(SGTT) - Bên cạnh tìm hiểu về lịch sử 18 thôn vườn trầu, hành trình về Hóc Môn, TPHCM còn đưa chúng ta lướt ca nô từ bến đình thần Bình Nhan, xã Nhị Bình đến cánh đồng hoa ven sông Sài Gòn để mọi người chiêm ngưỡng, chụp hình bên hàng chục loại hoa khoe sắc.
- Câu chuyện du lịch: Thăm lại Trung tâm bảo tồn Dược liệu Đồng Tháp Mười
- Câu chuyện du lịch: Lạc trôi ở Vườn quốc gia Núi Chúa
Trải xem Thập bát phù viên,
Một nơi Bà Điểm khuôn viên mỹ miều.
Ngựa hay mua sắm quá nhiều,
Mỗi kỳ đua ngựa thảy đều có ăn.
Hai mươi hai hạt xa gần,
Tiếng ngựa Bà Điểm ai bằng đặng đâu
“Mười tám thôn vườn trầu” có tên chữ là Thập bát phù viên hay Thập bát phù lưu viên là vùng đất trồng trầu và nuôi ngựa nổi tiếng một thời của Sài Gòn, gắn liền với địa danh Hóc Môn - Bà Điểm.
Ngày nay, với tốc độ đô thị hóa và thói quen ăn trầu không còn nhiều nên diện tích trồng trầu đã bị thu hẹp nhiều nhưng vùng đất xưa vẫn còn nhiều nét thanh bình xen lẫn hào hùng thu hút du khách thập phương.
Hóc Môn là nơi lưu giữ một phần lịch sử của TPHCM từ thuở ông cha ta “mang gươm đi mở cõi” như Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí, đã viết: "Vườn trầu ở cách trấn lỵ về phía Tây 52 dặm rưỡi, ở nơi xung yếu trên cửa đường bộ vào nước Cao Miên. Dân chúng phồn thịnh, nhà nhà đều có vườn trầu, vườn cau…".
Tham quan Hóc Môn, nơi nghĩa quân Trương Định - Trương Quyền (1859–1867), Nguyễn Ảnh Thủ (1871) từng đặt căn cứ chống Pháp, nơi Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá cùng hơn ngàn nghĩa quân nông dân đã khởi nghĩa vào năm 1885… du khách và nhất là các bạn trẻ sẽ có dịp tìm hiểu về các giai đoạn lịch sử và các vị anh hùng dân tộc.
Chuyến tham quan Về nguồn sẽ đưa du khách về thăm quê hương của Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cái nôi cách mạng, căn cứ đầu não của Đảng Cộng sản Ðông Dương, nơi nuôi dưỡng các cán bộ lãnh đạo, cất giấu tài liệu bí mật.
Du khách đến viếng Khu Di tích Ngã Ba Giồng sẽ được nghe kể về cuộc Khởi Nghĩa Nam Kỳ trong khoảng thời gian những năm 1930-1940, nhân dân 18 thôn vườn trầu đã bảo vệ, che giấu, nuôi nấng nhiều người cộng sản như Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Quốc Việt, Lê Duẩn... và ngày 23-11-1940, khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ ở một vùng rộng lớn nông thôn Nam bộ.
Do điều kiện chưa chín muồi, cuộc khởi nghĩa này đã thất bại. Thực dân Pháp dựng trường bắn ngay tại thị trấn Hóc Môn - chỗ ngã ba Giồng và tại ngã Ba Giồng, nhiều anh hùng như Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Phan Ðăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai... đã bị xử tử.
Khu di tích cũng tái hiện lại vườn trầu Bà Điểm xưa và các lối nhỏ đường làng với hai hàng tre nghiêng nghiêng níu chân du khách nán lại thư giãn.
Hành trình về Hóc Môn còn đưa chúng ta lướt ca nô từ bến đình thần Bình Nhan xã Nhị Bình, Hóc Môn (xây dựng năm 1850 và được vua Tự Đức sắc phong) đến cánh đồng hoa ven sông Sài Gòn để mọi người chiêm ngưỡng, chụp hình bên hàng chục loại hoa khoe sắc.
Ngoài ra, nếu yêu thích thư pháp, bạn có thể dừng chân tại Hội quán Thư pháp, ngắm các bức thư pháp khắc trên đá và mua về làm quà lưu niệm. Những con đường làng nhỏ đi ngang qua các vườn rau xanh mướt cũng là lộ trình cuốn hút các bạn yêu thích tự khám phá bằng xe đạp.
Bữa ăn trưa ngon miệng với đặc sản của Hóc Môn như heo khô, tép um, khoai mì quết nhuyễn… tại H2O resort và các trò chơi như bắn cung, ném bóng… sẽ khép lại hành trình một ngày đầy thú vị.
Lên đường thôi các bạn nhé, ở ngay TPHCM vẫn còn nhiều điều chờ bạn khám phá.
Phan Yến Ly