Phạm Đình Quát
Ngày nào cũng vậy, cứ tầm 3-4 giờ sáng là con đường Quang Trung, đoạn đầu đường dẫn ra bờ sông Thạch Hãn, cạnh chợ thị xã Quảng Trị, lại nhộn nhịp cảnh mua bán. Điểm đặc biệt ở khu chợ này là chợ nhóm họp khi trời còn tối đen nên người bán hàng phải dùng đèn pin để cho khách mua xem hàng.
Chợ đèn pin hoạt động giống như “chợ đầu mối” nông sản, với nguồn hàng đổ về từ các làng quanh thị xã. Người mua không phải là các bà nội trợ, mà hầu hết là những người mua rồi bán lại ở các chợ nhỏ. Hàng được chở đến chợ bằng xe máy, xe đạp và cả quang gánh, tuyệt nhiên không có những xe tải chở hàng nông sản từ ngoài tỉnh vào.
Người ta dùng loại đèn pin gắn trước trán như công nhân hầm mỏ hoặc đèn pin cầm tay, một vài người dùng loại đèn pin sạc bình. Ánh sáng di động, chập chờn, lung linh một góc phố trong sự im lặng. Người mua, kẻ bán nói vừa đủ nghe, không có tiếng cãi cọ hay đùa cợt. Khi trời tảng sáng thì chợ giải tán, trả lại mặt bằng cho tuyến đường này.
Thị xã Quảng Trị nằm bên dòng sông Thạch Hãn là một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng với ngôi thành cổ (chiếm gần 1/4 diện tích thị xã) đổ nát sau 81 ngày đêm hứng chịu bom đạn trong mùa hè năm 1972 với hàng ngàn người thiệt mạng.