Thứ hai, Tháng mười một 18, 2024

Chưa thông với quỹ phát triển du lịch

ĐÀO LOAN -

Chính phủ vừa giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan hoàn thiện đề án thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, trình Thủ tướng xem xét, quyết định trong năm 2015. Thế nhưng, doanh nghiệp trong ngành còn nhiều băn khoăn với với việc này.

Tiền chung, tiền riêng

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch sẽ được dùng cho các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch, phát triển mở rộng thị trường; hoạt động của văn phòng đại diện du lịch Việt Nam tại các thị trường; đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch... Dự kiến, quỹ có quy mô 2.000-2.500 tỉ đồng sau năm năm thành lập, trong đó 30% lấy từ ngân sách nhà nước, 70% từ xã hội hóa và một số khoản thu từ du lịch.

Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch được lập bằng cách thu từ du khách quốc tế sử dụng dịch vụ lưu trú tại khách sạn 3 sao trở lên.
Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch được lập bằng cách thu từ du khách quốc tế sử dụng dịch vụ lưu trú tại khách sạn 3 sao trở lên.

Bộ đề xuất lập quỹ bằng cách thu từ du khách sử dụng dịch vụ lưu trú, thu 10.000-20.000 đồng/khách quốc tế/đêm đối với phòng từ 3 sao trở lên. Sau hai năm, sẽ áp dụng với cả khách nội địa và tất cả các loại khách sạn, mức thu sẽ được tính toán sau. Ngoài ra, quỹ còn có nguồn thu từ đóng góp của doanh nghiệp, cá nhân...

Giới doanh nghiệp và các hiệp hội du lịch đều bất ngờ trước đề xuất này. Hầu hết các ý kiến cho rằng, với những đề xuất ảnh hưởng trực tiếp đến tài chính và hoạt động của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nên tham khảo ý kiến của những người bị tác động trực tiếp. “Có quỹ lớn như vậy thì sẽ có tiền để làm những chương trình tiếp thị lớn, nhưng tôi thực sự bất ngờ về việc thành lập quỹ. Tôi hoàn toàn không có một thông tin nào trước khi báo chí đưa tin”, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Công ty Du lịch Viet Excursions, cho biết.

Thực ra, tại các hội thảo gần đây, mỗi khi cơ quan quản lý than phiền về việc thiếu kinh phí xúc tiến du lịch, một số doanh nghiệp cho rằng có thể thu theo công thức 1 đô la Mỹ/khách quốc tế. Song, cũng có doanh nghiệp nói đó chỉ là ý kiến riêng lẻ. Một khi cơ quan quản lý đã làm đề án trình Chính phủ để thực hiện thì nhất thiết phải có sự đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp.

Dựa trên kế hoạch của bộ thì ngân sách nhà nước chỉ đóng góp vào quỹ một phần, số còn lại lấy từ doanh nghiệp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp, ngoài việc chi cho các hoạt động của mình, mỗi năm đều có khoản riêng dành cho tiếp thị, xây dựng hình ảnh nhưng với tiêu chí rõ ràng cho từng năm, nếu không hiệu quả, khoản này sẽ bị cắt. Còn việc bỏ thêm tiền vào các hoạt động chung của ngành thì chưa biết hiệu quả ra sao. Nếu các hoạt động chung không mang lại lợi ích, doanh nghiệp có quyền từ chối đóng quỹ hay không?

Một nỗi băn khoăn khác là vấn đề đảm bảo công bằng trong việc thu quỹ, bởi việc thống kê khách sạn nào, mỗi năm bán bao nhiêu phòng là rất khó! Rất có thể sẽ xảy ra tình trạng doanh nghiệp đóng nhiều tiền thì sẽ có tiếng nói lớn. “Tại sao Chính phủ không trích từ thuế của ngành du lịch cho quỹ này? Chúng ta cần nhiều tiền nhưng cách thu phải minh bạch, phải bảo đảm công bằng cho doanh nghiệp và tránh tác động đến du khách”, ông Trần Xuân Hùng, Giám đốc Công ty Du lịch Viking, nói.

Đồng quan điểm, ông Đặng Huy Hải, Phó tổng giám đốc khách sạn New World Sài Gòn, nói: “Muốn phát triển thì phải có đầu tư. Chính phủ nên trích lại tiền thuế do doanh nghiệp du lịch đóng để gây quỹ cho ngành phát triển để tiếp tục có thu”.

Kinh nghiệm từ một số nước như Singapore hay Hàn Quốc, họ có nguồn quỹ phát triển du lịch đến vài chục triệu đô la Mỹ, đều do chính phủ trích từ doanh thu của ngành du lịch. Họ có cơ quan quản lý nguồn quỹ, có mục tiêu, có kế hoạch chi tiêu cụ thể cho từng hoạt động, từng loại đối tượng, và tất cả được công bố rõ ràng để doanh nghiệp đăng ký nhận hỗ trợ.

Cần sự thay đổi

Với việc thành lập quỹ, nhiều người hy vọng đây sẽ là nguồn cung cấp tài chính lớn cho các hoạt động quảng bá, xúc tiến, phát triển du lịch, nhưng đồng thời cũng cho rằng chưa dám chắc về hiệu quả mang lại. Cách dùng tiền mới là bước khó khăn và quan trọng nhất giúp quỹ tồn tại, phát huy hiệu quả và tạo dựng lòng tin nơi doanh nghiệp.

Hiện nay, ngành du lịch Việt Nam chỉ có khoảng 3 triệu đô la Mỹ mỗi năm cho các hoạt động quảng bá hình ảnh. Những người trong ngành cho rằng nếu vẫn với cách làm cũ thì dù nguồn quỹ có tăng gấp mười lần cũng khó có hiệu quả.

Theo ông Xuân Anh của Viet Excursions, du lịch Việt Nam quảng bá rộng nhưng chưa sâu, chưa bắt kịp với xu thế mới của tiếp thị. Ngành du lịch chưa có nhiều hoạt động đi trực tiếp đến những hãng lữ hành đưa khách đến Việt Nam, thậm chí khi tổ chức sự kiện ở nước ngoài cũng chưa xác định được nên làm ở nơi nào.

Phần lớn các chương trình quảng bá du lịch Việt Nam vẫn là tham dự hội chợ nước ngoài, trải dài từ Thái Lan, Singapore, Philippines, đến Trung Quốc, Anh, Nga... Có ba chương trình phát động thị trường được thực hiện ở Indonesia, Nhật Bản và Trung Quốc. Cách khác nữa là mời một số cơ quan truyền thông quốc tế từ Tây Âu, Nga, Indonesia, Malaysia, Nhật Bản... đến tìm hiểu du lịch Việt Nam.

Một doanh nghiệp cho rằng chương trình như vậy là quá dàn trải và chưa thay đổi so với những năm trước. Trong khi đó, các cơ quan quản lý du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản hay Indonesia đã bắt tay với những doanh nghiệp du lịch tại các thị trường cần phát triển để cùng tạo sản phẩm, tài trợ chi phí tiếp thị... nhằm tăng hiệu quả quảng bá hình ảnh cũng như mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp và ưu đãi cho du khách.

Bà Dương Thanh Thủy, Chủ tịch Tập đoàn Trung Thủy, cho rằng cần phải có sự thay đổi toàn diện thì mới mong vực lại ngành du lịch, nhất là mảng du lịch quốc tế đã giảm liên tục trong một thời gian dài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Dã quỳ khoe sắc tại vườn quốc gia Ba Vì

0
(SGTT) - Khoảng tháng 11 hằng năm, khi tiết trời chuyển mình sang Đông, vườn quốc gia Ba Vì lại khoác lên mình "tấm...

Từ ngày 1-1-2025, bỏ xét nghiệm nồng độ cồn khi khám...

0
(SGTT) - Theo thông tư mới của Bộ Y tế, kể từ đầu năm 2025, khi thực hiện khám sức khoẻ, tài xế không...

Trung tâm TPHCM lên đèn, người dân xuống phố đón Giáng...

0
(SGTT) – Dù hơn một tháng nữa mới đến Giáng sinh, nhưng nhiều trung tâm thương mại tại TPHCM đã được trang trí rực...

Ghé thăm Zurich ngày cuối Thu

0
(SGTT) - Zurich - thành phố lớn nhất của Thụy Sĩ hấp dẫn du khách nhờ không gian thanh bình, kiến trúc cổ kính...

FoBe mang trải nghiệm đặc sắc đến Cake & Dessert Showcase...

0
Vào ngày 6-11-2024, tại Hà Nội, Công ty FoBe và thương hiệu Arla Pro đã phối hợp và tổ chức thành công sự kiện...

Bữa trưa đầu tuần với miến nấu kim chi

0
(SGTT) – Kết hợp sợi miến dai giòn và kim chi đậm đà hương vị, đầu bếp sáng tạo thành món miến nấu kim...

Kết nối