Chính Phong thực hiện -
Ngày càng có nhiều cảnh báo về mua bán, sử dụng các đồng tiền điện tử mã hóa như Bitcoin, Onecoin nhưng số lượng người tham gia vào hoạt động này vẫn gia tăng. Để hiểu rõ về bản chất các đồng tiền điện tử này, Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Tuấn Minh, chuyên gia tài chính tiền tệ từ Viện Chiến lược và chính sách khoa học công nghệ.
SGTT: Nhiều ý kiến cho rằng những loại tiền điện tử như Onecoin, Bitcoin sẽ là tương lai giao dịch của thế giới thay cho những đồng tiền truyền thống hiện tại, như những tiến bộ về khoa học công nghệ đã dẫn đến việc máy ảnh số thay máy ảnh phim, điện thoại thông minh thay điện thoại thông thường?
- Ông Đinh Tuấn Minh: Nói cái gì là tương lai thì cũng võ đoán, nhưng con người luôn thử nghiệm những cái mới. Hàng ngàn thử nghiệm thất bại mới có một thử nghiệm thành công. Cái gì hữu dụng, thuận lợi với con người, được tin tưởng thì sẽ được chấp nhận.
Đối với các phương tiện thanh toán cũng vậy, khi trước người ta dùng vỏ sò, các kim loại, vàng rồi đến giờ là các đồng tiền do các chính phủ quy định. Dù có sự can thiệp của Nhà nước vào đồng tiền làm nó lạm phát nhưng con người vẫn tin tưởng vào Nhà nước trong vai trò tạo ra sự an toàn cho đồng tiền. Chính phủ nước nào tạo ra mức độ tin tưởng lớn hơn thì đồng tiền của nước đó mạnh, đó là thứ chúng ta thấy hàng ngày.
Về tiền điện tử, để được nhiều người dùng và dần thay thế các đồng tiền truyền thống thì nó phải tạo ra sự tin tưởng cao. Đây cũng là cả một quá trình dài thử nghiệm. Khi một sản phẩm mới đưa ra, sẽ có những người sẵn sàng thử nghiệm sử dụng trước, những người chưa tin thì đứng một bên quan sát, thấy người kia an toàn thì có thể sử dụng thử. Mức độ tin tưởng tăng dần lên như vậy.
Các loại tiền điện tử cạnh tranh thu hút người đầu tư theo mô hình đa cấp bằng các chính sách lãi, thưởng, hoa hồng cho người dùng rất cao như trường hợp của Onecoin. Lợi nhuận của các loại tiền điện tử này đến từ đâu mà họ ban phát dễ dãi vậy, theo ông?
- Lợi nhuận của các đồng tiền điện tử dựa vào sự lên giá của chính những đồng tiền đó (so với đô la Mỹ, euro), như Bitcoin có lúc lên đến 1.200 đô la Mỹ/đồng. Sự lên giá của những đồng tiền này dựa vào tính thanh khoản ngày càng cao của nó và số người sử dụng ngày càng đông đảo. Giống như chứng khoán lên giá do kỳ vọng của người chơi lớn, như kinh doanh bất động sản, khi đất đai được đô thị hóa thì giá đất sẽ lên. Hoặc hiệu ứng cộng đồng càng cao thì đồng tiền càng lên giá, giống như Facebook, Google, Alibaba tăng giá trị lên hàng chục ngàn lần trong vài năm qua.
Nhưng những yếu tố đó chưa đủ. Vì dù các đồng tiền điện tử có kết nối được với MasterCard, các loại ví điện tử hay được chấp nhận thanh toán ở các nhà bán lẻ nhất định, thì người ta sống ở quốc gia nào vẫn phải bắt buộc sử dụng đồng tiền của quốc gia đó.
Đồng tiền Zimbabwe có phá giá, lạm phát đến một tỉ lần, người Zimbabwe vẫn phải dùng đồng tiền nước họ. Tức là đồng tiền mỗi nước đều có khách hàng cố định rồi. Mặt khác, chính những loại tiền điện tử trên cũng phải cạnh tranh với nhau để giành sự tin tưởng của người sử dụng nữa. Ví dụ, nếu Bitcoin phát triển mạnh thì Onecoin lại xuống giá, không còn tính thanh khoản, không đổi được sang loại tiền hoặc hàng hóa khác thì mất giá trị, không còn ai tin tưởng. 746 loại tiền điện tử, trong đó không ít loại bất minh, băm nhỏ sự tin tưởng của người đầu tư là một điều rất không tốt cho sự phát triển của loại tiền này.
Một hội thảo mời gọi đầu tư Onecoin tại TPHCM. Ảnh: Xuân Phan
Về vấn đề bảo mật, sàn Bitcoin bị hack hai lần gần đây ở Nhật Bản và Hồng Kông khiến nhiều người mất tiền. Nhưng trên thực tế ngân hàng truyền thống cũng không thể an toàn cho người giao dịch. Vậy thì không thể nói dùng tiền thật tốt hơn?
- Đúng vậy. Nhưng ngân hàng có hệ thống pháp luật đứng phía sau để đảm bảo giá trị tiền gửi và bảo vệ sao cho việc người gửi tiền bị mất tiền khó xảy ra. Còn Bitcoin hay các loại tiền điện tử chưa có định chế pháp luật đứng ra đảm bảo, chưa có định chế bảo hiểm nào sẵn sàng san sẻ rủi ro, nếu bị hack, người sở hữu đồng tiền này phải chấp nhận. Có thể khi phát triển đến một trình độ nào đó, các định chế bảo hiểm sẽ bước vào làm đồng tiền có mức độ tin tưởng cao hơn.
Tính hợp pháp của tiền điện tử như Bitcoin và Onecoin đến đâu? Liệu đến lúc nào Việt Nam công nhận tính hợp pháp của tiền điện tử? Và có nên khuyến khích điều này?
Một loại hàng hóa hay dịch vụ hữu hình, như điện thoại hay đồ ăn, phải có doanh nghiệp sản xuất ra, phải qua phân phối bán hàng và phải được Nhà nước công nhận về sự hợp pháp và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về hàng hóa. Đằng này sản phẩm là đồng tiền điện tử vô hình, không được sản xuất ở Việt Nam. Các công ty mà Bitcoin hay Onecoin đặt ở Việt Nam là các đại lý trung gian môi giới, họ làm việc pháp luật không cấm, họ được quảng cáo, họ thu hút người chơi càng nhiều càng tốt. Nhưng những nhà môi giới này không chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ. Nên nếu bị mất tiền do đầu tư đồng tiền này thì người chơi phải chấp nhận.
Còn việc công nhận tính hợp pháp của tiền điện tử thì tùy thuộc vào nhận thức về nó của từng quốc gia. Việt Nam chưa thấy được sự thiết yếu của nó thì cũng chưa cần công nhận.
[box type="warning"] Tiền điện tử ngày càng nhiều loại
Trang X-Coin.com thống kê hiện có 746 loại tiền mã hóa (crypto currency). Bitcoin có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất với hơn 9,59 tỉ đô la Mỹ, Onecoin có giá trị thứ hai với 6,664 tỉ đô la Mỹ. Giá một Bitcoin hiện là 603,75 đô la Mỹ, giá một Onecoin là 7,8 đô la Mỹ.
Bitcoin là một loại tiền tệ kỹ thuật số phân tán, được phát hành từ năm 2009. Bitcoin có thể được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối Internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào. Không có một ngân hàng trung ương nào quản lý Bitcoin và hệ thống hoạt động dựa trên một giao thức mạng ngang hàng trên Internet. Sự cung ứng Bitcoin là tự động, hạn chế, được phân chia theo lịch trình định sẵn dựa trên các thuật toán. Bitcoin được cấp tới các máy tính “đào” Bitcoin (“đào” là quá trình sử dụng sức tính của máy tính điện tử để giải thuật toán tạo ra đồng tiền mã hóa) để trả công cho việc xác minh giao dịch Bitcoin và ghi chúng vào cuốn sổ cái được phân tán trong mạng ngang hàng. Hiện ở Trung Quốc có đến hàng trăm trung tâm đầy máy tính, máy chủ, dây nối, máy lạnh dùng để “đào” Bitcoin, ngốn rất nhiều năng lượng.
Onecoin ra đời cuối năm 2014, là sản phẩm của Công ty Onecoin Ltd do bà Ruja Ignatova, người Bulgaria sáng lập. Onecoin không phân tán quản lý như Bitcoin mà giao dịch qua sàn trung tâm của công ty. Các máy chủ thực hiện việc sản xuất Onecoin đặt ở Bulgaria và Hồng Kông. Những người muốn “đào” Onecoin không phải mua hệ thống máy lớn, mất thời gian hay cần phải có kiến thức để “đào”. Họ mua “token” bằng tiền mặt, đẩy “token” lên tài khoản Onecoin của mình để “token” tự đào, sau một thời gian “đào” ra được các Onecoin mang lên thị trường giao dịch đổi lại ra tiền mặt. Hiện Onecoin áp dụng mô hình đa cấp để bán “token” với chính sách trả thưởng hậu hĩnh cho những người đi phát triển hệ thống. Rủi ro cho người chơi đồng tiền này không phân tán mà tập trung vì chỉ có một máy chủ, nếu máy này không hoạt động được, đồng nghĩa với việc người chơi đồng tiền này sẽ mất toàn bộ “token”.[/box]