Bích Nhàn -
Trước sân nhà tôi có cây cau, ngày nhỏ chị em tôi cứ đu dưới gốc tập trèo rồi ngã kềnh xuống đất. Cây cau không cho bóng mát, trái cau trẻ nhỏ không ăn được, giá như trẻ con cũng nhai trầu, chắc tôi đã có “thiện chí” hơn với cây cau nên mấy chị em chẳng vui vẻ gì chuyện nhà có cây cau trước cửa.
Có lần chị Sáu đem về cây si, chị xin mẹ trồng trước ngõ cho mát. Cau ốm nhách, không có bóng mát để chơi – chị nhìn cây cau bĩu môi nói thế. Mẹ tôi không chịu, bảo đó là cây cau bà nội trồng. Bà nội không phải dân nghiện trầu, chỉ có những ngày lễ tết bà mới nhai trầu với mấy người bạn già. Bà trồng cau vì bà lý lẽ rằng “Không phải cứ thích cây gì là trồng cây đấy được, phải nhớ trước cau sau chuối”. Cây có nhiều lá đem trồng trước nhà sẽ cản trở gió lành. Trước nhà chỉ nên trồng cây mảnh, dáng cao, lá sáng… như một hàng “danh dự” đẹp mắt.
Chị em tôi lớn cùng cây cau trước ngõ, rồi tôi cũng thay đổi suy nghĩ trước những tiện ích và vẻ đẹp của cây cau.
Hoa cau đẹp, hương cau thoang thoảng, ngọt ngào… Hoa cau nở vào cuối xuân đầu hạ. Hoa cau đặc biệt lắm, nó nở không có ngày tàn, nở mãi cho đến khi có quả. Những ngày lễ tết, mẹ chưng hoa cau trên bàn thờ, hương thơm thanh cao, tôn kính.
Hoa cau đẹp, quả cau nghĩa tình. Trong những ngày lễ truyền thống không thể thiếu cau khi “miếng trầu là đầu câu chuyện”, khi “tay mang trầu đầu đội lễ” trong ngày cưới. Đám cưới lớn thì trong quả lễ đầy ắp buồng cau trăm quả, đám cưới nhỏ, chuẩn bị đơn sơ thì cũng chẳng thể thiếu chùm cau với lá trầu đặt vừa đĩa.
Lá cau là bạn của những bà nội trợ. Mẹ rửa sạch lá, lau khô gói bánh tro, miếng bánh đỏ thắm, dẻo thơm mùi nếp, mùa lá cau. Mùa cau trỗ hoa, mẹ nhặt bẹ cau mới rụng (cái nào bao bọc buồng cau thì gọi là mo cái, còn cái nào trong không có buồng gọi là mo đực) làm quạt. Mo cái thanh mỏng, ruột trắng phau làm quạt vừa nhẹ, vừa đẹp. Làm quạt mo cũng phải có “nghề” chứ không phải có mo là có quạt đâu nhé. Ngày nhỏ thấy bẹ cau rớt thì lượm và nhiều lần cầm dao, bắt chước mẹ làm quạt mo nhưng rồi hý hoáy mãi với cái dao, cái bẹ, tôi vẫn không thể “chế biến” ra cái quạt mo.
Mẹ bảo, khi mo cau còn tươi, vừa mới lìa khỏi cây cau, đem cắt bỏ tàu lá và khéo léo gấp hai mép ở một đầu sao cho dễ cầm, còn đầu kia cắt cho đẹp để lùa gió (nhìn quạt mo có hình tương tự chiếc lá bàng nhưng dẹt và dài hơn một chút). Sau khi đã làm xong thì lấy đồ vật nặng có hình khối chữ nhật bằng phẳng to hơn quạt để ép cho quạt phẳng. Chờ ít hôm quạt khô là có thể phe phẩy quạt vô tư.
Cuộc sống hiện đại, máy điều hòa, quạt điện quạt nước đủ kiểu. Con tôi đi học, về nhà đọc “Thằng Bờm có cái quạt mo” rồi cười toe hỏi: “Quạt mo là gì hả mẹ?”. Tôi sững người, đưa mắt nhìn ra sân. Trước sân nhà tôi trồng đủ cây kiểng nhưng không có cây cau mảnh khảnh. Những kỷ niệm tuổi thơ hối hả ùa về, tôi thấy nhớ chiếc quạt mo mẹ thường bỏ trên đầu giường mà mỗi đêm trời nóng bức, dù chập chờn thức ngủ vẫn đưa tay sờ được chiếc quạt mo. Tôi như nghe tiếng cành cạch của chiếc quạt trên tay mẹ.
Con gái xa quê, nhớ chiếc quạt mo, nhớ nhà, nhớ mẹ!