(SGTTO) - Dịch Covid-19 bùng phát làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, doanh nghiệp du lịch cũng không ngoại lệ. Trước những khó khăn do dịch bệnh gây ra, các cơ sở kinh doanh homestay đã có hướng đi riêng để cầm cự.
Thu hẹp kinh doanh, tạm đóng cửa
Sở hữu 3 căn homestay tại Bình Thạnh và quận 1, TPHCM, chị Duy Liên cho biết khi dịch Covid-19 trở lại, khó khăn đợt dịch trước chưa giải quyết thì lại chồng chất thêm khó khăn khác. Chị phải từ bỏ việc kinh doanh 2 căn homestay cao cấp vốn phục vụ chủ yếu cho khách nước ngoài.
“Vì tình hình kinh doanh homestay cho phân khúc người nước ngoài không còn khả quan nữa nên tôi quyết định trả lại mặt bằng và chịu mất tiền cọc”, chị Liên nói.
Mặt khác, chị Liên vẫn cố gắng duy trì homestay còn lại vì chị cho rằng việc kinh doanh khai thác homestay là một tiềm năng của thị trường du lịch và sẽ cố gắng “trụ” đến khi Việt Nam kiểm soát được dịch.
Chị Liên bắt đầu kinh doanh homestay từ tháng 9-2019, doanh thu đều và khá ổn định cho đến khi dịch bệnh bùng phát. Chị cho biết: “May mắn là căn homestay ở Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 được chủ nhà giảm tiền thuê 10% và tôi bắt đầu lên phương án cho thuê dài hạn nên đến giờ đã tương đối ổn định”.
Theo chị Liên, quy mô của căn homestay này cũng tương đối nhỏ, trong tầm kiểm soát nên chị không phải trả thêm chi phí thuê mướn nhân viên, ngoại trừ người dọn vệ sinh hàng tuần. Do đó, chị vẫn đủ sức cầm cự được trong thời gian tới.
Tại Lâm Đồng, chị Thuý Diện, chủ cơ sở Sàn Homestay - một mô hình homestay theo kiểu nhà sàn dân dã - cho biết: “Chúng tôi tạm đóng cửa, đợi khi tình hình được kiểm soát tốt thì sẽ mở cửa lại”. Được biết, Sàn Homestay đã đóng cửa từ đợt dịch đầu tiên từ tháng 3 cho đến tận thời điểm này.
Chị Diện chia sẻ, doanh thu từ việc du khách lưu trú hoàn toàn là con số 0, tuy nhiên đây là cơ sở kinh doanh tại gia nên đỡ được phần nào chi phí phải trả để thuê nhân viên.
Ấp ủ phát triển sản phẩm dịch vụ mới
Tuy chịu nhiều khó khăn, một số chủ cơ sở homestay vẫn cố gắng cầm cự, tạo ra thu nhập bằng nhiều cách.
Trong thời gian này, chủ cơ sở Sàn Homestay vẫn canh tác nông nghiệp với các sản phẩm như cà phê, bắp, đậu, macca, chanh dây, cây ăn trái, chăn nuôi. “Chúng tôi vẫn sản xuất và bán các mặt hàng từ nông sản như cà phê, bột dầu gội thảo dược thiên nhiên, măng khô rừng. Sau khi tình hình dịch được kiểm soát tốt thì Sàn sẽ mở lại dịch vụ lưu trú”, chị Thúy Diện chia sẻ.
Theo chị Diện, rút kinh nghiệm từ dịch Covid-19 lần đầu tiên, các chủ homestay đã quyết đoán hơn để tạo thu nhập từ homestay đang dừng hoạt động, như đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh, đặc biệt là những sản phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng như kinh doanh các loại trái cây tự trồng, buôn bán gia cầm tự nuôi...
Còn đối với chị Duy Liên, vốn mang quan điểm homestay là nhà và “nhà là nơi để về” nên chị luôn chú trọng trang trí homestay mang màu sắc ấm áp và đầy đủ tiện nghi cho khách du lịch. “Sau dịch, tôi sẽ triển khai dịch vụ giặt ủi cho khách, phục vụ cà phê ăn sáng tại nhà. Tôi muốn homestay không chỉ là nơi lưu trú mà còn như ngôi nhà chung thật sự và khách hàng cảm thấy thoải mái thân thiện, an toàn, yên tâm khi đến đây”, chị cho biết.
Bên cạnh đó, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, chị Thúy Diện cho biết cơ sở lưu trú của mình cũng sẽ mở lại tour đi núi gần Sàn. Tour này do người địa phương dẫn khách đi, kết hợp dịch vụ xe chở của đồng bào dân tộc, thăm rẫy, thăm nông trại... Chị chia sẻ thêm: “Sắp tới tôi sẽ mở quán cà phê nho nhỏ để các bạn đi phượt ghé uống cà phê, tham quan mô hình sản xuất cà phê nhà làm của chúng tôi”.
Hồng Nhung