Ngày 31-8-2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1321/QĐ-TTg về nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, đối tượng quy hoạch bao gồm các lĩnh vực báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử); xuất bản (xuất bản, in, phát hành); thông tin điện tử; thông tin đối ngoại; thông tin cơ sở.
Với 11 nội dung chính, việc lập quy hoạch dựa vào các phương pháp: thống kê; tích hợp quy hoạch; phân tích hệ thống; lựa chọn ngành ưu tiên đầu tư, ưu tiên phát triển; so sánh và các phương pháp phân tích chuyên ngành.
Trong đó, phân tích, đánh giá các yếu tố, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội; Đánh giá thực trạng phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại; Dự báo xu thế phát triển, kịch bản phát triển mạng lưới báo chí; Xác định các quan điểm, mục tiêu phát triển mạng lưới báo chí trong thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Phương án phát triển mạng lưới báo chí trên phạm vi cả nước và các vùng lãnh thổ; Định hướng bố trí sử dụng đất cho phát triển mạng lưới báo chí; Xây dựng danh mục dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư để phát triển mạng lưới báo chí và thứ tự ưu tiên thực hiện; Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch; Xây dựng hệ thống bản đồ; Xây dựng báo cáo quy hoạch; Xây dựng cơ sở dữ liệu về quy hoạch...
Quy hoạch phát triển mạng lưới báo chí nhằm tổ chức, sắp xếp hợp lý mạng lưới các cơ quan báo chí, thông tin điện tử, xuất bản, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại chú trọng hiệu quả hoạt động, đổi mới mô hình, cơ cấu tổ chức, ứng dụng công nghệ mới, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nhu cầu thông tin của người dân, bảo đảm an ninh quốc phòng, đồng thời theo kịp khả năng và trình độ phát triển thông tin của các nước trong khu vực và quốc tế; Góp phần khắc phục thiếu sót, những bất cập do các quy hoạch cũ và lịch sử để lại.
Trên cơ sở quan điểm “Phát triển, quản lý các loại hình thông tin bảo đảm sự đồng bộ, kịp thời, chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân, tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc lập quy hoạch phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng thực tế và nguồn lực của quốc gia; Bảo đảm tính kế thừa; Bảo đảm tính mở, tính khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại trong quá trình lập quy hoạch.
Bên cạnh đó, tích hợp các quy hoạch ngành có liên quan trong lĩnh vực thông tin nhưng có điều chỉnh, xử lý cho phù hợp với tình hình thực tế và huy động sự tham gia có trách nhiệm của các nguồn lực xã hội trong suốt quá trình lập quy hoạch.
Ngoài ra, thời hạn lập quy hoạch không quá 12 tháng kể từ ngày Quyết định này được ký ban hành (31-8-2020). Chi phí lập quy hoạch được sử dụng từ nguồn vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về quy hoạch và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Vân Anh
Theo Trung tâm Báo chí TPHCM