Thứ ba, Tháng mười một 5, 2024

Càng cũ giá càng cao

THÚY AN -

Hiện nay, với số tiền khoảng một triệu đồng là người tiêu dùng có thể mua được chiếc điện thoại thông minh (smartphone) từ các thương hiệu bình dân. Thế nhưng, vẫn có người sẵn sàng bỏ ra vài triệu đồng để mua những chiếc điện thoại cũ, được sản xuất từ những năm 1990 với chức năng cơ bản là nghe và gọi.

Thú chơi điện thoại cũ

dienthoai Nhiều người sẵn sàng bỏ tiền triệu ra để mua những chiếc điện thoại cũ, càng cũ giá càng cao (ảnh minh họa).

Bên cạnh chiếc điện thoại thông minh, đắt tiền phục vụ cho công việc và giải trí, nhiều người còn tìm mua thêm chiếc điện thoại cũ, thường được ví von là “cục gạch” hay “cùi bắp”. Giá của những chiếc điện thoại cũ này dao động từ vài trăm ngàn đồng cho đến vài triệu đồng một chiếc, tùy thuộc vào độ “độc” (nét độc đáo) và độ cũ kỹ của mỗi chiếc.

Người chơi điện thoại cũ xếp loại điện thoại theo thời gian: loại được sản xuất vào năm 1996-1999 được xếp vào loại “cổ”, còn dòng điện thoại sản xuất từ năm 2000-2004 được xếp vào loại “trung cổ”.

Anh Ngọc Lân, một người chuyên sưu tầm điện thoại cổ ở quận 6, TPHCM, cho biết giá trị của mỗi chiếc điện thoại cổ phụ thuộc vào độ hiếm, tính năng và độ “gin” của máy. Những chiếc điện thoại càng có ít tính năng, càng sơ khai bao nhiêu thì giá trị càng tăng bấy nhiêu. Ví dụ, một chiếc điện thoại có chức năng rung thường có giá thấp hơn chiếc không có chức năng rung.

Anh Lân cho biết thêm những chiếc điện thoại được áp dụng một số tính năng lần đầu tiên như chơi trò chơi, nghe nhạc mp3, tích hợp camera của mỗi thương hiệu đang được những nơi bán đồ cũ rao bán với giá khá cao. Tuy nhiên, nếu điện thoại đã bị bung máy thì giá trị sẽ giảm đi rất nhiều, cho dù có độc và hiếm đến đâu.

Số lượng người chơi điện thoại cũ đang tăng dần, thậm chí lập thành các hội chơi để trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ thông tin, trong đó có hội những người thích Siemens SL4x, hội những người yêu thích Nokia 8800... “Mỗi lần anh em nào kiếm được “dế độc”, hội lại có dịp tụ tập và khoe nhau, không khí vui vẻ mà không phải ở đâu cũng có được”, anh Lân nói.

Thú vui sưu tầm “dế cổ” thu hút nam giới ở mọi độ tuổi, trẻ có, già có. Họ đến từ nhiều nghề nghiệp khác nhau, song điểm chung của họ là niềm đam mê và sự yêu thích cái độc, cái lạ. Một sinh viên tên Linh cho biết ban đầu chỉ muốn mua một chiếc điện thoại cũ dùng cho vui, “không ngờ mê luôn từ đó đến giờ”.

Theo đánh giá của nhiều người, điện thoại cũ có chất lượng âm thanh và độ bắt sóng tốt hơn so với những chiếc điện thoại thông minh hiện nay. Ngoài ra, mỗi dòng điện thoại cũ lại được thiết kế với những kiểu dáng độc đáo riêng. Chẳng hạn, chiếc Nokia 7610 với thiết kế hình chiếc lá, chiếc Motorola StarTAC với thiết kế mỏng và bật nắp, chiếc Nokia E90 với hình dáng như một máy tính xách tay thu nhỏ.

Dưới góc nhìn của những người yêu thích cái cũ, bên cạnh sự hào nhoáng của những chiếc điện thoại thông minh, những chiếc điện thoại “cổ” tạo ra cá tính riêng cho người dùng, gợi lại cho họ những trải nghiệm một thời. Điều này phần nào giải thích lý do tại sao nhiều người sẵn sàng bỏ tiền triệu ra để có nó.

Tràn ngập điện thoại “cỏ”

Có có cầu ắt có cung. Dạo gần đây trên các trang mạng, Facebook xuất hiện tràn lan những quảng cáo về các dòng điện thoại Nokia 6600, Nokia 3300, Motorola V3i... với giá chỉ vài trăm ngàn đồng với cam kết hàng chính hãng, còn “gin” 100%. Tuy nhiên, một người chuyên buôn bán điện thoại cũ tên Quang tại Hà Nội cho biết điện thoại “cổ” không thể có nhiều để bán đến hàng chục chiếc như quảng cáo, chưa kể giá thấp hơn cả chục lần so với mặt bằng chung của điện thoại “cổ” hiện nay.

Anh Quang cho biết thêm rất có thể do nhu cầu đang tăng cao nên một số nơi đã lợi dụng để trộn một số hàng dỏm, hàng dựng hay còn gọi là điện thoại “cỏ”, để tăng lợi nhuận. Những điện thoại nhái này thường có lớp vỏ ngoài khá giống với hàng thật, nhưng kết cấu máy bên trong là đồ dỏm, chỉ sử dụng một thời gian ngắn là hư, chết máy.

Theo những người sưu tầm, việc tìm được một con “dế cổ” ưng ý tốn nhiều thời gian, thậm chí cả năm trời, chứ không phải cứ muốn là có. Một số loại hiếm, trong nước không có, nhiều người phải đặt hàng ở nước ngoài nhờ chuyển về với cái giá không hề rẻ. “Dù phải chờ đợi cả chục tháng trời với số tiền bỏ ra không hề nhỏ, nhưng cảm giác sở hữu được một con “dế độc” như thế này còn gì bằng”, anh Lâm, thành viên của hội mê điện thoại cổ tại TPHCM, vừa nói vừa khoe chiếc điện thoại Motorola StarTAC mà anh vừa săn được để bổ sung vào bộ sưu tập điện thoại của mình.

Một điều làm cho người đam mê điện thoại “cổ” đau đầu là số lượng người sửa chữa dòng điện thoại này không nhiều. Theo anh Lâm, những người chơi điện thoại cổ lâu năm sẽ không khó để nhận biết được đâu là hàng cổ thực sự. Phần cứng của máy có thể sao chép, nhưng phần mềm của máy là điều khó khăn cho dân làm nhái. “Chính vì vậy những mánh khóe trên không thể qua mắt được dân trong nghề”, anh Lâm cho biết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thị trường smartphone Đông Nam Á bùng nổ đầu năm 2024

0
(SGTT) - Năm thị trường điện thoại thông minh (smartphone) hàng đầu Đông Nam Á chứng kiến doanh số smartphone tăng ấn tượng trong tháng...

Thế giới riêng: Nhiều kết nối, nhiều ảo tưởng

0
(SGTT) - Ngày nay, khung cảnh sum vầy của bữa ăn gia đình Việt Nam đã bị công nghệ tước đi một cách dễ...

Người Việt chi gần 290 tỉ đồng mua sắm iPhone và...

0
Chỉ trong tháng 5-2023, người tiêu dùng Việt đã chi gần 290 tỉ đồng để mua sắm điện thoại iPhone và Samsung trên các...

Hơn 115.000 sim được mở khóa liên lạc sau 2 ngày...

0
Theo Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, đến ngày 2-4 vừa rồi, hơn 115.000 thuê bao đang bị khóa một...

Cảnh báo thủ đoạn “cướp SIM, đoạt tiền”

1
Nhiều tổ chức cảnh báo kẻ lừa đảo sử dụng thủ đoạn chiếm quyền kiểm soát SIM điện thoại, từ đó chiếm đoạt tiền...

Ra mắt Poco X4 Pro 5G & Poco M4 Pro

0
(SGTT) - Poco X4 Pro 5G có màn hình Amoed 120Hz, camera 108MP và sạc nhanh 67W. Trong khi đó Poco M4 Pro là...

Kết nối