(SGTTO) - “Tôi sẽ có mặt tại hội chợ ở TPHCM từ ngày 26-4 đến 1-5. Còn tháng 7 tới, tôi sẽ tham dự một giải bơi lớn dành cho người khuyết tật”. Nguyễn Văn Chung, vận động viên từng đoạt giải vàng Paragame ở Thái Lan, chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị như vậy về kế hoạch cho tương lai gần. Với anh, giờ thể thao và khởi nghiệp là hai nguồn vui đồng hành.
Chung sinh ra ở Thường Tín, Hà Nội. Năm 2002, khi 18 tuổi, một sự cố đã cướp đi đôi chân lành lặn của Chung. Chung kể, anh đã trải qua những ngày muốn buông xuôi tất cả. Mẹ đã khóc rất nhiều. Chung suy nghĩ vì thấy bản thân mình chưa làm được gì cho mẹ đã trở thành gánh nặng. Tình thương yêu của gia đình cộng với sự “tự ái” từ phía bản thân, Chung quyết định đứng lên bằng cách tập di chuyển. Anh xỏ dép vào bàn tay và di chuyển theo cách này. Nhiều lần anh ngã lộn nhào vì mất thăng bằng.
Rồi anh nghĩ đến việc tập bơi. “Do bơi mà tôi mất đôi chân nên tôi muốn đứng lên từ bơi”, Chung chia sẻ lý do anh chọn môn thể thao này.
Ban đầu mẹ anh rất sợ và lo cho con. Nhưng sau thấy quyết tâm của Chung, mẹ không cản thêm nữa. Thời gian đầu tập bơi với Chung quả là thử thách lớn. Trong môn bơi, đôi chân rất quan trọng vì cần dùng để đạp nước và giữ thăng bằng nhưng đôi chân không còn nữa.
Năm 2003, Chung được chọn vào đội tuyển quốc gia và thi đấu ở nhiều nước trong khu vực. Chung giành được huy chương vàng môn bơi lội tại ParaGames 2008 ở Thái Lan, huy chương bạc và đồng tại Malaysia và Indonesia.
Tìm được chính mình trong thể thao, Chung cũng bén duyên sang khởi nghiệp.
Khởi nghiệp làm xà bông thảo dược
Đó là khoảng năm 2014, khi đó Chung ở trọ tại Đại học Bách Khoa Hà Nội chung với một bạn sinh viên trong trường. Người bạn này học khoa hóa và thường xuyên làm xà phòng bằng thảo dược.
Chung kể, thỉnh thoảng anh được bạn tặng xà bông và thực sự thấy da mềm, cảm giác rất dễ chịu. Rồi người bạn này truyền lại công thức nấu. Chung bắt đầu nấu xà bông tắm từ các loại thảo dược như sả, chanh, quế... tốt cho sức khỏe.
Gia đình anh tuy không có điều kiện hỗ trợ về vật chất nhưng luôn động viên, ủng hộ anh để viết tiếp giấc mơ. Anh làm ra những bánh xà bông bằng tâm huyết rồi đem tặng bạn bè, người thân. Họ dùng thử, thấy thích và giới thiệu cho những người khác.
Cách đây 2 năm, tôi gặp Chung tại một hội chợ, cũng ở TPHCM. Chung nhắc nhiều đến từ may mắn. “Tôi thật may mắn vì có gia đình, hợp tác xã, bạn bè, khách hàng luôn ủng hộ và yêu mến”, Chung nói.
Chung kể, có lần tại hội chợ, một khách hàng lớn tuổi tìm đến gian hàng của anh và nói: “Ôi cháu đây rồi, bác tìm mãi mới thấy. Bán cho bác 10 bánh xà bông nữa”, Chung kể trong niềm vui. Anh bảo, những câu chuyện như thế giúp anh có thêm động lực để tiếp tục đam mê, nấu những bánh xà bông từ cây cỏ.
Đến nay, sau hơn 4 năm khởi nghiệp, lượng khách hàng đã nhiều hơn và thị trường cũng rộng mở hơn. “Thị trường giờ đã tốt hơn rồi. Tôi đã bán tại Hà Nội, TPHCM, Đà Lạt và sắp tới sẽ là Phú Quốc, chủ yếu qua các đại lý”, Chung chia sẻ.
Anh cũng hay bán các sản phẩm tại hội chợ và sắp tới, cuối tháng 4 này, anh sẽ tham dự một hội chợ nữa để trưng bày, giới thiệu các sản phẩm xà bông thảo dược do anh làm ra.
Đỗ Lan