Thủy Quỳnh -
Đợt phim chiếu miễn phí kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam (30-4) và các ngày lễ lớn gồm các phim như phim truyện Biên cương, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, phim tài liệu Trên đỉnh A Mú Sung, Quay phim chiến trường...
Một cảnh trong phim Biên cương.
Bộ phim Biên cương (đạo diễn – nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Đức Việt, kịch bản của Nguyễn Thị Hồng Ngát) có độ dài 87 phút, được ghi hình tại Lào Cai. Đây là tác phẩm điện ảnh ngợi ca những hy sinh, vất vả của các chiến sĩ bộ đội biên phòng trong việc bảo vệ biên cương của tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên của đồng bào vùng biên giới. Nhân vật chính trong phim là Tân (Thiện Tùng đóng), đồn trưởng đồn biên phòng Trang Luông. Là một người lính tận tụy với công việc, đồn trưởng Tân được đồng đội và nhân dân trong bản tin yêu, nể phục. Ngoài đồng đội là những người lính ngày đêm làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ biên giới, bảo vệ cuộc sống bình yên của bà con, bên cạnh Tân còn có Pà Cà Mí, nữ bác sĩ người Hà Nhì và vợ chồng A Phủ, Mỵ… Họ đã cùng với đồn trưởng Tân lập chiến công bắt gọn bọn buôn người qua biên giới.
Đan xen trong câu chuyện phim là những nét văn hóa đặc sắc với những phiên chợ của đồng bào dân tộc ít người, cuộc sống của từng gia đình người dân tộc, cảnh sắc thiên nhiên vùng cao Tây Bắc rất đỗi nên thơ. Hình ảnh người lính bộ đội biên phòng trong phim hiện lên đẹp đẽ, tự nhiên và giàu cảm xúc với những sự trợ giúp thiết thực về kinh tế, giáo dục, y tế dành cho bà con vùng cao…
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (đạo diễn Victor Vũ) chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Bộ phim lấy bối cảnh một làng quê vùng Nam Trung bộ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Thông qua những lát cắt về cuộc sống thường ngày của hai cậu bé Thiều, Tường cùng cô bé hàng xóm (Mận), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đưa tới cho công chúng hình dung về thân phận con người trong cuộc sống nhọc nhằn.
Phim là câu chuyện đầy cảm xúc về quê hương, về gia đình, về thời niên thiếu của mỗi người. Cậu bé Tường ngây thơ trong khi Thiều lại là người anh trai hẹp hòi, ích kỷ đến tàn nhẫn. Bên cạnh tình anh em với những yêu thương, ghen ghét, đố kỵ, hối tiếc, ăn năn… còn là tình cảm bạn bè, kỷ niệm thời thơ ấu của bọn trẻ miền quê nghèo tại miền Trung cuối những năm 1980. Ở đó có những cuộc cãi vã, đánh nhau, những trò chơi trẻ thơ, những giấc mơ thành công chúa, hoàng tử, những hờn giận vu vơ, những rung động đầu đời…
Hai bộ phim tài liệu Trên đỉnh A Mú Sung và Quay phim chiến trường do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất.
Ngoài những phim trên, trong đợt này, Cục Điện ảnh, các trung tâm phát hành phim và chiếu bóng, các trung tâm điện ảnh cả nước sẽ chiếu phục vụ miễn phí nhiều bộ phim. Trong đó, phim truyện có Nhà tiên tri, Thầu Chín ở Xiêm, Đường xuyên rừng, Những đứa con của làng, Trên đỉnh bình yên, Nhìn ra biển cả, Giải phóng Sài Gòn, Những người viết huyền thoại, Sống cùng lịch sử, Hà Nội mùa đông năm 46, Mùi cỏ cháy, Đường thư, Đừng đốt, Ngã ba Đồng Lộc, Vào Nam ra Bắc. Phim tài liệu có Đỉnh cao chiến thắng, 70 năm đất nước niềm tin và ánh sáng, Vài hình ảnh về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Bác Hồ với nông dân, Đường tới độc lập, tự do, Ngày cuối cùng của chiến tranh, Điện Biên Phủ, Địa chấn ở Điện Biên Phủ, Hồi ức Điện Biên.