Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Chinh phục núi lửa Bromo, ‘nàng tiên phẫn nộ’ tại Indonesia

(SGTT) - Núi lửa Bromo nằm trong vườn quốc gia Bromo Tengger Semeru, với độ cao 2.329m, cách thành phố Surabaya, thủ phủ tỉnh Đông Java, 120km về phía Nam, và cách thủ đô Jakarta 750km về phía Đông.

Núi lửa Bromo vẫn còn đang hoạt động nên toàn bộ bề mặt được bao phủ bởi một màu xám tro của nham thạch. Theo ghi nhận của hướng dẫn viên địa phương và người dân bản địa, lần phun trào gần đây nhất của Bromo vào khoảng cuối năm 2019.

Để tiếp cận khu vực chân núi, du khách sẽ vượt qua một quãng đường xuyên sa mạc cát nóng. Thảm thực vật xanh tươi ở những ngọn núi xung quanh khu vực núi lửa Bromo tạo nên bức tranh thiên nhiên tương phản đẹp hút hồn.

Du khách cần phải trang bị chu đáo về sức khỏe, mặt nạ phòng độc, người dẫn đường... bởi đường dến núi lửa Bromo khá khó đi, nhiều đoạn phải sử dụng xe jeep di chuyển.

Anh Đặng Đoàn Sang, vừa chinh phục đỉnh Bromo, chia sẻ hành trình của anh xuất phát từ Bali và mất khoảng 450km để đến được chân núi Bromo. Sau đó, 23:00 giờ tiếp tục đi xe thêm 2 giờ để đến điểm cắm trại ngắm toàn cảnh đêm Bromo ở ngọn núi đối. Cả đoàn hạ trại ngủ qua đêm và 4:00 giờ dậy ngắm bình minh và 8:00 giờ sáng lên xe jeep di chuyển khoảng 45 phút nữa để đến điểm trekking lên đỉnh núi.

Anh Sang cho biết, để ngắm đỉnh núi đẹp nhất thì chính là lúc bình minh. Du khách có thể lựa chọn ở lại những homestay dưới chân núi rồi 3:00 giờ sáng bắt đầu đi xe lên điểm ngắm bình minh nhưng lên tới nơi sẽ có rủi ro bị tắc đường do nhiều xe đi cùng một lúc trong khi đường đèo khá hẹp chỉ vừa chỗ cho 2 ô tô tránh nhau.

Khi lên tới nơi, du khách sẽ phải chen chúc xếp hàng để có được góc chụp ảnh đẹp. Khi đi qua sa mạc cát nếu thấy quá mệt, du có thể đi dịch vụ ngựa của người dân địa phương, họ còn chụp ảnh miễn phí cho du khách nên cũng là một trải nghiệm đáng thử.

“Tại điểm cắm trại ngắm bình minh, ban ngày thì nhiệt độ khá cao nhưng đêm ở đây nhiệt độ hạ đột ngột và rất lạnh, chỉ còn khoảng 7-8 độ C. Nằm trên nền đất dù đã được lót tấm giữ nhiệt và mặc ấm, túi ngủ đầy đủ nhưng vẫn cảm thấy lạnh thấu xương, bù lại sáng dậy khi mặt trời ló dạng mình được ngắm toàn cảnh ngọn núi lửa hùng vĩ từ từ hiện ra giữa biển mây đẹp vô cùng”, anh Sang chia sẻ.

Người trải nghiệm đến đây được khuyến cáo cẩn thận khi ngắm miệng núi lửa bởi sức nóng hừng hực, có thể "nuốt chửng" bất kỳ vật gì rơi xuống.

Khi đã lên trên đỉnh núi, du khách sẽ thấy khó thở do lượng oxi thấp, mùi rất khó chịu từ khí SO2 và nhiều du khách không chịu được đã phải xuống núi. Du khách cũng được cảnh báo không nên leo trèo, tự ý chạy nhảy hay đi quá xa đề phòng nguy hiểm.

“Mình gọi vui Bromo là “nàng tiên phẫn nộ”, vì lên tới đỉnh núi sẽ nghe thấy những thanh âm kì lạ từ miệng núi lửa, nghe như tiếng gào thét, kết hợp với những cột khói trắng bốc lên khiến cho núi vừa đẹp ma mị như một nàng tiên, vừa đáng sợ vì nàng ta có thể phẫn nộ và phun trào bất cứ khi nào”, anh Sang nói.

“Cái tên Bromo có nghĩa là thần của các vị thần, tới ngày lễ hội người dân sẽ dâng dê, gà, đồ ăn lên và thả vào miệng núi để cầu an, cầu may. Trên núi có những bức tượng thần núi lửa nhỏ để du khách và người dân khấn bái. Mình nghĩ đây là một địa điểm linh thiêng và chúng ta cũng nên có những sự tôn nghiêm và trang trọng nhất định khi tới đây”, anh Sang chia sẻ.

Nguyên Phong

Ảnh: Đặng Đoàn Sang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề