(SGTTO) - Sau sự việc mới nhất của con trai bà Tân Vlog về clip nấu cháo gà nguyên lông, nhiều người ngán ngẫm cho rằng, các YouTuber Việt Nam đang muốn nổi tiếng thật nhanh bằng những chiều trò phản cảm thay vì chăm chút sáng tạo ra những nội dung có ích cho cộng đồng.
Cụ thể, chiều ngày 5-9, kênh Hưng Vlog (con trai hiện tượng mạng bà Tân Vlog) đăng tải clip nấu "nồi cháo gà nguyên lông và cái kết" để trêu đùa anh trai và em gái nuôi.
Theo đó, đợi mọi người ăn xong cháo, Hưng mới vớt con gà ra để khiến người ăn phải hãi hùng muốn nôn tháo.
Theo những YouTuber khác, có thể đây chỉ là màn kịch dựng lên chứ có thể họ đã ăn cháo khác chứ không phải nấu từ gà nguyên lông. Tuy nhiên, hành động phản cảm bỏ nguyên con gà vào nồi cháo lại là thật.
Sau đó, Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang nắm được thông tin và kiến nghị xử lý nghiêm về việc truyền bá video, hình ảnh mất an toàn, vệ sinh thực phẩm nếu có.
Còn nhớ cách đây vài năm, cũng chính con trai bà Tân Vlog đã có video clip rất phản cảm về nấu thịt chó ăn mừng kênh mình đạt 40.000 người đăng ký (hiện giờ kênh đã đạt gần 3 triệu người đăng ký). Qua đó, cho thấy người này đã hình thành ý tưởng câu view bằng những nội dung phản cảm.
Ngoài Hưng Vlog, cộng đồng những người làm nội dung (YouTuber) Việt Nam hiện nay phần lớn đều là những người tay ngang, không được đào tạo chính quy nên những sản phẩm họ làm ra đều là sao chép ý tưởng từ những kênh nước ngoài hoặc gây sốc bằng những chiêu trò, hành động phản cảm. Có thể kể đến một số kênh như Rxxx Vlog (tâm linh), DuyThxxx (ăn cá sống kiểu miền núi), Thánhxxx (chọc phá người dân xung quanh)...
Theo một báo cáo của công ty Nielsen cách đây không lâu, hiện có tới 92% người dùng Internet Việt Nam có thói quen xem video trực tuyến hằng tuần, đạt tỷ lệ cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Qua đó, những YouTuber Việt Nam sẽ được nhận "thù lao" nếu kênh mình có được lượng người xem và đăng ký nhiều.
Các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, chính vì YouTube có chế độ trả tiền cho người làm nội dung nên đã xảy ra hiện tượng "người người làm YouTube, nhà nhà làm YouTube" tại Việt Nam trong những năm gần đây. Tuy nhiên, chính bản thân mạng xã hội này cũng khổ sở do bị chính những doanh nghiệp quay lưng, không quảng cáo do nội dung quảng cáo của họ bị lồng ghép vào những nội dung phản cảm.
Như vậy, có thể thấy rằng, YouTube tuy có những biện pháp siết lại nội dung phản cảm của các YouTuber Việt Nam nhưng trong bối cảnh số lượng người làm nội dung quá lớn như hiện nay thì câu chuyện ý thức lại nằm ở chính họ. Nếu chọn theo con đường câu view phản cảm, tin chắc rằng những sự tung hô "ảo" chỉ thoáng qua và cái kết để lại cho họ chỉ là những búa rìu dư luận của xã hội. Có thể kênh của họ còn bị chính YouTube tắt tính năng kiếm tiền hay thậm chí bị khóa kênh.
Phúc An tổng hợp