(SGTT) - Trước mắt, các cấp chính quyền của từng địa phương muốn phát triển loại hình du lịch nông nghiệp cần phối hợp với các doanh nghiệp du lịch cũng như các điểm đến nông nghiệp. Cần có sự chuẩn bị chu đáo để du lịch nông nghiệp phát triển bền vững, thật sự “xanh”.
- Du lịch nông nghiệp sẽ là xu hướng sau đại dịch Covid-19
- Xu hướng du lịch nông nghiệp hậu đại dịch Covid-19 có phải là lợi thế của miền Tây sông nước
Du lịch nông nghiệp là xu hướng phát triển bền vững của du lịch thế giới hiện nay, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 hay trong cả trường hợp chúng ta phải cùng sống chung lâu dài với dịch bệnh.
Tại Việt Nam cũng đã có những mô hình du lịch nông nghiệp thành công, mang lại hiệu quả lớn về kinh tế và xã hội; trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 cũng nhấn mạnh “du lịch nông nghiệp - nông thôn được xác định là lĩnh vực góp phần phát triển kinh tế nông thôn”.
Du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch tạo ra sản phẩm phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Khách du lịch, nhất là khách đến từ châu Âu, châu Mỹ rất thích các tour nông nghiệp hay có yếu tố nông nghiệp.
Các tour phổ biến phục vụ đối tượng khách này tại Việt Nam có tour một ngày làm nông dân, trải nghiệm hoạt động trồng lúa, bắt cá, đi cày, đi bừa, cưỡi xe bò, xe trâu, ở nhà dân… hay tham gia vào các hoạt động trong nông trại như trồng nho và thử rượu vang, hái cà phê, hái chè ...
Đối với những du khách đến từ những nền văn hóa khác biệt, việc được tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá những đồ vật được sử dụng trong đời sống hàng ngày của bà con nông dân là những điều rất thú vị.
Hiện ở Việt Nam có những sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa nông nghiệp các vùng miền trải dài từ Bắc tới Nam đã được hình thành, thu hút cả du khách trong và ngoài nước và nhiều công ty lữ hành đã xây dựng và triển khai trong các chương trình tour tham quan của mình nhiều tour du lịch nông nghiệp điển hình như tour tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), tour tham quan nông trường Mộc Châu (Sơn La), tour tham quan làng rau Trà Quế, làng chài Trà Nhiêu (Quảng Nam), tour du lịch canh nông Đà Lạt (Lâm Đồng), tour du lịch miệt vườn ở đồng bằng sông Cửu Long…
Mô hình này đã thật sự hiệu quả giúp người nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp kết hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, học tập… mang lại hiệu quả cao cho cả hai ngành nông nghiệp và du lịch.
Nhưng đã đến lúc, chúng ta cần có sự chuẩn bị chu đáo để du lịch nông nghiệp phát triển bền vững, thật sự “xanh”. Việc xây dựng và triển khai các sản phẩm du lịch nông nghiệp độc đáo, đặc trưng của từng vùng miền từ Nam tới Bắc, từ miền núi xuống đồng bằng dành cho cả du khách Việt Nam và quốc tế dựa trên khái niệm về du lịch nông nghiệp với một số nội dung chính.
Cụ thể, để xây dựng khai thác sản phẩm du lịch nông nghiệp hiệu quả, cần có sự kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp, thu hút du khách đến tham quan các hoạt động liên quan đến nông nghiệp, tăng thêm ngày lưu trú và sử dụng dịch vụ; tạo cho du khách cơ hội giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông; thưởng thức ầm thực xanh, ẩm thực “nhà nông”; mua sắm đặc sản tiêu biểu là các sản phẩm OCOP.
Trước mắt, các cấp chính quyền của từng địa phương muốn phát triển loại hình du lịch nông nghiệp cần phối hợp với các doanh nghiệp du lịch cũng như các điểm đến nông nghiệp phải chung tay cùng thực hiện một số việc như hoàn thiện việc quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp từ cấp quản lý nhà nước; tăng cường xây dựng hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất nông nghiệp; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp du lịch về du lịch nông nghiệp và đào tạo kiến thức du lịch cho nông dân; tăng cường kêu gọi đầu tư xây dựng và phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao, trang trại theo đúng tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường mở rộng thị trường và tuyên truyền quảng bá cho các chương trình du lịch nông thôn theo hướng bền vững; đồng thời học tập các mô hình du lịch nông nghiệp đã thành công ở các nước trên thế giới và ở các tỉnh, thành phố trong nước.
Xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch nông nghiệp không những làm tăng trải nghiệm thực tế cho du khách trong hành trình tour; chung tay bảo tồn thiên nhiên, văn hóa, di sản; tạo cơ hội việc làm cho người dân ở nông thôn; góp phần vào phát triển du lịch bền vững; nâng cao ý thức cho cộng đồng mà còn cách hành động thiết thực để khẳng định hình ảnh Việt Nam xanh, đẹp, thân thiện cho bạn bè quốc tế như lời bộ trưởng Bộ NN và PTNN Lê Minh Hoan đã nói: “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn không chỉ vì lợi ích kinh tế, mà còn là niềm tự hào quê hương, xứ sở”.
Xu hướng du lịch xanh đang ngày càng nhận được sự quan tâm của du khách cũng như các nhà làm du lịch trong những năm gần đây vì loại hình này mang lại nhiều trải nghiệm độc đáo cho du khách và góp phần phát triển nền kinh tế nông nghiệp.Vào lúc 14:30 ngày mai, thứ Năm 12-8-2021, Sài Gòn Tiếp Thị và Sáng kiến Điểm đến an toàn sẽ thực hiện chương trình tọa tàm trực tuyến với chủ đề: Xu hướng du lịch nông nghiêp hậu đại dịch Covid-19.Chương trình sẽ được livestream trên fanpage Sài Gòn Tiếp Thị, fanpage và youtube của Đài truyền hình Hậu Giang. Mời quý độc giả cùng theo dõi.
Phan Yến Ly
Bà Phan Yến Ly là chuyên gia du lịch với hơn 30 làm việc trong ngành. Hiện bà Yến Ly đang là giám đốc về nghiên cứu và phát triển sản phẩm, trong đó có sản phẩm du lịch của một công ty lớn đóng trên địa bàn TPHCM.