(SGTTO) - Leo đỉnh Đại Đông Sơn (Sunset Peak) để ngắm toàn cảnh hòn đảo Lạn Đầu (Lantau Island) nổi tiếng của Hồng Kông sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ cho những ai thích du lịch và mê leo núi.
Đại Đông Sơn nằm ở phía Đông đảo Lạn Đầu. Bao quanh núi là dốc cao, cỏ mọc xanh tươi, thích hợp cho hoạt động leo núi. Không gian vùng này mênh mông yên bình, tạo cho du khách cảm giác thực sự rời xa phố thị bon chen.
Đường mòn từ bờ Tây đến bờ Đông của đảo
Để đến chốn đào nguyên này, bạn phải trải qua chặng đường từ bờ Tây đến bờ Đông của đảo, theo con đường mòn. Bạn có thể chọn xuất phát từ điểm cực Tây Pak Kung Au (cao 333m so với mực nước biển) hoặc từ điểm Nam Shan (cao 100m so với mực nước biển) để đi về phía Đông của đảo.
Nam Shan nằm giữa các sườn đồi với cây cối xanh tươi, cách bến phà Mui Wo nửa giờ đi bộ. Nếu bạn muốn tiết kiệm thời gian, có sẵn xe buýt hoặc taxi ở bến phà. Tại đây, bạn sẽ thấy biển chỉ dẫn đến Pak Kung Au, mất khoảng 2 giờ 45 phút cho việc leo bộ.
Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc nếu muốn khám phá cực Tây của đảo. Theo lời kể, có thể có những người vượt đường mòn này dễ dàng. Nhưng thực tế, đây có thể là một chuyến đi tương đối khó khăn và có thể mất 6 giờ, bao gồm thời gian nghỉ ngơi, chụp hình và ăn ngoài trời.
“Những ngọn núi khô khốc, cằn cỗi và cây cối thì thưa thớt”, tác giả Reverend R. Krone viết vào năm 1858, có sự tham khảo cuốn sách Các công viên tại Hồng Kông của Stella Thrower. Nhưng đó đã là quá khứ. Trong thế kỷ qua, Hồng Kông trồng nhiều cây tại các khu đồi, núi rộng lớn, đặc biệt hỗ trợ cung cấp nước liên tục cho đập Shek Pik nằm ở phía Tây Nam đảo Lạn Đầu. Hiện nay, các đồn điền tại đây màu mỡ, và những con đường mòn trên đảo rậm rạp những tán cây.
Những tán cây rộng che bóng mát, nhưng chúng cũng khiến tầm nhìn hạn chế, việc đi bộ khó hơn ở những đoạn dốc cao. Ở cuối đường, cây cối dần nhường chỗ cho cây bụi và cỏ, và từ đây bạn có thể nhìn toàn cảnh phía Nam đảo. Lúc này, bạn sẽ phát hiện ra rằng mình đang đứng cao hơn cả những ngọn đồi của bán đảo Chi Ma Wan. Gần mũi phía Nam bán đảo, cù lao Shek Kwu Chau hiện ra tuyệt đẹp với một vài ngọn đồi thấp và đỉnh tròn.
Bạn cũng sẽ nhìn thấy những chiếc thuyền nhỏ, xà lan chở cần cẩu ra khơi từ bờ phía Tây Shek Kwu Chau để xây đảo, hình thành những lò đốt chất thải lớn nhất thế giới. Điều này khiến sau này bạn có thể nhìn thấy lò đốt rác như ngón tay cái khổng lồ giữa không trung, nhưng hiện nay quan cảnh nơi đây vẫn xanh mát với những sườn cỏ và rừng cây trong khe núi.
Bạn càng đi, đường mòn càng lên cao, đến một đoạn rẽ trái băng qua một con suối nhỏ và đi qua một rừng tre nơi có một dòng suối khác. Cơ hội để bạn tắm mát sau chặng đường nắng nóng là đây.
Sau đó, bạn phải tiếp tục lên cao hơn để vượt một sườn núi cho đến khi gặp ngã ba, và đi theo con đường nhỏ về phía đông, hướng tới Lin Fa Shan cao 766m so với mực nước biển. Đường mòn Lantau kéo dài về phía Tây, và từ lúc này, hành trình “dễ thở” hơn.
Khu rừng sâu thẳm
Và giờ đây, những khung cảnh chính ở phía Bắc hiện ra. Sân bay ở bên dưới, đã từng là nơi nhộn nhịp với các chuyến bay đến và đi, nhưng giờ đây được biết đến như một công viên sân bay khổng lồ.
Lên cao hơn một chút, con đường dẫn qua một khu rừng, cây cối mọc xen kẽ giữa những tảng đá phía trên một con suối. Nếu may mắn, bạn sẽ thấy một số cây nở hoa và những con ong say sưa hút phấn trên chùm hoa trắng thơm lừng.
Sau đó, bạn sẽ băng ngang qua đồng cỏ. “Người Trung Quốc có thói quen đốt cỏ trên núi để nuôi trồng, làm nông trại”, ông Reverend Krone viết, và cây cối khó sinh trưởng trên những sườn dốc cao này, nơi đã bị xói mòn.
Nếu bạn muốn chuyển sang đi bộ trong rừng, sau khi đến một ngã ba, bạn rẽ phải đến đường mòn Wong Lung Hang. Khu rừng này tuyệt đẹp, sâu thẳm, huyền bí như có ma thuật. Bạn cứ tiếp tục trên đường mòn Lantau và đừng chọn đường nào khác.
Tiếp tục đến một khúc cua, bạn đến một thung lũng cao, nơi có những con dốc rộng khoảng 20 ô vuông với những túp lều bằng đá. “Những túp lều” này được xây dựng từ những năm 1920 như là một khu nghỉ mát dành cho những người truyền giáo phương Tây trong những tháng hè nóng bức. Phần lớn những túp lều này vẫn được bảo trì mặc dù ít được sử dụng.
Lên đỉnh Đại Đông Sơn
Dịch bệnh Covid-19 giáng một đòn mạnh vào ngành du lịch toàn cầu. Nhưng tại Hồng Kông, lại có câu chuyện thú vị. Người dân địa phương thích đi du lịch, đến các điểm tham quan. Chính họ góp phần giúp một số doanh nghiệp nhỏ tồn tại, mặc dù hiện nay là lúc cần cẩn trọng và thực hiện giãn cách xã hội. Hy vọng những chuyến đi như thế này đến Đại Đông Sơn đem lại niềm vui nho nhỏ sau những ngày “bị cùm chân”, giúp giảm căng thẳng, tuy nhiên phải thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách.
Có một đoạn đường lên dốc ngắn, sau đó là một lối mòn khác. Mặc dù không có biển chỉ dẫn, nhưng bạn yên tâm vì đây là con đường dẫn lên đỉnh Đại Đông Sơn.
Con đường này cũng khá dễ đi, hai bên là phong cảnh đẹp với nhiều cụm đá làm dấu hiệu dẫn đường ở độ cao 869m, biến nơi đây là ngọn núi cao thứ 3 ở Hồng Kông, sau đỉnh Tai Mo Shan và đỉnh Đại Nhĩ Sơn.
Có một vài lối mòn nhỏ trên lối đi, vì vậy bạn nhớ dò xét đi đúng đường mòn Lantau. Lúc này, con đường mòn trở nên khá bằng phẳng, giúp bạn dễ dàng lên đến sườn phía Nam đỉnh Đại Đông Sơn.
Và chẳng mấy chốc, bạn sẽ thấy đoạn đường xuống dốc. Đỉnh Đại Nhĩ Sơn có hình nón như đâm thẳng lên đường chân trời phía Tây. Khi bạn đi xuống lại, đồng cỏ nhường chỗ cho cánh rừng. Âm thanh của xe buýt nghe rõ hơn, và cuối cùng bạn về lại Pak Kung Au. Đến đây, bạn ắt hẳn háo hức muốn đi về nhà.
Mặc dù hầu hết mọi người muốn đến Đỉnh Đại Đông Sơn thường đi qua Tung Chung từ Hồng Kông, nhưng bạn nên thử đi phà từ bến tàu trung tâm số 6 đến Mui Wo. Theo lộ trình này, bạn có thể ngồi trên phà ngắm mây trời. Từ bến phà Mui Wo, đều có các chuyến xe buýt đến Nam Shan, hoặc bạn có thể đi bộ dọc theo con đường này. Để trở lại Mui Wo, bạn có thể đón xe buýt 3M từ Pak Kung Au.
Trung Châu
Theo South China Morning Post