Trong thời gian chờ khởi công, xây dựng và hoàn thiện tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, hiện tại quốc lộ 51 – tuyến đường huyết mạch kết nối các tỉnh Đông Nam bộ với Bà Rịa – Vũng Tàu hàng ngày vẫn phải gánh một lượng xe lớn, khiến tuyến đường này luôn trong tình trạng xe đông, ùn ứ.
- TPHCM: điều chỉnh giao thông trên quốc lộ 13
- Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận ngày đầu thu phí: xe chọn lưu thông quốc lộ 1 tăng cao
5 giờ đồng hồ cho quãng đường 90km
Quốc lộ 51 dài 73km, có 6 làn ô tô, 2 làn xe hỗn hợp, tốc độ thiết kế 80km/giờ, đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Năm 2009, Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC) đã thực hiện mở rộng quốc lộ 51 và hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 4-2013.
Tuy nhiên, trong những năm qua, việc ùn tắc giao thông trên tuyến quốc lộ này không chỉ diễn vào những ngày lễ, cuối tuần mà ngay cả ngày thường vẫn xảy ra ùn ứ kéo dài.
Từ những bất cập trên, việc theo dõi, tham khảo lộ trình trong các hội nhóm về vận tải trên mạng xã hội đã là một trong những trong những “thủ tục” quan trọng của nhiều tài xế trước khi di chuyển theo lộ trình này. “Lẩu bò” là trạng thái mà các bác tài thường xuyên có lộ trình qua đây nói với nhau để diễn tả việc chỉ cần có một sự cố nhỏ cũng đủ khiến tuyến quốc lộ này ùn ứ hàng km.
Anh Đinh Hoàng Thái, tài xế thường xuyên di chuyển trên quốc lộ 51, cho biết tình trạng kẹt xe xảy ra thường xuyên tại các đoạn: cổng 11, chợ Long Bình Tân, ngã ba Bến Gỗ, ngã ba Nhơn Trạch (Đồng Nai) và các đoạn từ ngã ba Cái Mép về các khu công nghiệp trên địa bàn thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Theo anh Thái, quốc lộ 51 thường xuyên kẹt xe là do đèn giao thông tại các giao lộ chưa hợp lý. “Do tín hiệu đèn xanh tại giao lộ có thời gian quá ngắn, xe trên tuyến phần lớn là tải nặng, khiến các xe không kịp thoát khỏi giao lộ”, tài xế này chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ, anh Phan Minh Quang, ở quận Tân Bình, TPHCM, cho biết thường đi từ TPHCM về Vũng Tàu và ngược lại nhưng gần như lần nào cũng gặp cảnh kẹt xe. Theo anh Quang, từ Vũng Tàu về TPHCM là hành trình gian nan với nhiều điểm ùn tắc.
“Điểm đầu tiên kẹt là trạm thu phí T2 quốc lộ 51, sau đó kẹt tiếp ở đoạn ngã ba Nhơn Trạch, tiếp đó di chuyển được thêm 2 km để vào cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây thì mất khoảng 1 tiếng để đến trạm thu phí Long Phước do cao tốc cũng kẹt. Kết quả là mất 5 tiếng cho quãng đường 90 km”, anh Quang nói.
Dự án tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 có chiều dài 53,7km, quy mô 4-6 làn xe, đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, được đầu tư bằng vốn đầu tư công và vốn từ chương trình phục hồi kinh tế – xã hội với tổng mức đầu tư 18.000 tỉ đồng. Dự án được đề xuất khởi công trong năm 2023, và theo kế hoạch sẽ phải hoàn thành trong năm 2025.
Theo thiết kế, điểm đầu cao tốc tại Km0+000 kết nối với tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua thành phố Biên Hòa, thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối tại Km53+700 giao với quốc lộ 56 thuộc thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 17/2022/QĐ-TTg ngày 28-7-2022 về việc phân cấp thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Đối với dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1, Thủ tướng quyết định giao UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện dự án thành phần 1 (, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện dự án thành phần 2, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện dự án thành phần 3.
Đầu tháng 8, Bà Rịa – Vũng Tàu đã thống nhất ngày 30-4-2023 sẽ khởi công dự án thành phần 3 thuộc dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1. Dự kiến đưa vào khai thác ngày 20-6-2025.
Tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu khởi công dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu vào cuối tháng 6-2023.
Trước đó, hồi tháng 2-2021, BVEC – đơn vị quản lý tuyến quốc lộ 51, có văn bản đề xuất Bộ GTVT về việc xây dựng 10 nút giao thông khác mức (cầu vượt hoặc hầm chui) trên tuyến quốc lộ 51 với đường ngang là các điểm đen gây mất an toàn giao thông với tổng kinh phí 3.000 tỉ đồng.
Theo đánh giá của BVEC, tuyến quốc lộ này có thiết kế 12.000 lượt xe/ngày đêm nhưng hiện công suất trung bình đã tăng lên gấp 3 lần, giờ cao điểm đạt đến gần 50.000 lượt xe/ngày đêm.
Minh Hoàng
Theo KTSG Online