Chợ bàng nằm trải dài hàng cây số ven bờ sông Vàm Cỏ Tây, đoạn từ các kênh Mồi Gọ, Sáu Tươi, Hà Long, Hồng Đức chảy qua địa phận các xã Bình Phong Thạnh, Bình Hòa Trung của huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An.
Trên khúc sông này, mỗi ngày có hàng trăm nông dân với những chiếc ghe chứa đầy cỏ bàng đậu kín mặt nước mua bán nhộn nhịp. Bàng là một loại cỏ, thân mềm, thường sống ở những nơi phèn trũng.
Từ lâu, người dân trong vùng đã dùng loài cỏ bàng này để đan lát thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là đan chiếu.
Ngày nào cũng vậy, cứ tầm 1-5 giờ chiều là các ghe chở cỏ bàng lại cập bến sông này để đổ hàng.Giống như cây cói, cỏ bàng lúc tươi nhìn suôn dài, phơi khô sẽ có dạng sợi, thuận tiện để đan lát các vật dụng. Với chiều dài khoảng 1,3-1,6 m và độ dai, dẻo cũng như thấm màu tốt, chúng là nguyên liệu để dệt thành chiếu.Nông dân khai thác bàng thường đi hai người, vì loài cây này chìm sâu trong nước. Một người lội xuống nước ngập sâu cả mét để cắt bàng. Khi cắt phải sát gốc, sao cho cây bàng dài nhất có thể.Mỗi bó cỏ bàng có giá khoảng 3.500-4.000 đồng, tùy theo độ dài ngắn của cây. Chúng được thương lái mua ngay tại bờ sông.Để lấy được loài cây này, người nông dân phải chạy ghe vào sâu trong những bàu, đầm hoang ở vùng giáp ranh với biên giới Campuchia, nơi có những cánh đồng ngập sâu, không canh tác lúa được.Nếu chăm chỉ, một ghe hai người có thể cắt được khoảng 60-80 bó bàng/ngày. Trừ tiền xăng dầu, ăn uống, họ có thể kiếm được 150.000 đồng, một số tiền không nhỏ ở vùng quê nghèo.Hầu hết những con kênh nhỏ ăn thông với sông Vàm Cỏ Tây nằm ven tỉnh lộ DT 817 đều có hàng chục ghe chất đầy bàng chờ thương lái tới mua.Sau khi mua xong, thương lái xếp bàng lên xe tải chở về các nơi như Tiền Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang để cung cấp cho những làng dệt chiếu, đan lát mỹ nghệ nổi tiếng.