Nhắc đến khái niệm “chất lượng cuộc sống” với các nhà chính trị, xã hội và kinh tế học, chúng ta sẽ được nghe những thuật ngữ trừu tượng và “rất kêu” như tổng thu nhập bình quân đầu người (GDP per capita), tổng hạnh phúc quốc gia (GNH), hay chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI)... Nhưng đa phần những gì mang tính lý thuyết học thuật thường có một độ khô khan và xa lạ nhất định.
Một người bình thường hầu như không quan tâm đến tiêu chí xếp hạng, cách thống kê, tính toán GDP, GNH hay HPI vì đơn giản, việc tăng trưởng kinh tế và thứ hạng cao nếu không đi đôi với hiệu quả cải thiện chất lượng cuộc sống thực tế cho người dân thì sẽ hoàn toàn vô nghĩa. Việt Nam từng lọt top 100 các quốc gia xét về GNH và lọt top 10 khi xét về HPI, nhưng liệu người dân Việt Nam có thực sự cảm thấy đây là kết quả phản ánh chân thực?
Dưới góc nhìn dân dã, không thể có chất lượng sống tốt nếu cứ ra đường thì lấm lét sợ cướp, đêm ngủ thì nơm nớp lo trộm, cuộc sống xung quanh lúc nào cũng bị bao vây bởi khói bụi và tiếng ồn, ra đường là phải mang khẩu trang, ăn gì cũng lo độc hại bẩn, bệnh viện đầu ngành 2-3 người/giường, xe buýt trễ giờ như một điều hiển nhiên phải chấp nhận, đường xá luôn gắn liền cùng 1.001 thể loại ổ, tần số kẹt xe không giảm và tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp luôn chực chờ... Không thể phủ nhận Việt Nam đang có sự tăng trưởng ấn tượng về kinh tế và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, việc phát triển nhanh và chưa bền vững luôn dẫn đến nhiều vấn đề về môi trường sống, sự xơ hóa các giá trị tinh thần truyền thống và sự gia tăng khoảng cách xã hội như một phần hệ lụy tất yếu. Vì vậy quan niệm “tăng trưởng và phát triển kinh tế không có nghĩa là phải hy sinh môi trường và hạnh phúc của cộng đồng” đang dần trở thành một lý tưởng và xu thế được số đông ủng hộ.
Các nước phương Tây như Mỹ hoặc Thụy Sĩ thường xem trọng về thu nhập, chế độ y tế và phúc lợi xã hội. Các nước Bắc Âu đề cao sự cân bằng trong cuộc sống, công việc và môi trường xung quanh. Các nước châu Á chú trọng nhiều đến giá trị tinh thần trong đời sống gia đình và cộng đồng, trong đó có Việt Nam, nơi mà chất lượng cuộc sống được định nghĩa bởi bốn nhân tố chính: kinh tế (GDP), giáo dục (xóa nạn mù chữ và số năm học bình quân), sức khỏe con người (tuổi thọ bình quân), môi trường (tự nhiên, xã hội và kỹ thuật).
Trong những năm gần đây, trước ảnh hưởng của xu thế toàn cầu hóa, chúng ta có cơ hội tiếp cận một lượng thông tin phong phú và khổng lồ; hoàn toàn chủ động trong việc cập nhật kiến thức, tìm kiếm và đối chiếu thông tin. Do đó, có thể thấy được sự chuyển biến rất mạnh mẽ trong nhận thức và phong cách sống của giới trẻ Việt Nam.
Giờ đây trong cuộc sống vật chất không phải cứ ăn no sống khỏe đơn thuần là đủ mà phải là “ăn no” như thế nào và “sống khỏe” ra sao. Chắc hẳn chúng ta đều dễ dàng nhận thấy nhu cầu tăng đột biến các loại thực phẩm sạch, nguồn gốc hữu cơ, thực phẩm chức năng và siêu thực phẩm (siêu bột, siêu hạt...). Người tiêu dùng trở nên cẩn trọng hơn trong việc mua sắm, cân nhắc đến nhiều yếu tố như sức khỏe, dinh dưỡng, thành phần, nguồn gốc, ảnh hưởng môi trường khi lựa chọn một sản phẩm. Chuyện đến phòng tập (gym) hay các lớp thể dục, thể thao sau giờ làm, giờ học đã trở thành thói quen của nhiều người và được xem như “mốt” trong phong cách sống hiện đại. Hàng loạt gia đình và cá nhân tự tay trồng cho gia đình những luống rau sạch; ngày càng có nhiều cá nhân và tổ chức quan tâm hơn đến các vấn đề môi trường và theo đuổi lý tưởng sống khỏe, sống xanh.
Để trở về với thiên nhiên, rất nhiều người không ngại đầu tư mưu cầu “cuộc sống giản dị triệu đô” tại các khu đô thị và dân cư cao cấp có quy hoạch bài bản, đáp ứng nhu cầu bức thiết về mảng xanh, sự riêng tư, an toàn và văn minh. Và không chỉ những khu dân cư mới mà ngay cả nhiều cộng đồng dân cư và nhà ở truyền thống cũng không ngại đầu tư hệ thống báo cháy, báo trộm, camera an ninh... để chủ động hơn trong việc bảo vệ bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, việc mua bảo hiểm và các gói khám sức khỏe định kỳ cũng dần trở thành danh mục chi tiêu thiết yếu của nhiều gia đình hiện đại.
Dưới cách nhìn nhận tổng quan hơn, có thể nói có hai xu hướng chính đang định hình rõ trong giới trẻ Việt Nam khi xét về chất lượng cuộc sống hiện đại, với điểm phân biệt mấu chốt chính là mức độ ưu tiên khi so sánh đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Một bên quan niệm rằng muốn có cuộc sống chất lượng thì đơn giản và thiết thực nhất là kiếm thật nhiều tiền vì có tiền thường sẽ có tất cả: một nơi ở an toàn, lành mạnh và tiện nghi; được sống gần cộng đồng văn minh; ăn những thực phẩm bảo đảm từ các nguồn cung cấp uy tín; được du lịch và thỏa mãn những nhu cầu tinh thần ở một đẳng cấp riêng. Cứ nỗ lực kiếm tiền trước đã rồi mọi thứ tính sau!
Xu hướng còn lại tìm kiếm sự thỏa mãn trong chất lượng cuộc sống từ những giá trị tinh thần. Các “tín đồ” của xu hướng này quan niệm rằng đời sống vật chất chỉ nên xem là phương tiện cần để vươn đến việc thỏa mãn các nhu cầu tinh thần mà mỗi cá nhân theo đuổi. Nếu người Đan Mạch nổi tiếng với tinh thần “hygge” – cảm nhận hạnh phúc từ những điều giản đơn trong cuộc sống; người Thụy Điển luôn duy trì cuộc sống cân bằng lý tưởng trong sự vừa đủ của tinh thần “lagom”; người Nhật tìm kiếm sự tiện nghi và cái tâm thật “zen” trong tinh thần tối giản “minimalism” thì người Việt cũng có xu hướng tìm đến sự an nhiên cùng vườn rau, con cá để gần gũi hơn cùng thiên nhiên.
Là một chủ đề quá quen thuộc nhưng cũng quá rộng lớn nên có lẽ những câu chuyện về chất lượng cuộc sống sẽ luôn được nhắc mãi qua mỗi thời kỳ và mỗi thế hệ. Nhưng với mọi quốc gia đang tận hưởng hòa bình thì dù ở thời điểm nào đi nữa, một cuộc sống thật sự chất lượng sẽ chỉ đi đôi cùng sự phát triển bền vững và tôn trọng thiên nhiên. Cuối cùng, không thể không nhắc đến “liều doping tự nhiên” mà bất kỳ ai cũng cần để có một đời sống tinh thần mạnh mẽ lý tưởng, đó chính là thái độ sống tích cực mỗi ngày. Mượn lời bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: vì “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”, mong rằng giữa những tất bật hối hả, mỗi chúng ta vẫn có thể xoay xở thật tốt để gìn giữ cho riêng mình những trải nghiệm và giá trị tinh thần quý báu mà cuộc sống ban tặng.
Hứa Yến Nhi