Bình An -
Trước tình hình dịch nhiễm vi rút Corona (MERS-CoV) ngày càng lan rộng ở các nước, Bộ Y tế nhận định rằng dịch hoàn toàn có thể xâm nhập vào Việt Nam. Là một cửa ngõ lớn đón du khách, TPHCM đang tích cực đưa ra các biện pháp phòng ngừa đối với dịch này.
Theo Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tại TPHCM, hiện mỗi ngày thành phố có ba chuyến bay từ các nước Trung Đông, tương đương khoảng 550 hành khách. Đối với du khách đến từ Hàn Quốc, mỗi ngày có khoảng bảy chuyến bay với khoảng 1.200 người. Phòng ngừa dịch bệnh, ngay tại cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất luôn có bốn máy đo thân nhiệt cùng 30 người của trung tâm túc trực. Hiện công tác giám sát chủ yếu ở đây vẫn chỉ bằng phương pháp đo thân nhiệt từ xa và thực hiện khai báo y tế vào tờ khai đối với hành khách đi về từ các vùng có dịch, sốt cao trên 38oC…
Riêng với khâu điều trị tuyến cuối, hiện Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã thành lập khu cách ly bệnh nhân nhiễm MERS-CoV. BS. Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết bệnh viện đã cho nhập thêm khoảng 30 máy thở đáp ứng điều trị bệnh.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, BS. Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc bệnh viện, cho biết đã bố trí sẵn 50 giường bệnh để cách ly điều trị, 1.000 trang phục bảo hộ cho nhân viên y tế, 36 máy thở, phòng xét nghiệm sinh học cấp 3, khu cách ly đặc biệt với phòng cách ly áp lực âm... Vừa qua, bệnh viện cũng đã tổ chức các lớp tập huấn giám sát, khám sàng lọc, chẩn đoán và điều trị cho y bác sĩ bệnh viện, cho các bệnh viện đa khoa có khoa nhiễm, các bệnh viện quận, huyện và cả các bệnh viện tư nhân.
Đối với điều trị nhi, BS. Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, cũng cho biết bệnh viện hiện có 100 máy thở, 100 giường cho khoa nhiễm, có phòng áp lực âm, lọc máu liên tục nên cơ bản đáp ứng công tác thu dung, điều trị nếu có ca bệnh MERS-CoV.
PGS.TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho rằng việc Hàn Quốc có nhiều người nhiễm bệnh cho thấy có những bài học kinh nghiệm rút ra. Có thể kể đến những hạn chế trong công tác phòng chống bệnh này như sự hiểu biết của cán bộ y tế và người dân về dịch bệnh MERS-CoV còn hạn chế; các biện pháp thực hành, phòng và chống lây nhiễm chưa đúng quy trình; sự tiếp xúc gần của những bệnh nhân MERS-CoV trong cùng phòng bệnh…
Do đó, ông Lân khuyến cáo, nếu người nào bị sốt và viêm đường hô hấp từ nhẹ đến nặng và có yếu tố dịch tễ như có tiền sử ở/đi/đến từ quốc gia có dịch, hoặc tiếp xúc gần với bệnh nhân xác định mắc MERS-CoV, tiếp xúc gần với người bị viêm đường hô hấp cấp tính ở quốc gia có dịch thì thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, cách ly và điều trị kịp thời. “Trong trường hợp ở thành phố, cơ quan y tế sẽ chuyển mẫu xét nghiệm về Viện Pasteur TPHCM hoặc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để có kết quả đầy đủ và sớm nhất phục vụ cho công tác điều tra, giám sát, phòng lây nhiễm và điều trị kịp thời”, ông nói.
[box type="download"] Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện đã có 27 nước có bệnh nhân mắc bệnh hô hấp MERS-CoV). Tại Hàn Quốc, chỉ trong vòng một tháng, nước này ghi nhận 179 trường hợp nhiễm MERS-CoV. Trong đó có 69 bệnh nhân dương tính và 27 trường hợp tử vong. Tại Việt Nam, tính đến ngày 25-6, chưa có bệnh nhân nào nhiễm vi rút MERS-CoV. Riêng với trường hợp bệnh nhân nữ người Nga nghi nhiễm vi rút này vào ngày 23-6, Viện Pasteur TPHCM thông báo kết quả xét nghiệm âm tính, đang được điều trị cho đến khi hết sốt và viêm họng.[/box]