Y Nguyên -
Họ nội nhà tôi nhỏ, gia phả ghi tới đời tôi mới thứ bảy; không có tiếng giàu sang quyền quý hay thông tuệ chữ nghĩa gì. Hầu như cả họ truyền đời tự cổ chí kim chỉ kiên cố mỗi cái nghề… làm ruộng!
Nói “hầu như” tất có ngoại lệ. Ngoại lệ thứ nhất là ông cố tôi. Ông cố đậu tú tài, được bổ làm xã trưởng. Thời ấy chữ nghĩa hiếm, người có chữ được trọng vọng. Cả xã mình ông cố có tú tài, đương nhiên ông được bổ nhiệm chức danh trên mà không phải chạy chọt hay nương náu bất cứ “mối quan hệ” nào. Kể cũng mở mày mở mặt!
Vậy nhưng, cái giá “mở mày mở mặt” ấy lại không hề rẻ. Ít ai biết để nuôi ông cố ăn học đến tú tài, ông cao tôi (cha ông cố) đã gần như bán sạch ruộng vườn. Gia sản còn duy nhất là túp nhà và mấy sào đất bạc màu cỏ chẳng buồn mọc. Tiếng làm xã trưởng quyền thế nhưng ông cố hiền như đất, không kiếm chác được gì ngoài chút bổng lộc còm hàng năm chưa đủ nuôi cơm. Vậy nên cảnh nhà ông bà cố cơm rau mắm thường xuyên. Vậy nên mùa gặt, để có thêm gạo ăn, bà cố phải lén đi… mót lúa.
Thường đám “bạch đinh” chuyên nghề mót lúa thì người gặt đi trước người mót theo sau. Đổ đâu lượm đó. Lanh tay lẹ mắt còn thò liềm, hớt trộm vài bông trong đám lúa chưa gặt những khi chủ ruộng ngó lơ. Làm vậy mới mau hiệu quả; ngay thẳng biết đời cha nào mót cho đầy bó? Bà xã trưởng đáng kính có cho kẹo cũng không dám cầm thúng mót xuất hiện trước “ba quân”; nói chi làm mấy trò hạ lưu kia. Chờ đồng trưa vắng, người gặt/người mót về hết, bà mới dám len lén cắp thúng ra đồng. Cặm cụi rảo, cặm cụi lượm những bông lúa cuối cùng cả thợ gặt lẫn người mót bỏ quên. Lượm quáng quàng, được bao nhiêu mừng bấy nhiêu, còn phải nhanh chóng tránh mặt đi trước buổi gặt chiều.
Nhà ông cố tôi thuộc dòng chính, giỗ nhiều. Giỗ nào, bà cố cũng chỉ dám chuẩn bị chút trái cây, dĩa bánh ngọt, ấm nước trà. Hương đèn cúng kiếng xong, đợi lưng lửng xế (qua giờ cơm trưa) mới dám đi mời khách. Khách cũng chỉ vài bậc cha chú cao niên trong tộc họ, sang cho phải phép. Bước vào cửa, gặp ông cố đã (biết rồi, khổ lắm!) xua xua tay kêu: thôi thôi, mới ăn cơm xong, không cỗ bàn gì, sang anh/chú ăn cái bánh uống chén nước là được! Có người họ hàng xa lần đầu dự giỗ, nhìn mấy cái cót lúa đầy vun nơi góc nhà ông cố, ra về bĩu môi: giàu mà keo kiệt! Ông trong họ tộc ở gần ngạc nhiên. Hỏi vỡ lẽ ra mới cười ngất: Trời, ông tưởng lúa thiệt na? Chút lúa bên trên thôi, dưới toàn trấu đấy mà.
*
* *
Ngoại lệ thứ hai chính là… con trai ông cố tôi, tức ông nội.
Cả đời ông cố gia sản chỉ có tiêu pha thôi mà không hề tích cóp. Vậy nên ông cố mất, chi phí ma chay chôn cất xong, ông nội tôi chính thức thành bần cố nông thứ thiệt!
Nghèo, lại mẹ góa con côi, cơm chưa đủ ăn nói chi chuyện học hành; ông nội tôi “dốt đặc cán mai” đúng y nghĩa đen của thành ngữ. Bù lại, nội tôi nghị lực, quyết đoán, mạnh mẽ đến hung bạo chứ không nho nhã hiền lành như ông cố. Lớn lên trong cảnh nhà sa sút, chịu khổ cực, dồn ép, hiếp đáp tứ bề; vậy nhưng nội tôi không nhụt chí. Những đêm dài không ngủ, nội đã thầm hứa với lòng: sẽ bằng mọi giá đứng lên, lấy lại những gì ông cố tôi đánh mất. Lời hứa ngỡ như không tưởng; vậy nhưng nội đã làm được. Không những làm được, nội còn làm tốt, thậm chí tốt hơn những gì đã hứa! Thức khuya dậy sớm, hùng hục làm việc không có ngày nghỉ, quần quật như trâu. Hà tiện, xà xẻo từng đồng xu, nhịn ăn nhịn mặc đến mức keo kiệt. Nội tôi chính là một điển hình khủng khiếp của “kẻ bóc lột”: bóc lột gia đình, người thân; bóc lột không thương tiếc ngay cả bản thân; tất cả chỉ đổ dồn cho một mục tiêu duy nhất: làm giàu!
Ăn nhịn làm ráng, tích cóp được chút vốn liếng, nội bắt đầu nghiên cứu cách khiến tiền đẻ ra tiền: mua lúa non, cho vay nặng lãi, cầm cố (tiến sang mua đứt) ruộng đất…. Chẳng mấy chốc nội dần khấm khá. Người quê không mấy ai biết cách làm ăn “mau thấy” như nội. Những năm hạn hán, mất mùa đói kém ở quê lại là năm nội tôi “trúng mùa”. Ruộng bỏ hoang giá như bèo, nội tung tiền ra lớp mua lớp cầm cố. Đã cầm cố thì sớm muộn cũng thành bán đứt. Chưa đầy hai mươi năm, từ bạch đinh nội nghiễm nhiên thành điền chủ, ruộng liên dây liên sở. Nhà nước đắp đập, khai mương, dẫn thủy nhập điền. Ruộng chuyển sang trồng lúa nước, hiệu quả canh tác gấp bốn gấp năm. Hoa lợi hàng năm ùn ùn đổ về nhà nội. Còn nữa, giá ruộng đất bây giờ lên cao ngất ngưởng, tài sản trong tay nội trị giá thành con số “khủng”.
Có tiền, nội bỏ ra mua chức tước cho mình, cho con. Có chức tước là có quyền thế. Tiếng tăm nhà ông Hương Bảy (tức nội tôi) dần thành lừng lẫy trong cả xã, cả tổng. Giờ chỉ có nhà nội tôi biết hiếp đáp người khác chứ người khác thì đừng mơ hão.
*
* *
Chiến tranh. Thay thế đổi thời. Cha, chú, bác tôi lần lượt qua đời vì bệnh tật, đạn bom. Bà nội đau buồn cũng đổ bệnh, ra đi. Tiền bạc, gia sản cứ vậy mà tiêu tán theo bệnh tật, tai ương. Cái hào quang “ông Hương Bảy, cự phú tổng” lừng lẫy rạng lên chưa lâu đã lụi dần rồi tắt ngấm. Cuối đời, còn mình nội cô đơn lầm lũi vào ra trong căn nhà ngói cổ năm gian. Trời cho nội một cơ thể thép, một ý chí thép để chịu đựng mọi bất hạnh dường kia mà vẫn không gục ngã. Có lần nói chuyện về nội, anh tôi bảo: tính ra, nội vẫn còn may, sống thọ tới giờ. Mẹ cắt ngang, giọng buồn: không phải may đâu; là bất hạnh lớn nhất đời nội đó con.
Mãi sau này tôi mới hiểu ra ý mẹ. Thấy vô cùng thương nội. Phải, số “trời đày”, làm chứng nhân bất đắc dĩ cho lẽ phế hưng chỉ vẻn vẹn một kiếp người. Thương, kính trọng nội nhưng tôi thích cuộc đời ông cố hơn.