mô hình đường chạy đạt chuẩn quốc tế, chuẩn hóa các công tác vận hành giải phong trào trong nước cũng như nuôi dưỡng cộng đồng qua hệ thống chăm sóc runner mới, những người có thành tích cao; san sẻ nguồn lợi với cộng đồng giúp trẻ em vùng sâu vùng xa, mọi người có cơ hội được chạy như nhau; góp phần vào hành trình đưa vận động viên Việt Nam có mặt nhiều hơn và đạt thành tích tại những giải đấu quốc tế. Mục tiêu xa hơn của VNMS khi lan tỏa phong trào là mong muốn Việt Nam có khoảng 1% dân số chạy bộ.

“Thực tế bộ tiêu chí tổ chức giải hay chuỗi hiện nay vẫn không có chuẩn nào cụ thể mà mọi thứ vẫn còn ở mức định lượng, tự học hỏi lẫn nhau. Ta nhìn nhận quốc gia nào vận hành đường chạy tốt rồi làm theo. Song việc thiết lập chuỗi giải chạy cũng là một trong nhiều bước chuẩn hóa các công tác làm giải phong trào trong nước”, ông Tử Anh chia sẻ.

Trẻ em, người lớn cùng tham gia đường chạy Đất Sen Hồng Marathon. Ảnh: BTC

Tuy giải chạy ngày càng phát triển về số lượng cũng như hình thức thể hiện, thu hút thêm nhiều nhà tài trợ đồng hành cùng giải, nhưng câu chuyện kinh doanh giải từ việc bán vé vẫn còn gặp không ít khó khăn từ phía ban tổ chức. Đại diện VNMS cho rằng doanh thu nhận được từ việc bán vé chỉ chiếm khoảng 20-50% tùy vào giải và vẫn chưa đáp ứng được chi phí vận hành chung, chính vì thế nhà làm giải phải phụ thuộc vào nhà tài trợ, đơn vị đồng hành khác.

“Hệ thống giải chạy ở Việt Nam còn chưa nhiều, nhưng để cạnh tranh, phát triển công bằng vào nhiều năm tới khi phong trào chạy bộ đạt đỉnh, chúng ta cần hiệp hội tổ chức giải chạy để đứng ra bảo vệ quyền lợi của runner (người chạy bộ), có chế tài, tiêu chí rõ ràng để đóng gói quy trình làm giải ngày càng chuyên nghiệp, ổn định”, đại diện Nexus hy vọng.

Hoàng An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Giải chạy phong trào ngày càng chú trọng vào chất lượng

0
(SGTT) – Hiện nay không khó để tìm các giải chạy phong trào tổ chức ở nhiều địa phương khác nhau. Tuy vậy, trong...

Nữ kế toán Việt chinh phục cự ly chạy siêu dài...

0
(SGTT) – Không dừng lại ở những giải đấu có cự ly chạy lên đến 160km, tháng 9 vừa qua, nữ runner Lê Phương...

Hơn 10.000 vận động viên từ 42 quốc gia tham gia...

0
(SGTT) - Ngày 22-9-2024, Giải Marathon Quốc tế Hà Nội Techcombank mùa thứ 3 đã diễn ra với sự tham gia của hơn 10.000...

10.000 vận động viên sẽ tham gia giải marathon Đất Sen...

0
(SGTT) - Tại Quảng trường Văn Miếu ở TP Cao Lãnh vào ngày 12,13-10, giải Marathon Đất Sen Hồng Đồng Tháp 2024 - Cúp...

Du lịch Đà Nẵng tạo ‘lực hấp dẫn’ từ các sự...

0
(SGTT) - Đà Nẵng chuẩn bị tổ chức giải golf quốc tế năm thứ 3 liên tiếp với kỳ vọng đây sẽ là điểm...

Sôi động giải chạy bộ vượt chướng ngại vật cùng Dai-ichi...

0
(SGTT) – Sáng nay, 10-8, tại công viên Ravopark, phường Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức, TPHCM, Dai-ichi Life Việt Nam đã tổ chức...

Kết nối