Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Chợ đầu mối bối rối vì rác nông sản

VŨ YẾN -

Tại các chợ đầu mối nông sản ở TPHCM hiện nay, mỗi đêm hàng ngàn tấn rau, củ, quả được đưa về thì cũng là lúc hàng trăm tấn rác thải từ những mặt hàng nông sản này phát sinh. Để giải quyết chuyện rác, có chợ đã chi đến cả tỉ đồng mỗi tháng và đã nhiều năm như vậy.

Rau đi, rác ở lại

Mỗi tháng, ba chợ đầu mối lớn ở TPHCM là chợ đầu mối nông sản Bình Điền (quận 8), chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (quận Thủ Đức) và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (huyện Hóc Môn) tốn từ vài trăm triệu đồng đến hơn 1 tỉ đồng cho công tác xử lý rác sau khi sơ chế nông sản.

6Rác thải sau sơ chế ngập các lối đi ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức trong khi chờ thu gom.

Bà Trần Thúy Liên, Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền, cho biết hiện tại khu hàng nông sản của chợ này là nơi tập trung kinh doanh của hơn 500 hộ với lượng hàng nhập chợ khoảng 800 tấn/đêm. Trong đó, có 320 tấn hàng từ Đà Lạt (Lâm Đồng) và 480 tấn từ các tỉnh miền Tây Nam bộ. Vì lượng hàng này phần nhiều không được sơ chế hoặc chỉ sơ chế đơn giản nhất tại nguồn nên khi về chợ các tiểu thương phải sơ chế thêm một lần nữa trước khi bán ra thị trường. Và theo đó, lượng rác thải của hàng nông sản sau khi sơ chế tại chợ là rất lớn.

Theo bà Liên, mỗi đêm lượng rác thải từ rau, củ, quả vào khoảng 35-40 tấn, chiếm 95% lượng rác thải của toàn chợ. Chi phí cho việc xử lý rác thải này là hơn 1 tỉ đồng mỗi tháng. So với các chợ đầu mối khác thì chợ Bình Điền có diện tích lớn hơn rất nhiều, khoảng 65 ha, do đó chi phí xử lý rác nông sản thực sự quá tốn kém. Số tiền này bao gồm chi cho quét dọn, thu gom, xịt rửa, khử mùi, vận chuyển rác ra khỏi chợ…

Hoạt động kinh doanh, lưu thông hàng hóa nông sản là mối quan hệ giữa nhà vườn-thương lái-tiểu thương. Chính vì vậy, theo bà Liên, chợ đầu mối chỉ đóng vai trò là nơi tập kết, trung chuyển hàng hóa, và nếu sơ chế nông sản tại nguồn thì sẽ giúp giảm nhiều chi phí cho chợ đầu mối.

Nói về rác thải nông sản, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cũng cho biết mỗi ngày có khoảng 3.000 tấn hàng nông sản nhập chợ và lượng rác sau sơ chế từ những loại hàng này khoảng 50 tấn/ngày. Dù diện tích chợ nhỏ hơn so với chợ Bình Điền, nhưng theo bà Hà, mỗi tháng công ty cũng phải tốn hơn 300 triệu đồng để xử lý. “Trong những cuộc hội thảo, hội nghị tôi cũng đã đề cập về mong muốn nông sản được sơ chế ngay tại nguồn nhưng đến bây giờ vẫn chưa có đơn vị nào đưa ra biện pháp giải quyết cụ thể, triệt để”, bà Hà nói.

Tại huyện Hóc Môn, ông Lê Văn Tiễn, Phó giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cho biết mỗi ngày chợ nhập khoảng 1.600 tấn rau, củ và 550 tấn trái cây. Tại đây, những hàng hóa này được sơ chế trước khi các tiểu thương nhiều nơi về lấy hàng. Sau khi sơ chế, rác nông sản mỗi ngày khoảng 60 tấn, với chi phí xử lý là 150 triệu đồng/tháng.

Theo ông Tiễn, sở dĩ việc sơ chế nông sản tại nguồn mặc dù đã được các đơn vị như chợ đầu mối Hóc Môn kiến nghị từ bao nhiêu năm nay nhưng không được thực hiện là do thói quen sản xuất, kinh doanh của nông dân-thương lái. Chính điều này đã không những làm giảm giá trị sản phẩm khi tới tay tiểu thương ở chợ đầu mối mà còn gây tốn chi phí vận chuyển để đưa thêm một lượng rác khổng lồ về TPHCM, lượng rác này sau đó lại tốn chi phí lớn để xử lý.

Khó bỏ thói quen

Ông Nguyễn Văn Bảy, một tiểu thương kinh doanh mặt hàng cải thảo tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cho biết mỗi ngày trung bình số lượng hàng ông nhập từ Đà Lạt về là 4 tấn. Trong đó, cứ mỗi 40 kg thì còn lại khoảng 23-25 kg thành phẩm sau khi sơ chế 5-7 lớp lá ở ngoài cải thảo. Tiền thuê bốn nhân công sơ chế tốn khoảng 1,2 triệu đồng/ngày.

Theo ông, do đặc điểm một số loại rau ăn lá như cải thảo, cải bắp dễ hư hại nên các lớp bên ngoài thường được dùng để bảo vệ sản phẩm trong quá trình di chuyển. Nếu sơ chế ngay tại vườn, đóng bao bì thì thêm chi phí nhân công, chi phí bao bì, trong khi người nông dân, thương lái đều muốn hạn chế chi phí này đến mức thấp nhất. “Đối với hàng hóa vận chuyển đi các tỉnh miền Tây, sau khi sơ chế, tôi bọc vào giấy báo, đóng thùng và hàng ít hư hỏng, được giá hơn. Tuy nhiên, theo tôi, với cách làm truyền thống bao năm nay thì việc sơ chế vẫn là điều rất khó thực hiện”, ông Bảy nói thêm.

Nói về giải pháp, theo ông Tiễn, nông dân và thương lái nên tăng giá trị sản phẩm bằng cách sơ chế nông sản tại nguồn, sau đó có bao bì, vật dụng dùng để bảo quản. Còn theo bà Hà, muốn giải quyết tận gốc vấn đề sơ chế nông sản tại nguồn cần phải có sự tham gia đồng bộ từ cơ quan quản lý tại TPHCM và cả ở các địa phương sản xuất hàng hóa; sự phối hợp của người sản xuất, thương lái đến các tiểu thương chợ đầu mối và các chợ nhỏ hơn. “Hàng hóa hiện nay phần lớn không sơ chế. Khi vào tới thành phố sẽ tạo lượng rác thải nhiều, sản phẩm hư hỏng không ít mà chất lượng chưa chắc đảm bảo. Vì vậy, theo tôi khi sản phẩm bán ra khỏi tỉnh nên có bộ phận kiểm định chất lượng, sơ chế, đồng thời cần tuyên truyền để thay đổi cách làm xưa nay”, bà Hà nói.

Bà Hà cũng lấy ví dụ, cùng là bắp cải, quãng đường vận chuyển xa hơn rất nhiều nhưng bắp cải của Trung Quốc được làm sạch sẽ, có lớp bao bì bảo vệ, lại được đóng trong thùng cẩn thận nên khi về tới chợ đầu mối về mặt hình thức vẫn đẹp. Như vậy, hàng hóa không phải sơ chế lại và giá trị sản phẩm được giữ nguyên.

Giảm rác để tăng giá trị

Mặc dù không trực tiếp cung ứng cho các chợ đầu mối nhưng Công ty TNHH Nông sản thực phẩm Thảo Nguyên (Lâm Đồng, Đà Lạt) mỗi ngày cung ứng cho thị trường TPHCM khoảng 12-15 tấn hàng nông sản đã qua sơ chế. Ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc công ty này, cho rằng việc sơ chế tại nguồn rồi vận chuyển đến TPHCM giúp giá trị sản phẩm được tăng lên khoảng 10-20% so với sản phẩm chưa sơ chế.

Theo ông Sơn, sau khi sơ chế tại nguồn, rác được nông dân dùng máy cày, cày trộn xuống đất trồng, tạo thành phân bón. Theo đó, người nông dân hầu như chỉ mất công chứ không tốn thêm chi phí cho quy trình tạo thành phân bón cho cây. “Việc sơ chế, đóng gói bao bì, đóng vào thùng/két khi vận chuyển giúp giảm thiểu hư hỏng sản phẩm khi về tới TPHCM rất nhiều, tạo thêm giá trị sản phẩm, xây dựng được tên tuổi, thương hiệu sản phẩm”, ông Sơn nói.

Nói về chuyện sử dụng rác nông sản tại nguồn, bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm HTX Thỏ Việt, cho rằng không có lý do gì mình lại mất chi phí vận chuyển rác về các chợ đầu mối, trong khi rác từ việc sơ chế đó có thể ủ và làm phân xanh, tạo dinh dưỡng cho đất trồng, giá trị sản phẩm tăng thêm. Hiện tại, Thỏ Việt đang cung cấp mỗi ngày khoảng 15 tấn hàng nông sản cho hai chợ đầu mối nông sản Thủ Đức và Hóc Môn đã sơ chế.

Theo một giám đốc công ty kinh doanh hàng nông sản tại Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng), đơn vị ông đã ký kết tiêu thụ nông sản của nhà vườn với nhiều nhà cung cấp và tiêu thụ lớn tại TPHCM, giá sản phẩm chính là yếu tố quyết định việc nông sản có được sơ chế tại nguồn hay không. Ông này cho biết, sản phẩm cung cấp cho các hệ thống siêu thị, nhà phân phối lớn bao giờ cũng được sơ chế, đóng gói trước khi vận chuyển bằng xe lạnh về thành phố. Đây là sản phẩm loại 1, sẽ có mức giá cao hơn khi bán ra thị trường so với các loại sản phẩm chưa sơ chế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cận cảnh nhà máy xử lý hơn 40% nước thải của...

0
(SGTT) - Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng vừa nâng cấp vận hành giúp nâng tỷ lệ thu gom và xử lý...

TPHCM: nguy cơ sốt xuất huyết từ những dòng kênh ô...

0
(SGTT) - Khi thành phố vào mùa mưa, thì những dòng kênh, mương đầy rác thải trở thành là nơi “nuôi” muỗi, tạo điều...

Rác thải nhựa làm khổ doanh nghiệp du lịch

0
(SGTT) - "Có một thực tế không muốn nói ra nhưng vẫn phải nói, chúng tôi đã từng bước hạn chế chất thải nhựa...

Xử lý rác thải ở TPHCM: gian nan tìm giải pháp...

0
Các vấn đề liên quan đến khung pháp lý cho giá thành xử lý chất thải rắn sinh hoạt; những bất cập trong công tác xử...

Đẩy mạnh hợp tác công-tư trong chương trình giảm rác thải...

0
Sau 2 năm chương trình Hợp tác công – tư Quản lý rác thải nhựa được triển khai, chương trình đã kết nạp thêm...

Ô nhiễm từ đồ vật dụng gia đình khiến gần 1...

0
(SGTT) - Các hạt ô nhiễm không khí từ những sản phẩm vật dụng gia đình bao gồm nước sơn, thuốc trừ sâu, khói...

Kết nối