Thứ hai, Tháng mười một 18, 2024

“Chất độc” thực phẩm, muốn mua không khó!

Ở số báo trước (số 25, ngày 2-5-2014), Sài Gòn Tiếp Thị đã có bài viết ghi nhận ý kiến chuyên gia về những hóa chất, phụ gia không được phép có trong thực phẩm. Nhưng, thật khó kiểm soát được hành vi này khi mà việc mua bán những chất cấm sử dụng đối với thực phẩm như vừa nói, trong thực tế nếu muốn là có.

Vào chợ Kim Biên (quận 5, TPHCM), quanh co hỏi, trả lời vài ba câu, chúng tôi đã mua được một vài loại hóa chất tẩy trắng thịt, cá. Khi bán xong, người bán còn không quên dặn dò chúng tôi cách sử dụng hóa chất thế nào để thịt không bị dậy mùi.

Tiền trao… hóa chất múc

Câu hỏi 1

Xem kết quả

Trong vai một người ở ngoại thành, cần mua hóa chất nhưng không biết ở đâu bán, từ anh xe ôm đến bác tài taxi, cô bán cà phê… đều chỉ chúng tôi vào chợ Kim Biên. Tại chợ, chúng tôi nói rằng mình cần mua hóa chất để tẩm ướp, làm sạch cũng như bảo quản thực phẩm vì nhà có tiệm ăn.

Ban đầu, yêu cầu này cũng không dễ, chúng tôi nhận được những cái lắc đầu từ chối, kể cả từ chối chỉ nơi bán. Tuy nhiên, sau gần hai giờ đồng hồ, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được người bán loại hóa chất “chuyên dụng”, có chức năng làm sạch thực phẩm chưa qua chế biến như thịt heo, thịt gà, kể cả những loại thủy hải sản. Tại một gian hàng được giới thiệu là lớn ở chợ, khi chúng tôi hỏi mua, ban đầu, hai nhân viên rất cảnh giác. Họ nói không có bán loại đó. Nhưng sau một hồi trò chuyện mang tính “kỳ kèo”, một trong hai người đàn ông này bước vào trong và mang ra một gói bột màu trắng. Đó là một túi nylon cột dây, không nhãn mác. Người này nói: “đây là chất tẩy đường, bảo đảm làm sạch được thực phẩm!”.

Khi hỏi mua một ít để về thử trước, người nhân viên này không chịu và cho biết chỉ bán từ một ki lô gam trở lên. Giá bán là 45.000 đồng/kg. Khi chúng tôi hỏi còn loại nào làm nhanh hơn, mạnh hơn không, người bán hàng dường như không còn nghi ngờ gì, tiếp tục vào trong và lấy ra một chai nhựa đựng chất lỏng. “Mười hai ngàn đồng một lít. Nhanh. Gọn. Lẹ”, người này chỉ vào chai nước trong khi chìa nó về phía chúng tôi.

“Hóa phép” cho thịt thối: dễ ợt!

Theo cơ quan quản lý, việc kiểm tra hoạt động kinh doanh hóa chất công nghiệp, phụ gia thực phẩm được thực hiện khá thường xuyên. Ảnh: Thành Hoa
Theo cơ quan quản lý, việc kiểm tra hoạt động kinh doanh hóa chất công nghiệp, phụ gia thực phẩm được thực hiện khá thường xuyên. Ảnh: Thành Hoa

Cả hai loại hóa chất mà chúng tôi quyết định mua từ chợ Kim Biên, người bán ở đây dặn dò phải cẩn thận, đừng để hóa chất dây ra tay vì rất độc, sẽ gây ngứa, thậm chí nếu ngâm lâu, nhiều lần sẽ gây nhức tay. Thực phẩm tẩy trắng xong, phải được rửa nhiều lần dưới nước để bay hết mùi. Đồng thời phải biết cho lượng vừa đủ để không bị phát hiện. Theo lời người này, với loại bột trắng, cứ 1 kg thì pha với 20 lít nước rồi trộn thực phẩm vào, chỉ khoảng 30 phút là có kết quả. Trong khi đó, với loại dung dịch được cho là axit thì chỉ cần đổ trực tiếp lên thực phẩm, không cần pha nước.

Với một lít hóa chất có tên gọi axit và 1 kg bột trắng không nhãn mác mà nhân viên ở cửa hàng trên giới thiệu là chất tẩy đường, chúng tôi đã làm một thử nghiệm nhỏ tại sân nhà. Tất nhiên, chúng tôi không quên đeo khẩu trang y tế, găng tay cao su chuyên dụng.

Những con mực ống đã hư được cho vào thau nhựa với khoảng 300 ml axit. Quan sát cho thấy, dung dịch trong thau sủi bọt trong khoảng vài chục phút. Kết quả, những con mực đã hư, đã bốc mùi trước đó trở nên trắng phau. Thân mực phồng to, căng lên và màu cũng trắng hơn. Đối với lòng heo đã hư, bốc mùi, chúng tôi dùng chất tẩy đường pha với nước sau đó bỏ lòng heo vào ngâm. Cũng sau khoảng 30 phút, lòng heo được lấy ra, rửa dưới nước và không còn mùi thối nữa, màu hồng hồng của lòng gần như giữ nguyên. Còn phần lòng heo bỏ vào axit thì nở, trắng ra thấy rõ. Lượng axit trong hộp nhựa vơi đi trông thấy do bị hút vào miếng lòng. Với hai loại hóa chất mua được, chúng tôi tiếp tục bỏ vào một miếng vải đã cũ và dính đầy vết bẩn. Vừa bỏ vào, có một luồng khí nhỏ bốc lên, vài phút sau, miếng vải trắng sạch hơn rất nhiều.

Sau một vài ngày, chúng tôi gọi điện lại hỏi mua số lượng lớn hơn thì nhân viên ở cửa hàng cho biết “muốn bao nhiêu cũng có”.

Không dễ phát hiện

Quanh câu chuyện hóa chất độc hại tại chợ Kim Biên, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, cho biết, hiện UBND thành phố đã giao cho UBND quận 5 nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của 17 sạp chuyên kinh doanh hóa chất công nghiệp, hóa chất thực phẩm tại chợ Kim Biên. Một số sạp ở xung quanh chợ, phía ngoài chợ cũng do UBND quận 5 quản lý. Theo bà, công tác thanh tra, kiểm soát được tiến hành khá thường xuyên.

Một vị cán bộ tại Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cũng nói rằng công tác thanh tra, kiểm tra chợ Kim Biên vẫn được phối hợp thực hiện thường xuyên nhưng không dễ để phát hiện sai phạm. Vị này cho rằng, trách nhiệm thuộc về người bán nhưng cũng có phần của người mua.

Ông Nguyễn Văn Tèo Em, quản lý ngành hàng thuộc Ban quản lý chợ Kim Biên cho biết, theo quy định thì 17 tiểu thương trong nhà lồng chợ không được trưng bày, kinh doanh hóa chất công nghiệp mà chỉ kinh doanh phụ gia thực phẩm. “Có không ít lần bà con báo ở sạp này, sạp kia bán hóa chất công nghiệp nhưng khi ban quản lý đi kiểm tra thì lại không phát hiện ra. Chuyện trưng bày ở sạp chắc chắn không có, nguồn hàng được tiểu thương cất giữ ở một chỗ nào đó, khi được hỏi thì mang ra”, ông Tèo Em giải thích.

Cũng theo ông Tèo Em, trong năm 2014, UBND TPHCM, UBND phường 13, quận 5, Ban quản lý chợ đã có kế hoạch di dời tạm thời 17 hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm tại chợ Kim Biên qua khu vực riêng để dễ quản lý, kiểm soát. “Từ đầu năm 2014 đến nay, chưa phát hiện, xử lý trường hợp nào vi phạm kinh doanh hóa chất công nghiệp”, ông khẳng định.

Bà Trương Thị Bích Vân, Phó chủ tịch Ban Văn hóa xã hội của UBND phường 13, quận 5, nói rằng trong phạm vi quản lý, UBND vẫn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, buổi nói chuyện để nâng cao ý thức của bà con tiểu thương trong việc kinh doanh, đặc biệt không kinh doanh phụ gia, hóa chất độc hại; đồng thời tiến hành kiểm tra và xử lý, xử phạt trường hợp vi phạm. Thế nhưng, công tác này gặp không ít khó khăn do các hộ kinh doanh tại khu vực chợ Kim Biên đa phần không phải là dân cư sinh sống trên địa bàn.

Nhật Linh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Khó tránh thực phẩm nhiễm chất cấm

0
Người tiêu dùng đi chợ, siêu thị muốn mua các loại thực phẩm tươi sống như thịt gà, thịt heo, tôm, cá… chỉ có...

Kết nối