(SGTT) - Các hiện tượng thời tiết cực đoan vẫn sẽ tiếp tục hoành hành ở châu Á trong thời gian sắp tới, nhưng với các đợt nắng nóng và mưa khắc nghiệt hơn trước – Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo.
Thời tiết ở nhiều vùng ở Việt Nam đã dịu mát hơn trong những ngày qua với các cơn mưa đầu mùa. Tương tự, nhiều vùng ở Thái Lan cũng có mưa, trong khi một vài khu vực công nhân đường sắt phải sử dụng nước lạnh và nước đá để nắn thẳng các thanh ray đường sắt bị cong vòng vì nắng nóng…
Thời tiết 2024 “cực kỳ khắc nghiệt”
Năm 2023-2024 đã trở thành hai năm nắng nóng “kỷ lục” và độ ẩm “phi thường” khắp thế giới và châu Á. Tháng 4 thường là thời điểm nóng nhất và khô nhất trong năm ở nhiều nước Đông Nam Á và Nam Á, nhưng mức độ năm nay được xem là cực kỳ khắc nghiệt.
“Tôi đoán rằng chúng ta sẽ chứng kiến những đợt nắng nóng dữ dội tương tự như năm 2023 và cả bão nữa”, bà Sarah Perkins-Kirkpatrick, giáo sư khoa học khí hậu tại Đại học Quốc gia Australia (ANU), dự báo về tình hình thời tiết trong năm 2024 và xa hơn nữa..
Nhiệt độ thường xuyên lên tới 40 độ C ở nhiều thành phố trên toàn khu vực. Chính phủ Bangladesh gần đây đã ra lệnh đóng cửa các trường học và đưa ra cảnh báo sóng nhiệt trên toàn quốc. Thủ đô Bangkok của Thái Lan lại khô hạn bất thường, hầu như không có mưa trong tháng 4, mặc dù lượng mưa trung bình trong tháng là 93 mm, theo dữ liệu từ Cơ quan Khí tượng Nhật Bản.
Xa hơn về phía bắc, ở Trung Quốc những ngày mưa lớn gần đây đã tàn phá nhiều khu vực ở tỉnh Quảng Đông, với lượng mưa tích lũy ở nhiều khu vực vượt quá kỷ lục lịch sử trong tháng 4, khiến nhiều người thiệt mạng và buộc hơn 110.000 người phải sơ tán.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên hợp quốc đã công bố báo cáo Tình hình khí hậu ở châu Á năm 2023 hôm 7-5. Theo báo cáo này, châu Á đã ấm lên nhanh hơn mức trung bình toàn cầu và vẫn là khu vực hứng chịu nhiều thảm họa nhất trên thế giới do các mối nguy hiểm như lũ lụt, bão và nắng nóng khắc nghiệt.
Trước đó, WMO nói rằng châu Á cần khẩn trương tăng cường nỗ lực hạn chế các nguy cơ thiên tai tiềm ẩn như đầu tư vào mô hình dự báo rủi ro thời tiết và hệ thống cảnh báo sớm.
Trong một thông cáo, Tổng thư ký WMO Celeste Saulo nói: “Kết luận của báo cáo có thể làm nhiều người bất ngờ. Nhiều quốc gia trong khu vực đã trải qua năm nóng kỷ lục vào năm 2023, cùng với hàng loạt điều kiện khắc nghiệt. Biến đổi khí hậu đã làm trầm trọng thêm tần suất và mức độ nghiêm trọng của những sự kiện thời tiết cực đoan”.
WMO nói rằng các các hiện tượng thời tiết cực đoan năm 2023 một phần được thúc đẩy bởi El Nino, một hiện tượng khí hậu theo mùa xảy ra tự nhiên và có dấu hiệu suy yếu trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, tác động thường lớn nhất vào năm thứ hai, tức năm 2024 này, trong quá trình phát triển. Điều này có nghĩa là năm 2024 chúng ta sẽ gặp nhiều đợt nắng nóng bất thường hơn và ảnh hưởng đến lượng mưa trong những tháng sắp tới.
Hồi tháng 3, cơ quan khí tượng Singapore cho biết thời tiết năm 2024 của hòn đảo nhiệt đới này có thể còn nóng hơn năm 2023 do ảnh hưởng El Nino kéo dài.
Tác động nghiêm trọng của thời tiết cực đoan
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khí hậu thay đổi đang tạo ra những mối nguy hiểm đáng kể về sức khỏe cho người lao động như ung thư, bệnh hô hấp, rối loạn chức năng thận và các tình trạng sức khỏe tâm thần.
Trong tuyên bố mới, WMO nói rằng hàng ngàn ca tử vong liên quan đến công việc có liên quan đến nhiệt độ quá cao, ung thư da do bức xạ tia cực tím mặt trời, ô nhiễm không khí, ngộ độc thuốc trừ sâu và các bệnh do ký sinh trùng và vật trung gian truyền nhiễm.
Tác động của thời tiết cực đoan đối với châu Á là cực kỳ nghiêm trọng.
Tuy nhiên, báo cáo năm 2023 của WMO nói châu Á có dịch vụ thông tin khí hậu kém nhất để thông báo kịp thời cho những nhà lập chính sách và ra quyết định trong lĩnh vực y tế. Điều này có nghĩa là “các cơ quan chính phủ về y tế và khí hậu có mối quan hệ hời hợt và hợp tác hạn chế”.
Chúng ta chuẩn bị đối phó thời tiết cực đoan như thế nào?
Giáo sư Perkins-Kirkpatrick của ANU nhận định “Chúng tôi đã dự báo những sự kiện thời tiết cực đoan thế này sẽ đạt đỉnh kỷ lục, nhưng tốc độ diễn ra quá nhanh chóng khiến tôi và đồng nghiệp ngạc nhiên. Nhưng chúng ta phải thích nghi. Chúng ta không còn ở giai đoạn chỉ cần giảm phát thải khí nhà kính là đủ”. Bà cũng chỉ ra các biện pháp như giáo dục người dân cách ứng phó trong các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Sau khi hứng chịu các đợt nắng nóng bất thường hè năm ngoái, Nhật Bản đã bắt đầu vận hành hệ thống cảnh báo say nắng từ hôm 1-5 vừa rồi. Từ thời điểm này, chính quyền sẽ cảnh báo thêm lần nữa khi các tỉnh thành dự kiến sẽ hứng chịu nhiệt độ đặc biệt cao, gây rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe con người, nhất là người già. Mục đích là thúc giục chính quyền địa phương và người dân khẩn trương thực hiện các biện pháp bảo vệ như sử dụng “nơi trú ẩn mát mẻ” hoặc nơi có máy điều hòa không khí được chỉ định và thông báo công khai.
Vốn phụ thuộc nhiều vào công nhân xây dựng nhập cư, Singapore đã yêu cầu chủ dự án theo dõi nhiệt độ “quả cầu ướt”, một phép đo nhiệt được quốc tế công nhận và cho phép những người lao động thực hiện các hoạt động thể chất nặng được nghỉ tối thiểu 10 phút mỗi giờ khi nhiệt độ đạt 32oC hoặc cao hơn. Các quy định này bắt đầu được áp dụng vào tháng 10 năm ngoái và nhằm mục đích bảo vệ những người lao động ngoài trời khỏi nguy cơ bị sốc nhiệt.
Tại Hàn Quốc, nơi thường xuyên phải hứng chịu các đợt nắng nóng trong những năm gần đây, khoảng 250 người đã kiện chính phủ để yêu cầu các bước giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Tòa Hiến pháp quốc gia đã tổ chức phiên điều trần công khai đầu tiên về vấn đề này hôm 23-4.
Kim Seo-gyung, một trong những nguyên đơn, nói với báo chí “Chúng tôi cần một phương thức nào đó bảo đảm an toàn cho công dân trước cuộc khủng hoảng khí hậu. Chúng tôi không phải là những thế hệ tương lai muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn… mà là những người muốn có thể bảo vệ cuộc sống của mình khỏi cuộc khủng hoảng khí hậu”.