Thứ sáu, Tháng mười một 8, 2024

Câu chuyện của những du khách bị mắc kẹt tại Lai Châu vì Covid-19

(SGTT) - Bị kẹt lại Lai Châu do dịch Covid-19, anh Nguyễn Thanh Ngọc, 27 tuổi ở TPHCM quyết định xin đăng ký tạm trú một năm để ở lại thực hiện những hoài bão, kế hoạch của bản thân. Trong khi đó, phượt thủ Nguyễn Phương Lan, 43 tuổi ở Bến Tre, mỗi ngày cùng người dân dọn rác và dựng lại chóp trên cung leo núi ở Tả Liên, tối về hướng dẫn người dân kinh doanh qua mạng.
Bao la núi trời Tây Bắc.

Chuyến xuyên Việt chưa biết ngày về

Vốn đam mê du lịch và yêu thích những chuyến hành trình bằng xe máy, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày cưới, vợ chồng anh Huỳnh Thanh Long (47 tuổi) và chị Nguyễn Phương Lan (43 tuổi) đến từ huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre quyết định thực hiện chuyến xuyên Việt lần thứ 5 với dự định đi hết các cung còn lại của đất nước và đây sẽ là chuyến đi cuối cùng bằng cách này.

Vợ chồng anh Long, chị Lan. Ảnh: NVCC

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, chị Lan cho biết theo kế hoạch ban đầu, vợ chồng anh chị dự kiến đi và về trong thời gian khoảng một tháng rưỡi, khởi hành từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 5 sẽ kết thúc chuyến xuyên Việt.

Tuy nhiên, cuộc hành trình ấy đã có những đổi thay. “Khi hai vợ chồng đến Hà Giang, bắt đầu xuất hiện những ca nhiễm đầu tiên của đợt tái bùng phát dịch Covid-19 nhưng nghĩ dịch sẽ sớm được kiểm soát như những lần trước nên vẫn đi theo kế hoạch, lịch trình”, chị Lan chia sẻ.

Ngày 4-5, theo lịch trình định sẵn, anh chị đến lưu trú tại hộ gia đình chị Lù Thị Gôn ở bản Phô, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường. Chị Gôn là một porter (người khuân hàng - PV) cho những người đi trekking, leo núi để cùng nhau bắt đầu những chinh phục những cung đường dành cho phượt thủ ở Lai Châu.

Anh Long và vợ check-in trên đỉnh núi Putaleng. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, hôm anh chị đến Lai Châu thì cũng là lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Nhiều địa phương bắt đầu áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Vợ chồng anh Long chính thức bị kẹt lại Lai Châu.

Chuyến xuyên Việt với kế hoạch một tháng rưỡi trở thành hành trình dài chưa biết ngày kết thúc đối với chị Lan. Dù bị mắc kẹt, nhu cầu sinh hoạt thiếu thốn khá nhiều nhưng đã vì quen với cuộc sống giản đơn của “dân phượt”, anh chị không hề cảm thấy hụt hẫng hay khó khăn khi sống cùng với đồng bào người Dao ở Lai Châu.

Chị Lan ra đồng cùng cô em gái kết nghĩa người Dao. Ảnh: NVCC

Chị Lan chia sẻ, càng ở càng thấy gắn bó, thân thương. Chuyến du lịch của anh chị bỗng chốc trở thành việc khám phá và tận hưởng những điều đơn sơ, mộc mạc nhất nơi núi rừng Tây Bắc.

Suốt những ngày kẹt tại Lai Châu, cô gái người Dao làm nghề porter đã đưa anh chị chinh phục Sơn Bạc Mây, núi Pú Đao; đi dọn rác và dựng lại chóp trên cung leo núi ở Tả Liên... Lúc vào mùa, vợ chồng chị Lan lại trải nghiệm cùng người Dao đi hái đào, hái mận, đi cấy lúa, thu hoạch ngô (bắp) hay đi tìm những quả “dưa mèo” lăn lóc trên nương rẫy.

Phút nghỉ ngơi của vợ chồng anh Long khi lên nương những ngày bị kẹt tại Lai Châu trong hành trình xuyên Việt. Ảnh: NVCC

Có những ngày không mục đích gì cả, hai người phụ nữ một Bắc, một Nam cứ lang thang lên các bản làng, giao lưu cùng người dân, dùng những thức ăn dân tộc trong bữa cơm bình dị mà ấm áp... Cứ thế, cuộc sống thường nhật đơn giản lại trở lên ý nghĩa, thú vị và gắn kết những con người với nhau một cách đặc biệt.

Những lúc ở nhà, 2 gia đình trong căn nhà nhỏ cùng nhau nấu những món ăn đặc trưng của quê hương mình. Tình cảm ngày càng gắn bó, vợ chồng chị Lan đã kết nghĩa với gia đình Gôn. “Cô gái như bông hoa tỏa hương sắc giữa đại ngàn. Mộc mạc, bình dị, trong sáng và luôn tràn đầy năng lượng tích cực”, chị Lan nói, Gôn cũng là cầu nối cho chị giao lưu với các bản làng cũng như học hỏi được đức tính chân thật, cần cù chịu thương chịu khó của phụ nữ vùng cao.

Chị Lan đi hái quả trên nương. Ảnh: NVCC

Chị Lan chia sẻ rằng đây là chuyến du lịch kỷ niệm không thể nào quên. Đã gần 5 tháng xa nhà, dù rất nhớ nhà và công việc còn bộn bề, nhưng chị không hề cảm thấy hối tiếc những ngày tháng được cùng ăn, cùng ở với gia đình cô gái người Dao ở Lai Châu. Chị đã thực sự yêu cảnh quan và con người nơi đây.

Vì phải xử lý công việc kinh doanh tại nhà nên đầu tháng 7, anh Long đã về Bến Tre, chỉ còn chị Lan ở lại Lai Châu. “Bị kẹt lại trong một chuyến du lịch chưa chắc đã là điều tệ hại”, chị Lan nói.

Những ngày qua chị sống khá tốt, không bon chen toan tính, không hối hả tranh giành. Chị có thêm khoảng lặng để nhìn lại mình cũng như biết trân quý những gì mình đang có. Và bài học giá trị nhất mà chị học được ở đây là giúp chị sống biết yêu thương một cách trọn vẹn hơn.

Khi dịch được kiểm soát trở lại, anh Long sẽ từ Bến Tre trở ra Lai Châu để cùng vợ tiếp tục hành trình xuyên Việt. Trong ảnh là hai vợ chồng anh chị check-in tại cửa khẩu Ma Lù Thàng. Ảnh: NVCC

Chị Lan cho biết thêm, khi dịch bệnh được kiểm soát, anh Long sẽ trở lại Lai Châu để cùng nhau hoàn thành nốt các cung đường còn dang dở. Vợ chồng chị sẽ tiếp tục hành trình xuyên Việt, khám phá nơi đầu nguồn sông Đà, giao lưu với người dân Hà Nhì ở Thu Lũm, đi thăm cầu Hang Tôm huyền thoại hay sẽ khám phá chợ sừng Sì Lờ Lầu cũng như các mốc biên giới chưa đi để hiểu thêm về chủ quyền và những sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ biên phòng.

Chuyến đi một tuần kéo dài một năm

Còn đối với Nguyễn Thanh Ngọc, 27 tuổi ở quận Tân Bình, TPHCM, một bạn trẻ đam mê nhiếp ảnh, đã quyết định đăng ký tạm trú một năm luôn khi vô tình bị mắc kẹt tại Lai Châu.

Bị kẹt do dịch Covid-19, chàng trai trẻ Nguyễn Thanh Ngọc đã quyết định đăng ký tạm trú một năm cho hành trình của bản thân. Ảnh: NVCC

Từ Sài Gòn hoa lệ, Ngọc và cô bạn gái người Mông ở bản Sin Suối Hồ có hẹn gặp nhau trong dịp nghỉ lễ 30-4-2021. “Kế hoạch chỉ là đi một tuần nhưng giờ thì em đăng ký tạm trú đến tháng 5 năm sau rồi”, Ngọc kể.

Dù vậy, chàng trai trẻ này lại cảm thấy vui khi có nhiều thời gian để khám phá cuộc sống và con người nơi đây. Gác lại những bộn bề cuộc sống, thỏa sức đam mê với ống kính máy ảnh, Ngọc đã yêu quý sự bình dị, mộc mạc của Lai Châu từ lúc nào không biết.

Ngọc đang làm giàn để trồng cây. Ảnh: NVCC

Những ngày bị mắc kẹt, Ngọc cùng đi làm nương, cùng lên vườn thu thảo quả, chăm sóc những chậu địa lan của gia đình bạn gái. Ở Sin Suối Hồ, mọi thứ dường như đẹp hơn qua ống kính của chàng trai trẻ. Nếp nhăn trên gương mặt của những cụ bà dường như phúc hậu hơn, ánh mắt của những cô gái trẻ người Mông dường như long lanh hơn, đêm đầy sao nơi cuối trời Tây Bắc cũng trở lên rực rỡ hơn.

“Lai Châu thực sự là một vùng đất đáng sống, mọi thứ bình yên đến lạ khi ở nơi đây. Em thực sự được sống những ngày trọn vẹn ở bản Sin Suối Hồ”, Ngọc nói.

Phút vui đùa của chàng trai người Sài Gòn bị kẹt lại Lai Châu. Ảnh: NVCC

Không ai mong muốn dịch bệnh xảy ra, cũng không ai nghĩ có lúc sẽ có một chuyến đi du lịch kéo dài đến nửa năm. Nhưng đối với những vị khách đặc biệt như vợ chồng anh Long hay Ngọc, những ngày bị mắc kẹt ở Lai Châu lại trở thành những kỷ niệm đẹp mà không nhiều người có được.

Nguyễn Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề