Trong bối cảnh thu nhập người dân giảm mạnh, nhiều người gặp khó khăn về tài chính, hoạt động lừa đảo dưới hình thức giả mạo các gói hỗ trợ dịch bệnh xuất hiện ngày càng nhiều hơn.
- Facebook khởi kiện một nhóm người Việt với cáo buộc lừa đảo quảng cáo
- Thêm kịch bản SMS giả mạo ngân hàng lừa đảo người dùng
Ví điện tử MoMo mới đây cho biết có tình trạng nhiều đối tượng đã giả mạo MoMo để thực hiện các hành vi lừa đảo.
Cụ thể, trong những ngày gần đây, đã có nhiều người, trong đó có người dùng Ví MoMo nhận được email về “Gói cứu trợ Covid – Chung tay vượt qua đại dịch”. MoMo khẳng định công ty không có chương trình này.
Theo MoMo, thủ đoạn là các đối tượng gửi email giả mạo hoặc gọi điện thoại giả danh MoMo để lấy thông tin người dùng, lợi dụng sự cả tin của người dùng, cùng những nhu cầu và khó khăn về tài chính trong mùa dịch.
Theo MoMo, mục tiêu của các đối tượng lừa đảo là lấy thông tin gồm mật khẩu và mã xác thực (OTP) để chiếm đoạt tiền trong ví điện tử.
“Ngoài ra, với các thông tin cá nhân có được, các đối tượng lừa đảo có thể dùng để vay tiền tại các tổ chức và các ứng dụng khác. Khi đó người dùng bị lấy cắp thông tin cá nhân sẽ phải “gánh” khoản nợ của các đối tượng lừa đảo”, đại diện Ví MoMo cảnh báo.
Gần đây, KTSG Online cũng ghi nhận các trường hợp fintech cho vay trực tuyến cho biết tình trạng mạo danh tên tuổi để lấy thông tin người dùng ngày càng nhiều hơn.
Trước đó, từ đầu tháng 8 đến nay, nhiều ngân hàng cũng cảnh báo tình trạng lừa đảo, lợi dụng sự khó khăn về tài chính của người dân trong dịch bệnh.
Chẳng hạn, Ngân hàng Vietcombank cho biết một số đối tượng lừa đảo đã mạo danh Vietcombank liên hệ và gửi thư điện tử thông báo ưu đãi hỗ trợ tiền cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đối tượng lừa đảo gửi thư điện tử, thường có đường link dẫn tới website giả mạo để thu thập thông tin cá nhân, dịch vụ ngân hàng điện tử với mục đích chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
Còn VPBank cho biết có rất nhiều loại giả mạo khác nhau liên quan đến hỗ trợ tài chính cho người dân trong đại dịch.
Cụ thể, đối tượng giả mạo email của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, có nội dung “Công đoàn hỗ trợ tiền mặt cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19” và đề nghị toàn thể cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp điền đầy đủ thông tin theo đường link có sẵn.
Thủ đoạn khác là giả mạo tin nhắn và website của Bộ Y tế, có nội dung hướng dẫn hoàn tất thủ tục đăng ký xin trợ cấp kèm theo đường link dẫn đến website có giao diện giống website của Bộ Y tế.
Khi người dùng cung cấp các thông tin tài khoản cá nhân cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng (username, password, OTP)…, hoặc click vào các đường link có chứa mã độc, kẻ gian sẽ xâm nhập hệ thống mạng doanh nghiệp và/hoặc đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, VPBank còn cảnh báo là những khách hàng cung cấp giấy tờ tùy thân để nhận tiền hỗ trợ ảnh hưởng của dịch Covid-19, có thể bị lợi dụng thông tin để làm hợp đồng tín dụng, vay tiền của các công ty tài chính.
Theo VPBank, đối tượng mà kẻ gian thường nhắm tới là những người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động bị mất việc làm trong mùa dịch… ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa… nơi không có điều kiện tiếp cận thông tin kịp thời.
Trong các tình huống này, kẻ gian thuyết phục khách hàng cung cấp giấy tờ tùy thân cùng các thông tin cá nhân khác, thậm chí đề nghị khách hàng gửi video ghi hình lại gương mặt để hỗ trợ nhận tiền trợ cấp. Khi có được những dữ liệu này, đối tượng sẽ tiến hành thực hiện hồ sơ vay vốn tại các công ty tài chính hoặc các tổ chức tín dụng nhằm chiếm đoạt số tiền giải ngân nếu hồ sơ được duyệt.
Các ngân hàng khuyến nghị khách hàng không chia sẻ các thông tin cá nhân, thông tin dịch vụ ngân hàng, thông tin giao dịch ngân hàng… lên mạng xã hội để tránh bị đối tượng lừa đảo lợi dụng mạo danh ngân hàng,cán bộ ngân hàng liên hệ, yêu cầu được hỗ trợ hoặc yêu cầu cung cấp thông tin nhằm thực hiện các hành vi lừa đảo, gian lận và chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng.
Dũng Nguyễn
Theo Kinh tế Sài Gòn Online