Thứ ba, Tháng mười một 5, 2024

Cao su rớt giá, doanh nghiệp vẫn sống khỏe

Ngọc Hùng

Năm 2014, là một năm khó khăn của ngành cao su, và dự báo 2015 vẫn là một năm mà giá bán cao su thiên nhiên khó tăng trở lại. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp ăn nên làm ra nhờ chiến lược “cuốn chiếu”, tức là mua vào và bán ngay chứ không trữ hàng.

Khó khăn chờ đón

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) nhận định năm 2014 là một trong những năm khó khăn nhất của ngành cao su trong nước và là một năm chứng kiến giá cao su thấp nhất trong năm năm qua khi chạm đáy với giá 1.500 đô la Mỹ/tấn. Nguyên nhân được đưa ra là do Trung Quốc, thị trường tiêu thụ lớn nhất, chiếm khoảng 60% lượng cao su của Việt Nam, có nhiều thời điểm ngưng mua vào, dẫn đến cảnh doanh nghiệp trong nước có muốn bán cũng không bán được.

Giá bán thấp hơn giá thành, nhiều nông dân sẽ ngưng cạo mủ để chờ giá lên. Ảnh: Ngọc Hùng
Giá bán thấp hơn giá thành, nhiều nông dân sẽ ngưng cạo mủ để chờ giá lên. Ảnh: Ngọc Hùng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2014, Việt Nam xuất khẩu được 1,07 triệu tấn cao su, đạt 1,8 tỉ đô la Mỹ. Mức xuất khẩu này tương đương năm 2013, song giá trị thu về giảm gần 28%. Giá xuất khẩu trung bình trong 11 tháng của năm 2014 là 1.695 đô la Mỹ/tấn, giảm hơn 27% so với cùng kỳ năm trước. Tuy lượng cao su xuất sang Trung Quốc giảm, nhưng đây vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam khi chiếm gần 43% tổng lượng xuất khẩu cao su trong năm 2014.

Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) giải thích việc Trung Quốc ngưng mua một phần là do cung vượt quá cầu. Hiện lượng mủ cao su vượt quá nhu cầu tiêu thụ lên đến 600.000 tấn. Một số người trong ngành cho rằng, lượng cao su dư thừa còn lớn hơn, vì hầu hết các công ty sản xuất săm, lốp cao su thường tích trữ một lượng cao su ở trong kho để làm nguyên liệu sản xuất ít nhất trong ba tháng.

Để giá cao su không tiếp tục giảm, những quốc gia có sản lượng cao su lớn như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ hay Việt Nam phải cắt giảm sản lượng, qua đó giảm nguồn cung trên thị trường mới hy vọng tác động trở lại và đẩy giá theo hướng đi lên. Tuy nhiên, trong năm qua, mỗi khi giá cao su giảm, những quốc gia nói trên đều có những chính sách để hỗ trợ người dân trồng cao su. Và trên thực tế, những chính sách này không làm giá tăng mà còn giảm.

Một số doanh nghiệp dự báo, tình hình sẽ khó khăn hơn cho việc xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc trong năm 2015. Còn VRG dự báo, trong năm 2015, giá cao su (trung bình cho các loại mủ) ở mức 31 triệu đồng/tấn, tương đương mức giá những tháng cuối năm 2014, trong khi giá thành ở mức 30 triệu đồng/tấn. Như vậy, lợi nhuận từ cây cao su sẽ không nhiều, thậm chí là không có.

Doanh nghiệp vẫn có lãi

Hiện nhiều doanh nghiệp đều có chung dự báo, cho rằng giá cao su trong năm 2015 khó tăng trở lại, nhiều khả năng sẽ vẫn duy trì mức giá như năm 2014. Giá thấp, nông dân trồng cao su không có lãi khi khai thác, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu cao su không bị ảnh hưởng nhiều, thậm chí kinh doanh vẫn có lãi.

Bà Ngô Thị Hải Hà, Phó giám đốc Công ty Minh Tâm (Bình Dương), cho biết năm ngoái, công ty vẫn ăn nên làm ra khi xuất khẩu cao su vẫn có lãi. Bà Hà giải thích, do quy mô công ty nhỏ, vốn kinh doanh không nhiều, nên đã chọn chiến lược “cuốn chiếu”, tức mua vào và bán ra ngay, thay vì tạm trữ chờ giá lên như những công ty lớn đã và đang làm.

Theo bà Hà, những công ty sản xuất và xuất khẩu cao su lớn than khó vì giá thấp, một phần là do lúc giá cao su ở mức từ 2.500 đô la Mỹ/tấn trở lên họ đã mua một lượng mủ lớn để dự trữ và hy vọng giá lên để bán kiếm lời. Tuy nhiên, sau đó giá chỉ có giảm mà không tăng nên các doanh nghiệp này gặp khó khăn.

Bà Hà cho biết dù năm 2014 giá cao su trên thị trường ở mức thấp, nhưng trên thực tế giá bán mủ cao su của nông dân luôn thấp hơn giá xuất khẩu, nên công ty vẫn có lời. “Năm 2015 chúng tôi vẫn sẽ thực hiện theo cách này”, bà Hà cho biết.

Trong tuần đầu tiên của tháng 1, giá mủ cao su SVR10 trên thị trường các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nguyên ở mức 23.600 đồng/kg, trong khi, giá FOB (giao hàng tại mạn tàu) được các doanh nghiệp bán ra là 31.600 đồng/kg. Như vậy, giá mua vào và bán ra chênh lệch nhau là 8.000 đồng/kg. Nghĩa là, dù giá đang ở mức thấp nhưng doanh nghiệp xuất khẩu vẫn có lãi, phần thiệt thòi vẫn là những nông dân trồng cao su.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam báo lãi 5.179...

0
(SGTT) - Theo thông tin từ Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), năm 2021, doanh thu và thu nhập khác ước...

Hội Nhà báo ký thỏa thuận tăng cường thông tin ngành...

0
(SGTTO) - Hội Nhà báo TPHCM và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) chiều nay, 28-8 tại trụ sở hội đã...

Cao su gặp khó vì… chất lượng tốt

0
Hiện tại, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam đã giảm xuống gần bằng với giá thành nhưng cao su vẫn khó tiêu...

Kết nối