(SGTT) - Đoàn khách khổng lồ 4.500 người từ Ấn Độ đã chia thành nhiều đoàn đến Việt Nam trong thời gian từ ngày 28-8 đến 7-9. Sức hấp dẫn của thị trường khách Ấn lại được hâm nóng một lần nữa, sau những đám cưới đình đám đầu tiên của giới siêu giàu Ấn Độ tại Phú Quốc và Đà Nẵng cách đây năm năm. Hơn lúc nào hết, ngành du lịch Việt Nam cần quan tâm đến sức mua của khách lẻ và tiềm năng của thị trường MICE (hội họp, khen thưởng, hội nghị và triển lãm) và du lịch đám cưới từ xứ sở này.
- Loạt tour du lịch miền Bắc bị hoãn, hủy do ảnh hưởng mưa lũ
- Bàn chuyện xây dựng cơ sở dữ liệu và tiêu chí thực hành du lịch Net Zero
Việt Nam là điểm đến được khách Ấn Độ tìm kiếm nhiều nhất trên Google từ năm 2023 và là thị trường du lịch nước ngoài tăng với tốc độ phi mã trong sáu tháng đầu năm nay.
Việt Nam đang là điểm đến được ưa thích nhất
Năm 2024, dự kiến người Ấn Độ sẽ chi khoảng 18,82 tỉ đô la cho du lịch nước ngoài. Con số này sẽ tăng lên 55,39 tỉ đô la vào năm 2034. Theo trang The Economic Times của Ấn Độ, hai hãng nghiên cứu Nangia NXT và Ficci đã chỉ ra các nguyên do, gồm sự phổ biến của các tour trọn gói trong năm 2024, thu nhập khả dụng của giới trung lưu tăng, nhiều nước nới lỏng thị thực và sức ảnh hưởng của truyền thông xã hội.
Công cụ tìm kiếm Google cũng nói rằng du khách Ấn Độ nằm trong tốp 10 danh sách du khách các nước tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam trong sáu tháng đầu năm, xếp sau Mỹ, Nhật và Úc.
Báo cáo của hãng thẻ Mastercard có nhan đề “Xu hướng du lịch năm 2024: Phá vỡ ranh giới” nói rằng lượng khách Ấn đến Việt Nam trong sáu tháng đầu năm nay tăng 248% so với con số cùng kỳ năm 2019. Mỹ và Nhật Bản xếp tiếp theo với tốc độ tăng lần lượt là 59% và 53%.
Các đường bay kết nối giữa các thành phố Ấn Độ và các điểm đến Việt Nam cũng tấp nập khai trương. Đi đầu là VietJet Air. Từ tháng 9-2022 đến nay, hãng này đã khai trương 17 đường bay thẳng, kết nối TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Phú Quốc với các thành phố Ahmedabad, Hyderabad, Bengaluru, Mumbai và New Delhi. Hãng hàng không quốc gia Air India của Ấn Độ có các chuyến bay hàng ngày đến TPHCM và Hà Nội.
Số liệu của ngành du lịch Việt Nam cho thấy, hơn 392.000 lượt khách Ấn Độ đến Việt Nam trong năm 2023, xếp thứ chín trong tốp 10 các nước có số lượt du khách đến Việt Nam nhiều nhất. Trong sáu tháng đầu năm nay, số lượt khách Ấn Độ đạt 231.000 lượt khách, tăng 164% so với cùng kỳ. Khách Ấn xếp hạng tám trong sáu tháng đầu năm và nhảy lên hạng bảy trong tháng 7 vừa rồi.
Nhưng phải bình tĩnh mà nhìn bức tranh tổng thể. Số khách Ấn đến Việt Nam dù tăng phi mã trong sáu tháng đầu năm 2024 cũng chỉ chiếm 1-2% tổng lượt khách Ấn đi du lịch nước ngoài. Khoảng hơn 21 triệu lượt khách Ấn đã đi du lịch nước ngoài trong năm 2022. Ngành du lịch Việt Nam vào thời điểm này cần nhìn sâu hơn vào sức mua của khách lẻ và tiềm năng của thị trường MICE (hội họp, khen thưởng, hội nghị và triển lãm) và du lịch đám cưới từ Ấn Độ.
Du lịch đám cưới đã manh nha năm 2019
Cuối năm 2018, đầu năm 2019, Sở Du lịch Kiên Giang và Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ mời chào thành công cặp đôi tỉ phú trẻ tuổi Ấn Độ tổ chức đám cưới với 800 khách mời tại Phú Quốc. Chú rể Rushang Shah và cô dâu Kaabia Grewal đã thuê hai chuyến bay của VietJet để thành viên trong gia đình, người thân và bạn bè đến dự lễ cưới siêu sang của họ.
Đội ngũ đầu bếp và phụ bếp gồm 50 người với các loại thực phẩm hầu hết từ Ấn Độ đưa sang. Đội ngũ phục vụ 230 người đến từ nhiều nước. Riêng đội ngũ giải trí gồm nhạc công, DJ, ca sĩ, vũ công… lên đến 150 người. Họ đã thuê toàn bộ khu nghỉ dưỡng 5 sao JW Marriott Emerald Bay trong một tuần.
Sau đó, một vài đám cưới của những người siêu giàu Ấn Độ được tổ chức ở Đà Nẵng và một vài nơi khác. Nhưng mọi chuyện đã tạm lắng vì Covid-19 và chỉ gần đây mới rục rịch trở lại.
Trong bốn ngày từ ngày 26 đến 28-8, một cặp đôi Ấn Độ đã thuê toàn bộ hai khu nghỉ dưỡng 5 sao ở Lăng Cô, Thừa Thiên – Huế để tổ chức đám cưới với 400 khách mời. Cặp đôi vốn là chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng và thời trang.
Hàng năm, người giàu Ấn Độ tổ chức khoảng 5.000 đám cưới siêu sang như trên ở nước ngoài, theo Aero Times. Mỗi đám cưới tốn kém này thường có ngân sách từ 250.000-500.000 đô la, tương đương với thị trường 1,25-2,5 tỉ đô la.
Tại hội thảo ở Nha Trang hôm 28-8, ông Tushar Garg, Phó Lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM, nói rằng có những đám cưới siêu giàu Ấn Độ chi tiêu đến vài triệu, vài chục triệu đô la. Thị trường tổ chức đám cưới siêu sang ở nước ngoài của Ấn Độ có quy mô đến 5 tỉ đô la mỗi năm. Và phía Ấn Độ sẵn sàng làm cầu nối, hỗ trợ các địa phương Việt Nam thu hút tổ chức các sự kiện như vậy.
Một ước tính khác cho thấy quy mô khác. Nếu tính luôn dịch vụ bay thuê bao (charter), thị trường giải trí và biểu diễn với vô vàn cái khác có liên quan, thị trường đám cưới nhà giàu và siêu giàu ở Ấn Độ lên đến 60 tỉ đô la.
Khách – chủ hiểu nhau đến đâu?
Cục Hải quan TPHCM đánh giá, du khách Ấn Độ hiện đã vượt các nhóm khách truyền thống Âu – Mỹ về chi tiêu, đứng đầu trong nhóm du khách xin hoàn thuế khi rời sân bay Tân Sơn Nhất. “Nhóm khách này mua sắm khá rộng rãi và mới xuất hiện trong năm nay”, Cục Hải quan cho biết.
Khách Ấn Độ hiện là mục tiêu của ngành du lịch lữ hành các tỉnh thành khắp Việt Nam. Khi các vị khách Ấn đang thăm thú các điểm đến ở Hà Nội, Ninh Bình và Quảng Ninh, thì họ là đề tài của một cuộc họp tại TPHCM và hai hội thảo du lịch tại Nha Trang và Đà Lạt.
Hôm 29-8, tại cuộc họp báo thường kỳ về tình hình kinh tế xã hội TPHCM, Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM Lê Trương Hiền Hòa đã “cải chính” rằng quy mô của đoàn khách của Tập đoàn dược phẩm đa quốc gia Sun Pharmaceutical của Ấn Độ lên đến 7.500 người. Trong đó số khách từ Ấn Độ là 4.500, còn lại là nhân viên của tập đoàn từ châu Âu, châu Á và châu Phi. Đây là đoàn khách MICE lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.
Đoàn khách Ấn Độ chọn thăm Hà Nội, Ninh Bình và Quảng Ninh. Tại buổi họp báo, ông Hòa đã lý giải rằng đoàn Ấn Độ muốn chọn thăm thủ đô trước, sẽ chọn các địa phương khác trong các lần sau. Ông cũng khẳng định rằng TPHCM đủ khả năng đón những đoàn khách lớn nhất như vậy. Thành phố sẽ tổ chức hai cuộc hội thảo về thị trường khách Ấn Độ trong thời gian tới. Cùng thời điểm, Khánh Hòa và Lâm Đồng cũng tổ chức hai cuộc hội thảo về thu hút du khách Ấn Độ tại Nha Trang và Đà Lạt lần lượt trong hai ngày 28 và 29-8.
Khách Ấn Độ và chủ nhà Việt Nam hiểu nhau đến mức độ nào?
Khách nhà giàu Ấn thường chọn các địa điểm quen thuộc như Phuket ở Thái Lan, Bali ở Indonesia và các hòn đảo thơ mộng ở Hy Lạp và Tây Ban Nha. Theo lời kể của ông Phạm Sanh Châu, cựu đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, năm 2019 giới tỉ phú Ấn lúc đó thường nói “không biết Việt Nam thế nào” nhưng luôn yêu cầu tổ chức đám cưới thuộc loại linh đình nhất năm. Và họ rất kén chọn. Chẳng hạn gia tộc Shah – gia đình tổ chức đám cưới siêu giàu Ấn Độ đầu tiên ở Phú Quốc – đã khảo sát đến 30 quốc gia và rồi mới chốt hạ.
Khách du lịch trung lưu Ấn Độ có đặc điểm nổi bật là thích đi biển và mua sắm, nhất là mua vàng tại Dubai và hàng xa xỉ khác ở Singapore, theo lời ông K. Srikar Reddy – cựu Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM. Điều này cũng phù hợp với khảo sát của Colliers International vào năm 2019, với năm điểm được yêu thích nhất là Phuket (Thái Lan), Bali (Indonesia), Dubai (Các tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất – UAE), Singapore và Langkawi (Malaysia).
Như vậy, TPHCM phải thu hút khách đến mua sắm, Cam Ranh hay Nha Trang phải quyến rũ khách đến tắm biển và khí hậu Đà Lạt phải thật sự mát mẻ để khách có kỳ nghỉ mát, trốn nóng thật thú vị. Một nhà báo gốc Ấn đã viết trên Nikkei Asia rằng Đà Lạt hay Tam Đảo rất lý tưởng cho kỳ trốn nóng khi thời tiết ở xứ này nóng thiêu người với nhiệt độ có lúc lên đến 40-50 độ C hồi tháng 4-2024 vừa qua.
Nhưng trên hết là chính sách visa tiện lợi, nếu được thì Việt Nam miễn visa cho công dân Ấn Độ – ông Reddy trao đổi với Kinh tế Sài Gòn vào thời điểm 2019.
Hai cuộc hội thảo ở Nha Trang và Đà Lạt tuần rồi cũng nhắc lại ý này. Hiện Việt Nam chỉ miễn visa nhập cảnh trong 45 ngày cho 11 nước châu Âu và hai nước châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc.